3.000 ngày chống chọi ung thư não
Nữ sinh Nông Thúy Hiền, 20 tuổi, sinh ra trong gia đình có truyền thống bố mẹ đều làm giáo viên tại huyện Bắc Quang, Hà Giang. Ngay từ nhỏ cô bé nuôi dưỡng ý định trở thành cô giáo dạy tiếng Anh cho trẻ em vùng cao quê nhà.
Hiền luôn nỗ lực học tập, đạt các thành tích cao trong học tập để quyết tâm thực hiện ước mơ của mình. Nhưng mọi chuyện không suôn sẻ như em nghĩ, tháng 4/2011 căn bệnh ung thư não quái ác ập đến cô bé Thúy Hiền trước ngưỡng cửa chập chững bước vào đời.
Nữ sinh Nông Thúy Hiền, cô gái dân tộc Tày đầy nghị lực suốt 8 năm kiên trì chiến đấu với căn bệnh ung thư não.
Hiền nhớ lại, ban đầu em chỉ thấy triệu chứng thường xuyên đau đầu dữ dội, dần dần bị lên cơn động kinh, nhưng bác sĩ ở tỉnh không phát hiện ra bệnh. Cứ thế, tần số các cơn động kinh tăng dần lên, nhưng bản thân cũng chỉ nghĩ mình học nhiều quá nên mệt.
Căn bệnh ngày một nặng hơn, cuối cùng bác sĩ bệnh viện tuyến trung ương kết luận Hiền bị ung thư não ác tính giai đoạn 2.
“Lúc cầm kết quả trên tay, tôi như chết lặng, âm thanh chỉ còn tiếng ù ù hai bên tai, tim tôi như ngừng đập vì không thể thở nổi. Tôi không dám nói cho con, chỉ thông báo bị đau đầu nặng và động viên con cố gắng chữa trị”, chị Nguyễn Thị Hà, mẹ của Hiền kể lại.
Khi đó, các bác sĩ khuyên gia đình cho Hiền phẫu thuật bởi khối u ác tính nằm ở vị trí nguy hiểm, trong trường hợp xấu nhất em có thể qua đời bất cứ khi nào, nếu lên cơn động kinh quá dữ dội. Tuy nhiên nếu mổ em cũng sẽ bị liệt suốt đời.
Đứng trước sự lựa chọn sinh tử khó khăn, không ít đêm cả hai vợ chồng chị Hà thức trắng để tìm đọc tất cả các tài liệu về căn bệnh. Cuối cùng gia đình quyết định xin cho Hiền được điều trị bằng thuốc và xạ trị.
Đến nay, Hiền chung sống hơn 8 năm với khối u ác tỉnh như quả bom trực chờ cướp đi mạng sống của mình. Từng ấy thời gian em phải chấp nhận điều trị bằng thuốc và hóa chất. Vậy nhưng chưa bao giờ em thôi nghĩ về ước mơ được trở thành một giáo viên dạy tiếng Anh. Trong khi bố mẹ ngăn cản không muốn em học nhiều, não sẽ bị ảnh hưởng.
Có khoảng thời gian Hiền phải nhập viện vì sức khỏe đi xuống, nhưng nằm trong viện buồn nên em lại xin mẹ mang theo sách vở để ôn tập ngay trên giường bệnh. Em không muốn bị bỏ lại quá xa với các bạn và ảnh hưởng đến kết quả học tập.
Trong hơn 8 năm chiến đấu với bệnh tật, số nợ của gia đình Hiền không ngừng tăng lên, thậm chí mẹ Hiền phải cầm cố sổ đỏ, sổ lương để vay nợ lấy tiền chữa bệnh. Chẳng biết bao giờ mới trả được số tiền đó, nhưng chị Hà vẫn quyết tâm: "Dù có nợ 1 tỷ hoặc nhiều hơn nữa mà các con khỏe mạnh, có thể vui vẻ như trước thì tôi cũng sẵn sàng đánh đổi. Tôi ước có thể đau thay nỗi đau của con".
Khao khát được lên giảng đường
Trong kỳ thi tuyển sinh đại học năm 2017, nữ sinh Nông Thúy Hiền – cô gái dân tộc Tày đầy nghị lực đạt 20 điểm khối D (Toán, Văn, Anh), đăng ký vào khoa Ngôn ngữ Anh, Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Nhưng đây cũng là lúc bệnh của Hiền không thể kéo dài hơn khi điều trị bằng thuốc. Tháng 7/2018, Hiền bước vào ca mổ não đầu tiên để cắt khối u ác tính phức tạp.
Chị Nguyễn Thị Hà (trái) và Hiền (phải) vẫn ngày đêm kiên trì cùng chiến đấu, quyết không khuất phục trước sự trớ trêu của số phận.
Sau phẫu thuật, sức khỏe dần khá hơn, Hiền sẵn sàng chuẩn bị hành trang lên đường nhập học, trở thành sinh viên Đại học Ngoại ngữ bất chấp sự lo lắng và ngăn cản của gia đình.
"Chưa khi nào em nghĩ mình sẽ chịu thua bệnh tật, nghị lực và khao khát được sống, được cháy hết mình trên giảng đường giúp em vượt qua những cơn đau bạo bệnh. Em biết bố mẹ rất lo cho sức khỏe của em khi đi học xa nhà", Hiền nói và cho biết có lúc mẹ muốn xuống Hà Nội chăm sóc nhưng Hiền luôn từ chối.
Nghị lực là vậy, nhưng cuộc đời thật trớ trêu, căn bệnh tái phát đeo bám Hiền khi kết thúc học kỳ một năm thứ nhất. Lúc đó, Hiền được xác định bị phù não, do ca phẫu thuật trước không đạt kết quả như mong đợi. Sức khỏe ngày một giảm sút, Hiền buộc phải xin nghỉ học để điều trị bệnh.
Hiện cách 10 ngày, hai mẹ con Hiền lại bắt xe từ Hà Giang xuống Bệnh viện K cơ sở Tân Triều truyền hóa chất xạ trị. Đợt nào sức khỏe ổn định khoảng 5 ngày là được về nhà, nhưng cũng có đợt lên đến 10 ngày hoặc nhiều hơn nếu cơ thể không đủ khỏe để truyền hóa chất.
Tấm thẻ sinh viên như một minh chứng cho sự nỗ lực và khao khát hoàn thành chương trình đại học để trở thành giáo viên của Hiền.
Chị Hà nghẹn ngào, số đêm thức trắng chẳng đếm xuể, chỉ biết nằm ôm con, thầm mong mình có đủ sức khỏe để cùng con chiến đấu với căn bệnh quái ác này. Hiền là tất cả những gì vợ chồng chị Hà có.
“Dù mang bệnh trong người nhưng lúc nào con gái cũng tâm sự với mẹ về khao khát quay lại giảng đường đại học, về ước mơ được làm giáo viên giống bố mẹ. Mỗi lần nghe con nói, tôi lại ứa nước mắt, ôm con vào lòng mà hứa với nó khi khỏe lại sẽ cho con đi học. Tương lai của nó quá mù mịt. Thật trớ trêu”, chị Hà chua xót nhìn con.
Ngồi trong phòng bệnh, đôi mắt Hiền hướng xa xăm về phía cửa sổ. “Em chỉ ước sẽ được xuống Hà Nội cùng với mẹ để đi vào trường học chứ không phải đi vào cánh cổng bệnh viện lạnh lùng kia”.