Cô gái có tên là Yên Yên, 22 tuổi, hiện đang là sinh viên năm cuối đại học ở Thiên Tân, Trung Quốc. Yên Yên vốn là một sinh viên chăm chỉ, hiện lại đang chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp đại học và ôn tập cho kỳ tuyển sinh thạc sĩ nên cô càng thêm nỗ lực. Mỗi ngày, Yên Yên đều học tập từ sáng sớm tới đêm muộn.
Yên Yên từng được chẩn đoán mắc viêm gan B nhưng luôn tuân thủ uống thuốc đều đặn theo chỉ định của bác sĩ để kiểm soát bệnh.
Mẹ của Yên Yên biết con gái mắc bệnh, lại sống ở kí túc xá xa nhà nên vô cùng lo lắng cho tình trạng sức khỏe của cô. Mẹ Yên Yên tìm hiểu trên mạng biết sữa đậu nành tốt cho gan nên từ năm hai đại học, bà đã gọi điện bảo Yên Yên uống thêm một cốc sữa đậu nành mỗi ngày.
“Tôi nghe nói uống sữa đậu nành tốt cho gan nên đã bảo Yên Yên mua đậu nành về làm sữa uống hàng ngày để bồi bổ sức khỏe. Con bé cũng rất nghe lời, đã duy trì thói quen uống sữa đậu nành được hai năm nay”, mẹ Yên Yên chia sẻ.
Gần đây, Yên Yên cảm thấy cơ thể mệt mỏi, uể oải hơn bình thường, cô cũng thường xuyên bị tiêu chảy. Lúc đầu, Yên Yên cho rằng bản thân bị căng thẳng quá mức nên mới mệt mỏi và bị rối loạn tiêu hóa, do đó cô không mấy bận tâm.
Sau vài ngày, tình trạng tiêu chảy của Yên Yên ngày càng nghiêm trọng dù đã uống thuốc. Ngoài ra, Yên Yên còn xuất hiện thêm cả triệu chứng đau bụng dữ dội. Thấy tình trạng sức khỏe không ổn nên Yên Yên đã nhờ bạn cùng lớp đưa mình đến bệnh viện để kiểm tra.
Sau khi kiểm tra toàn diện, bác sĩ phát hiện nồng độ alpha-fetoprotein (AFP) - chỉ số cảnh báo các bệnh lý về gan - trong cơ thể Yên Yên cao bất thường, lên tới 430ng/ml. Kết quả chụp CT cho thấy Yên Yên có một khối u kích thước 4cm ở gan. Yên Yên được chẩn đoán mắc bệnh ung thư gan.
Sau khi nghe bác sĩ chẩn đoán, Yên Yên vô cùng sốc, cô bật khóc ngay tại viện. Yên Yên sau đó đã được chỉ định nhập viện để điều trị ung thư.
Khi khai thác tiền sử bệnh, bác sĩ phát hiện, Yên Yên thường tự mua đậu nành và nấu thành sữa uống để tiết kiệm chi phí. Để mua với giá rẻ, Yên Yên thường mua một lượng lớn hạt đậu nành và bảo quản trong túi, dùng cho nhiều tháng. Tuy nhiên, do bảo quản không tốt nên sau 1 tháng đậu nành bắt đầu bị mốc. Yên Yên phát hiện ra nhưng vì tiết kiệm, cô không nỡ vứt đi mà chỉ rửa phần bị mốc đi và tiếp tục sử dụng.
Bác sĩ nói rằng thói quen sử dụng hạt đậu nành bị mốc của Yên Yên chẳng khác nào tự đầu độc cơ thể.
Bác sĩ giải thích hạt đậu nành bị mốc sẽ sinh ra một lượng lớn vi khuẩn và các chất độc hại, trong đó có cả aflatoxin. Nấm mốc aflatoxin vô cùng độc hại.
Theo tài liệu nghiên cứu của Cục Dược phẩm và Thực phẩm (FDA) Hoa Kỳ, nấm mốc aflatoxin rất bền nhiệt. Mặc dù quá trình nấu chín ở nhiệt độ cao sẽ làm cho các bào tử nấm mốc bị tiêu diệt nhưng độc tố của chúng vẫn không thể bị phá hủy hoàn toàn. Do đó, sử dụng thực phẩm bị mốc có thể khiến độc tố aflatoxin xâm nhập vào cơ thể. Tình trạng này diễn ra trong thời gian dài có thể gây ngộ độc mạn tính, làm tổn thương tế bào gan và tăng nguy cơ mắc ung thư gan.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng đã liệt kê aflatoxin vào nhóm chất gây ung thư.
Thông qua trường hợp của Yên Yên, bác sĩ khuyến cáo, người dân khi sử dụng lương thực, thực phẩm cần kiểm tra kỹ, nếu nghi ngờ hoặc phát hiện thực phẩm bị mốc, mọi người cần phải vứt bỏ ngay, không được tiếc rẻ và giữ lại dùng vì có thể gây hại cho sức khỏe.