Trong hành trình đồng hành cùng con trẻ, giáo dục không chỉ là trách nhiệm đơn thuần của bố mẹ mà còn là sự chung tay, góp sức của ông bà và tất cả mọi người trong gia đình. Khi mỗi thành viên đều đặt tâm huyết vào việc hình thành nhân cách và tri thức cho trẻ, những câu chuyện cảm động, những bài học sâu sắc sẽ lần lượt được viết nên qua từng trang giáo dục. Một minh chứng sống động cho điều này chính là câu chuyện dưới đây.
Vương Lệ là một bà mẹ nội trợ toàn thời gian, đang sinh sống tại Hồ Nam (Trung Quốc). Vương Lệ và chồng - Triệu Cường có hai đứa con sinh đôi vô cùng đáng yêu. Hằng ngày, Triệu Cường bận rộn với công việc, còn Vương Lệ phần lớn thời gian ở nhà chăm sóc con cái và bố chồng, ông Triệu - người tuổi đã cao, sức khỏe không còn được như xưa. Ông Triệu là một giáo viên đã về hưu, tính cách nghiêm túc và truyền thống, rất yêu thương các cháu nhưng cũng đặt ra nhiều nguyên tắc khắt khe trong việc giáo dục.
Tuy nhiên, Vương Lệ không ngờ rằng, có một ngày, cô sẽ bị một hành động vô tình của bố chồng làm xúc động đến rơi nước mắt, đồng thời nhận ra nhiều bài học sâu sắc về cách dạy con.
Tối hôm đó, sau một ngày bận rộn, Vương Lệ vừa dỗ các con ngủ xong, đang chuẩn bị về phòng thì cô bất ngờ nhận thấy đèn trong phòng làm việc của bố chồng vẫn sáng. Đã khuya lắm rồi, vốn dĩ ông thường nghỉ ngơi rất đúng giờ, sao hôm nay lại khác?
Vương Lệ tò mò bước nhẹ nhàng đến gần cửa phòng, khẽ nhìn qua khe cửa. Cảnh tượng trước mắt khiến cô ngạc nhiên: bố chồng đang ngồi bên bàn, đeo kính lão, chăm chú đọc một cuốn sách về tâm lý trẻ em. Bên cạnh ông còn có một chồng sách liên quan đến giáo dục trẻ. Ông vừa đọc, vừa ghi chú cẩn thận, thậm chí thỉnh thoảng còn lẩm bẩm một mình.
Vương Lệ gõ nhẹ cửa, Triệu lão gia ngẩng đầu lên, thoáng chút ngại ngùng khi thấy con dâu: "Lệ à, muộn thế này rồi sao con còn chưa ngủ?".
Vương Lệ mỉm cười hỏi: "Bố đang nghiên cứu gì mà chăm chú thế ạ?".
Ông cười, chỉ vào chồng sách trên bàn: "Bố ấy mà, già rồi, nhiều thứ không theo kịp thời đại nữa. Trẻ con bây giờ khác ngày xưa nhiều, bố sợ cách dạy cũ sẽ không còn phù hợp. Nghe con nói về tâm lý trẻ em hôm trước, bố đã mượn mấy cuốn sách này về học thử".
Lời nói giản dị của ông khiến Vương Lệ nghẹn ngào, nước mắt rưng rưng. Cô không ngờ rằng một người có vẻ cứng nhắc như ông lại bỏ ra nhiều công sức để học hỏi chỉ vì muốn chăm sóc và giáo dục cháu tốt hơn.
Ngay sáng hôm sau, Vương Lệ đã thấy bố chồng mình chủ động đề nghị với hai con của cô rằng: "Từ hôm nay, ông sẽ chơi với các cháu lâu hơn một chút, nhưng các cháu cũng phải nghe lời ông nhé".
Hai đứa trẻ vui sướng ôm lấy ông. Lúc này, Vương Lệ mới hiểu rằng, ngoài việc nghiên cứu lý thuyết, bố chồng cô còn cố gắng áp dụng những điều đã học vào thực tế. Ông không chỉ quan tâm đến việc học của cháu mà còn chú ý đến sức khỏe tâm lý và sở thích của chúng.
Câu chuyện của bố chồng Vương Lệ khiến nhiều người cảm phục, đồng thời nhận ra rằng giáo dục trẻ thực sự là một hành trình yêu cầu sự đồng hành, góp sức chung tay của tất cả các thành viên trong gia đình. Trong quá trình đó, có một số điều cần lưu ý như sau:
1. Giáo dục cần thay đổi theo thời đại
Thế giới không ngừng biến đổi, và những phương pháp giáo dục cũ cần được đánh giá lại để phù hợp hơn với hoàn cảnh hiện tại. Kinh nghiệm của thế hệ trước vẫn quý báu, nhưng chúng ta cần kết hợp với sự sáng tạo và cải tiến để giáo dục có thể phù hợp với môi trường sống ngày càng phức tạp và tâm lý đa dạng của lứa tuổi trẻ.
2. Giáo dục gia đình là sự hợp tác của cả nhà
Mọi người trong gia đình đều có vai trò quan trọng trong việc hình thành nhân cách và kiến thức cho trẻ. Sự kết hợp giữa bố mẹ, ông bà, anh chị và cả những người thân khác tạo nên một mạng lưới hỗ trợ mạnh mẽ, giúp trẻ phát triển một cách toàn diện và hài hòa.
3. Tấm gương từ người lớn là bài học quý giá
Từ sự kiên nhẫn và không ngừng học hỏi của người thân, trẻ học được cách vượt qua khó khăn và nỗ lực không ngừng. Những bài học này không chỉ giảng dạy qua lời nói mà còn qua hành động thực tế, tạo ra những ấn tượng sâu sắc trong tâm trí của trẻ.
4. Quan tâm đến thế giới nội tâm của trẻ
Việc lắng nghe và hiểu được sở thích, nguyện vọng, cũng như cảm xúc của trẻ là yếu tố thiết yếu trong việc xây dựng một mối quan hệ đáng tin cậy giữa người lớn và trẻ em. Điều này không chỉ giúp trẻ cảm thấy được yêu thương và trân trọng, mà còn là cơ sở vững chắc để trẻ phát triển một cách lành mạnh trong môi trường giáo dục của gia đình.