Nữ sinh đạt 3 điểm 10 thi Tốt nghiệp: Không đi học thêm, mỗi tối chỉ học từ 1-2 tiếng

Diệu Thu, Theo Trí Thức Trẻ 12:28 30/08/2020

Mới đây info của nữ sinh thứ 2 đạt 3 điểm 10 bài thi tổ hợp Khoa học xã hội đã chính thức lộ diện, cô bạn đến từ trường THPT Mỹ Lộc, Nam Định đang khiến cộng đồng mạng xuýt xoa khen ngợi thành tích xuất sắc này.

Sau khi Bộ GD-ĐT công bố điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia năm 2020, theo thống kê, trong tổng số 830.764 thí sinh dự thi trên toàn quốc, chỉ có 2 thí sinh đạt 3 điểm 10 ở bài thi tổ hợp Khoa học xã hội.

Được biết, Trần Thu Hoài học sinh lớp 12A8, trường THPT Mỹ Lộc, Nam Định là một trong 2 nữ sinh sở hữu thành tích xuất sắc này. Cụ thể cô bạn đạt 3 điểm 10 tuyệt đối ở các môn Lịch sử, Địa lý và Giáo dục công dân.

Liên hệ với Thu Hoài, nữ sinh cho biết: "Mình rất vui mừng và hạnh phúc khi là 1 trong 2 thí sinh đạt 3 điểm 10, vì thực sự lúc học cấp 2, kết quả của mình chưa được tốt lắm, học lực chỉ gọi là khá thôi, cấp 3 thành tích cũng không có gì nổi bật, thậm chí không học lớp chọn, nhưng nhờ vào sự giúp đỡ của thầy cô, mình đã cố gắng hơn để có kết quả như ngày hôm nay."

Nữ sinh đạt 3 điểm 10 thi Tốt nghiệp: Không đi học thêm, mỗi tối chỉ học từ 1-2 tiếng - Ảnh 1.
Nữ sinh đạt 3 điểm 10 thi Tốt nghiệp: Không đi học thêm, mỗi tối chỉ học từ 1-2 tiếng - Ảnh 2.

Nữ sinh trường THPT Mỹ Lộc, Nam Định xuất sắc đạt 3 điểm 10 kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia năm 2020

Ở trường cấp 3, cô bạn có tham gia đội tuyển học sinh giỏi, từng đạt giải Khuyến khích Olympic Địa lý toàn tỉnh năm lớp 10, giải Ba Olympic Địa lý toàn tỉnh năm lớp 11. Đến lớp 12, Hoài vẫn tiếp tục ôn luyện đội tuyển nhưng do dịch bệnh Covid-19, cuộc thi phải tạm dừng nên nữ sinh dành phần lớn thời gian cho việc học các môn và tập trung vào các môn thi tốt nghiệp.

Ngoài giờ học, Hoài đỡ đần bố mẹ mọi công việc trong nhà, từ đi chợ, nấu cơm, dọn dẹp, chăm em. Chưa kể đến mùa vụ, nữ sinh vẫn tranh thủ đi nhổ mạ, gặt lúa phụ giúp gia đình. Mẹ của Hoài thì tất bật từ 4h sáng, thu mua rau ở chợ quê rồi đạp xe 15km xuống TP. Nam Định để bán. Còn bố chủ yếu làm công việc đồng áng, thi thoảng có đi bưng vác thuê để kiếm thêm thu nhập.

Nữ sinh đạt 3 điểm 10 thi Tốt nghiệp: Không đi học thêm, mỗi tối chỉ học từ 1-2 tiếng - Ảnh 3.
Nữ sinh đạt 3 điểm 10 thi Tốt nghiệp: Không đi học thêm, mỗi tối chỉ học từ 1-2 tiếng - Ảnh 4.

Nữ sinh không hề tham gia bất cứ lớp học thêm nào, mỗi tối chỉ ôn bài từ 1-2 tiếng

Chia sẻ về phương pháp học tập, Hoài cho hay: "Đối với mình, việc học những môn Khoa học xã hội không có gì khó khăn, nhất là với tổ hợp Địa lý, Lịch sử và Giáo dục công dân, mình vừa học lý thuyết vừa vận dụng để làm bài tập. Ở mỗi câu hỏi, ngoài tìm đáp án, mình tự đặt câu hỏi cho các phương án còn lại, khi làm đề mình thường gạch chân vào các từ khóa của bài, cách làm này có thế củng cố ôn tập lượng kiến thức lớn.

Riêng với môn Sử, bản thân mình chú trọng việc hiểu dấu mốc quan trọng của các sự kiện và rút ra bài học. Điều đó không chỉ có ích cho môn học mà còn rất có ích cho cuộc sống. Bên cạnh đó, để học tốt môn Lịch sử cần phải có kiến thức về xã hội, cần tìm hiểu kiến thức qua sách vở, báo, đài và cần có mối liên kết giữa các sự kiện với nhau."

Nữ sinh đạt 3 điểm 10 thi Tốt nghiệp: Không đi học thêm, mỗi tối chỉ học từ 1-2 tiếng - Ảnh 5.
Nữ sinh đạt 3 điểm 10 thi Tốt nghiệp: Không đi học thêm, mỗi tối chỉ học từ 1-2 tiếng - Ảnh 6.

Cô bạn đăng ký nguyện vọng 1 vào Trường Đại học Luật Hà Nội

Với kỳ thi vừa qua, nữ sinh Nam Định đã có chiến lược cụ thể, chia nhỏ các khoảng thời gian học trong ngày, ví dụ mỗi buổi tối học 1-2 tiếng đồng hồ, dành 45 phút ôn Sử, 45 phút ôn Địa, tranh thủ làm bài tập cô giao hoặc một số đề tham khảo trên mạng, còn hai môn Văn và Giáo dục công dân, Hoài chỉ học trên lớp. Cô bạn tích cực ôn luyện dưới sự hướng dẫn của các thầy cô ở trường, ngoài ra không tham gia bất cứ lớp học thêm nào khác.

Hiện tại, Hoài đang tranh thủ đi làm thêm để giảm bớt chi phí cho bố mẹ khi vào học Đại học. Với tổ hợp Khoa học xã hội đạt điểm tối đa, môn Văn 8,5 điểm, Thu Hoài có tổng 28,5 điểm. Cô bạn đăng ký nguyện vọng 1 vào Trường Đại học Luật Hà Nội: "Qua tìm hiểu, mình cảm thấy yêu thích những kiến thức thực tiễn liên quan đến Luật vì nó có tính thực tiễn cao. Đồng thời lên Đại học mình muốn bản thân tự tin và năng động hơn, được trải nghiệm nhiều hoạt động, đến một môi trường mới chắc chắn sẽ cần nỗ lực, cố gắng hơn rất nhiều."

Ảnh: Nhân vật cung cấp