1. Cốc thuỷ tinh hoạ tiết vân sóng
Cốc thuỷ tinh với bề mặt có vân sóng đẹp, dễ dàng thu hút sự yêu thích của nhiều người. Ngoài ra, nó còn sở hữu nhiều kiểu dáng, màu sắc và họa tiết khác nhau để mọi người có đa dạng sự lựa chọn. Đặt một chiếc cốc vân sóng ở trong nhà không chỉ có giá trị sử dụng mà còn rất đẹp mắt, như một món đồ trang trí tiện lợi.
Tuy nhiên, nhiều người khi sử dụng lâu dài lại phát hiện ra rằng lớp sơn trên bề mặt cốc vân sóng rất dễ bị bong tróc. Nếu vô tình nuốt phải sẽ tiềm ẩn nguy cơ gây hại sức khoẻ.
Chẳng những thế, loại cốc này khi dùng để đựng nước nóng hoặc đồ uống có tính axit còn dễ khiến các kim loại nặng bị chuyển hóa vào trong đồ uống, từ đó gây hại sức khỏe.
Lời khuyên là bạn nên sử dụng những chiếc cốc thủy tinh trong suốt đơn giản. Những chiếc cốc quá cầu kỳ, hoa mỹ lại không có thương hiệu rõ ràng chỉ nên dùng làm vật trang trí mà thôi.
2. Cốc bụng mập
Với thiết kế bụng tròn trịa, màu sắc pastel ngọt ngào cùng những sticker dễ thương, chiếc cốc bụng mập nhanh chóng trở thành món đồ hot hit, được nhiều người ưa chuộng sử dụng.
Thế nhưng, đừng để vẻ ngoài xinh xắn đó đánh lừa. Bởi những chiếc cốc nhựa giá rẻ này thường không được làm từ chất liệu an toàn, không đạt chuẩn để tiếp xúc với thực phẩm. Hơn nữa, khi đựng nước nóng, chúng dễ dàng giải phóng các chất độc hại, khiến bạn phải đối mặt với nguy cơ hấp thụ kim loại hay hóa chất nguy hiểm mà mắt thường không thể nhìn thấy.
3. Ấm Tử Sa giá rẻ
Ấm Tử Sa là một trong những sản phẩm thủ công truyền thống của Trung Quốc, với đặc tính thoáng khí, thoát hơi nhưng không rò rỉ, là sự kết hợp lý tưởng để thưởng thức trà.
Giá của những chiếc ấm Tử Sa trên thị trường có sự chênh lệch rất lớn, từ vài trăm nghìn đến cả triệu đồng đều có. Thực lòng khuyên bạn không nên tiếc tiền mà mua ấm Tử Sa giá rẻ, vì có thể đó là ấm làm từ "đất công nghiệp" - một loại đất sét nhân tạo.
"Đất công nghiệp" hay còn gọi là đất pha trộn hóa học, được tạo ra bằng cách trộn bột đỏ sắt và các chất hóa học với đất sét thường, thay vì sử dụng đất Tử Sa tự nhiên.
Mặc dù chưa có nghiên cứu chứng minh trực tiếp tác hại của nó đối với sức khỏe, nhưng vì chứa hóa chất nên bạn vẫn cần đặc biệt chú ý khi mua. Hãy cẩn thận chọn lựa những chiếc ấm chính hãng, tránh rủi ro hàng giả, hàng kém chất lượng có thể ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe.
4. Cốc inox kém chất lượng
Với ưu điểm giá thành phải chăng và độ bền cao, inox đã trở thành chất liệu phổ biến trong việc sản xuất nhiều vật dụng hàng ngày, trong đó có cốc nước. Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng biết, inox đạt tiêu chuẩn thực phẩm thường bao gồm hai loại chính: inox 304 và inox 316.
Tuy nhiên, trên thị trường hiện nay vẫn tồn tại nhiều sản phẩm cốc inox kém chất lượng, mặc dù không đạt tiêu chuẩn thực phẩm nhưng vẫn được gắn mác quảng cáo. Vì vậy, việc lựa chọn cốc inox chất lượng là điều quan trọng, và chúng ta nên ưu tiên các thương hiệu uy tín, tránh xa những sản phẩm giá rẻ, không rõ nguồn gốc.
5. Cốc men sứ bị hư hỏng
Nếu nhà bạn đang sử dụng cốc men sứ và không may nó bị hư hỏng, để lộ lớp kim loại bên trong, bạn nên ngừng sử dụng ngay lập tức. Bởi vì men sứ thực chất là một lớp phủ giống như kính, được bao bọc bên ngoài vật liệu kim loại để gia tăng khả năng chống ăn mòn từ axit, kiềm và oxy hóa.
Khi cốc men sứ bị va đập và lớp phủ bảo vệ bị vỡ, kim loại bên trong sẽ dễ dàng bị ăn mòn và oxy hóa, hình thành vết gỉ sét. Những vết gỉ này không chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ mà còn cực kỳ nguy hiểm cho sức khỏe. Do đó, nếu cốc men sứ đã bị hư hỏng, bạn cần phải bỏ ngay và không tiếp tục sử dụng.
6. Cốc giả sứ
Cốc giả sứ là loại cốc làm từ vật liệu melamine, được chế tạo từ nhựa melamine-formaldehyde. Thực tế, những cốc giả sứ được sản xuất theo quy trình khép kín có thể sử dụng an toàn, chúng không độc hại, bền và chắc chắn.
Tuy nhiên, nhiều nhà sản xuất để tiết kiệm chi phí đã thêm vào các nguyên liệu giá rẻ trong quá trình chế tạo, dẫn đến việc cốc giả sứ không chịu được nhiệt độ cao. Khi gặp nhiệt độ cao, nó có thể giải phóng formaldehyde và kim loại nặng.
Hãy tưởng tượng, khi bạn dùng cốc này để đựng nước nóng, formaldehyde sẽ hòa tan vào trong nước, biến nó thành một cốc độc hại. Không chỉ không chịu được nhiệt độ cao, loại vật liệu này còn dễ bị mài mòn, ví dụ khi bạn dùng miếng chà thép để rửa, cũng sẽ giải phóng các chất độc hại.
Nguồn: Toutiao