Kỳ nghỉ Tết cũng đã dần khép lại, chỉ còn 1 ngày nữa thôi, chúng ta sẽ trở lại nhịp sống thường ngày - với nhiều người, đó là đi làm từ 9h sáng đến 5h chiều. Những suy nghĩ lo lắng, băn khoăn về tình hình công việc, thu nhập, cũng vì thế mà dần dữ dội hơn.
Mới đây, trong một cộng đồng chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức quản lý tài chính, một cô gái 26 tuổi đã trải lòng về chuyện công việc, với mức thu nhập 8,5-9 triệu/tháng. Ai đọc xong cũng cảm thấy thương.
“Em sinh năm 1999. Nhà em nói học 4 năm Đại học, đi làm lương 8,5-9 triệu là chuyện quá khó tin, kêu em về làm công nhân.
Hiện em đang làm cho một công ty có tiếng về Giáo dục, mảng Học vụ - CSKH. Em chưa có ý định nhảy việc vì em vẫn thích công việc này nhưng em không biết giải thích sao cho bố mẹ hiểu.
Em trọ ở TP.HCM, ăn uống tự túc, tự lo chi phí sinh hoạt. Em không hay đi chơi, làm nail hay làm tóc, cả nửa năm mới tốn 1 triệu tiền quần áo thôi, còn đâu chi vào việc trả góp điện thoại, ăn uống, đi lại là nhiều.
Công ty em không có lương tháng 13, tổng thưởng chỉ tầm 3,7 triệu đồng, nên Tết đến em dành dụm được ít, tầm 2 triệu thì có vẻ ba mẹ không vui vì ít quá. Ba em chửi em dữ quá, kêu lương không bằng hàng xóm, nhỏ hơn em 1 tuổi mà kiếm 15 triệu/tháng. Ba kêu nuôi ăn học 4 năm trời mà đi làm lương thấp như vậy không ai thông cảm, không ai an ủi được.
Mùng 1 Tết mà em khóc từ cả tối rồi ạ… Mấy anh chị cho em lời khuyên và động lực với ạ…” - Cô viết.
Tết là thời điểm gia đình quây quần, đoàn tụ. Nhưng với không ít người, nghỉ Tết về quê, chỉ thấy áp lực là chính vì những câu hỏi, những lời chất vấn quanh chuyện lương thưởng. Cũng không khó để bắt gặp những dòng tâm sự giống như của cô gái 26 tuổi trong câu chuyện phía trên.
Cách đây chưa lâu, vào đúng ngày 29 Tết, một cô gái khác cũng có chia sẻ tương tự: Làm văn phòng lương 9-10 triệu/tháng và bị mẹ so sánh “thua công nhân”.
“Trong đây có ai áp lực với gia đình cuối năm như em không ạ? Năm nay em 25 tuổi, đi làm được 2 năm. Công việc của em là làm sale, năm ngoái thị trường còn ổn định thì lương được khoảng 14-15 triệu/tháng, nhưng năm nay khó khăn nên em chỉ làm được khoảng 9-10 triệu là cùng.
Tết năm nay quả thực em chỉ còn được 5 triệu để về quê, rồi còn phải để dành tiền tiêu sau Tết. Thế mà em về quê lại áp lực trong chính gia đình là từ mẹ.
Mẹ luôn trách móc em sao đi làm 1 năm mà không dư đồng nào, luôn so sánh em với các anh chị trong họ, là anh chị đi làm có tiền về cho cha mẹ còn em thì chẳng thấy dư.
Quả thật em cũng buồn vì không cho mẹ được nhiều, nhưng trước lúc về, em cũng có mua rất nhiều quà bánh cho mẹ. Em ko có nhiều tiền nhưng cũng định mừng tuổi bố mẹ ông bà vài trăm. Nhưng hầu như cứ ai đến nhà em chơi, mẹ đều nói rằng em làm không dư, còn so sánh em với những người khác, bảo họ đi làm công nhân còn dư, cho em ăn học mấy năm trời mà giờ lương thua công nhân” - Cô viết.
Cả 2 cô gái này đều bị gia đình chì nặng nhẹ vì rõ là đi học đại học, làm văn phòng mà thu nhập chẳng bằng người làm công nhân. Thực trạng đó có thể đúng ở thời điểm hiện tại, nhưng không phải là chuyện mãi mãi không thể thay đổi.
Dân văn phòng, đặc biệt là người mới đi làm ở thời điểm những năm sau đại dịch Covid-19, lương khởi điểm có thể chưa cao, nhưng nếu chịu khó học hỏi, trau dồi kinh nghiệm và kỹ năng, chắc chắn là không thiếu cơ hội phát triển, thăng tiến. Chưa kể, làm văn phòng, chúng ta còn được mở rộng mối quan hệ, được giao thiệp và tiếp xúc với những người giỏi hơn mình, thành công hơn mình, để học hỏi từ họ.
Đó cũng chính là lý do mà ngay cả khi lương khởi điểm chưa cao lúc mới chân ướt chân ráo đi làm văn phòng, nhiều người vẫn chấp nhận, vì biết rằng rồi tương lai, mọi thứ sẽ khá hơn.
Có nhiều lý do để một người chưa thể được tăng lương, hoặc thăng tiến ở chính công ty họ đang gắn bó, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc bản thân họ không thể tăng thu nhập. Vì ngoài công việc chính, chúng ta vẫn có thể làm thêm những công việc khác để đa dạng hóa nguồn thu.
Năm nay, nếu bạn đang đặt mục tiêu có nhiều hơn 1 nguồn thu nhập, phải nhớ lấy 3 điều này.
1 - Muốn có thu nhập cao, phải có ngoại ngữ và kỹ năng mềm
Ở Việt Nam nhưng làm việc từ xa cho công ty nước ngoài là một trong những cách kiếm tiền của không ít dân văn phòng hiện nay. Và để làm được điều đó, giỏi ngoại ngữ là điều bắt buộc.
Bên cạnh đó, ngoài kỹ năng chuyên môn, việc có kỹ năng mềm - là kỹ năng giao tiếp, kỹ năng đàm phán,... cũng rất quan trọng. Tất cả đều phục vụ mục đích kiếm được việc lương cao và chứng minh năng lực làm việc của bản thân.
2 - Không ngừng học hỏi, không ngại nâng cấp “cần câu cơm”
Tùy vào lĩnh vực bạn đang theo đuổi mà việc nâng cấp dụng cụ làm việc có thể là cần thiết, hoặc không. Tuy nhiên, việc nâng cấp kiến thức, kỹ năng chuyên môn cũng như các kỹ năng phụ liên quan, là điều bắt buộc nếu muốn có mức thu nhập cao. Lĩnh vực nào cũng vậy.
Người thành công tìm được “job phụ” có mức lương tốt và thành công duy trì công việc ấy, hay nói chung, là duy trì mức thu nhập cao ổn định chính là người không đi chậm hơn sự phát triển của xã hội, của ngành nghề mà họ đang theo đuổi.
3 - Muốn thu nhập cao, phải chấp nhận sự vất vả
Mọi lựa chọn đều là sự đánh đổi. Muốn có thu nhập cao, phải chấp nhận bớt thời gian vui chơi, đôi khi là “bận bù đầu” đến mức thiếu ngủ. Ngược lại, muốn có thời gian rong chơi, trải nghiệm khám phá cuộc sống, đồng nghĩa với giảm thời gian làm việc, bạn phải chấp nhận mức thu nhập không vượt trội so với mặt bằng chung.
Quyết định ra sao, lựa chọn thế nào, đương nhiên là tùy người, tùy hoàn cảnh. Chỉ có 1 điều chắc chắn: Không bao giờ có công việc hợp pháp nào “việc nhẹ, lương cao”!