Kỳ thi cao khảo (kỳ thi tuyển sinh đại học toàn quốc) 2024 ở Trung Quốc kết thúc. Điều quan trọng nhất đối với các học sinh ở giai đoạn hiện tại là chờ đợi giấy báo nhập học được gửi đến và chuẩn bị nhập học vào các trường đại học.
Số lượng thí sinh đăng ký dự thi năm 2024 của Trung Quốc là 13,42 triệu, tăng 510.000 người so với năm ngoái. Với con số này, có thể tưởng tượng được mức độ cạnh tranh khốc liệt của kỳ thi.
Việc thí sinh có được nhận vào trường đại học mà mình mong muốn hay không chủ yếu vẫn phụ thuộc vào thứ hạng trong tỉnh. Vì vậy, kỳ thi cao khảo hàng năm luôn có những câu chuyện "người vui kẻ buồn".
Có những học sinh đạt điểm cao, xếp hạng cao trong tỉnh có thể trúng tuyển vào các trường đại học mơ ước. Tuy nhiên, cũng có những học sinh do không đủ điểm nên phải nói lời chia tay với ngôi trường yêu thích.
Một thí sinh òa khóc nức nở vì điểm thi 405: "Em đã cố gắng hết sức, vậy mà giờ đây lại phải tranh giành suất học cao đẳng với những người chỉ được 200 điểm."
Nữ sinh Tiểu Áo không phải là học sinh có thành tích dẫn đầu trong lớp. Từ năm lớp 10, cô bé không dám lơ là, luôn nỗ lực học tập, nhờ vậy thành tích ngày càng tiến bộ.
Cứ như vậy, ba năm trung học phổ thông trôi qua, mục tiêu của Tiểu Áo là thi đỗ vào một trường đại học hệ chính quy, bố mẹ em cũng rất tin tưởng con gái sẽ làm được. Thế nhưng, kết thúc kỳ thi cao khảo, nữ sinh lại không hề vui vẻ, bởi vì em đã không làm bài tốt như mong đợi.
Sau khi có kết quả thi, nhìn thấy số điểm 405, Tiểu Áo đã bật khóc nức nở. Với số điểm này, ở khu vực em sinh sống, sẽ không đủ điểm trúng tuyển vào các trường đại học hệ chính quy, mà chỉ có thể vào học tại một trường cao đẳng.
Nữ sinh cảm thấy vô cùng bất lực và thất vọng. Em đã cố gắng rất nhiều, vậy mà kết quả nhận lại là phải "giành giật" suất học cao đẳng với những thí sinh chỉ đạt mức điểm 200. Kết quả này khiến nữ sinh không thể chấp nhận được.
Sau một thời gian dài cân nhắc, Tiểu Áo quyết định không đi học mà ôn tập để dự thi cuộc thi cao khảo năm sau.
Tuy nhiên, con đường ôn thi lại cũng không hề dễ dàng. Hiện nay, số lượng thí sinh đăng ký dự thi cao khảo ngày càng đông, tính cạnh tranh ngày càng gay gắt, học sinh ôn thi lại muốn "vượt lên chính mình" thì càng phải nỗ lực hơn nữa.
Tuy vậy, 405 điểm mà phải vào học cao đẳng thì quả thực rất đáng tiếc, bởi chỉ cần cố gắng thêm một chút nữa thôi, biết đâu sau này, em sẽ thực sự chạm tay được đến cánh cổng đại học.
Thực tế, sau mỗi kỳ thi đại học, không ít học sinh vì kết quả không được như ý muốn nên đã quyết định lựa chọn con đường ôn thi lại. Tuy nhiên, lựa chọn này không hề đơn giản, bản thân các em khi quyết định cũng cần lưu ý một số điều.
Điều đầu tiên chính là việc điều chỉnh tâm lý. Ôn thi lại đồng nghĩa với việc phải chịu áp lực tâm lý nặng nề hơn. Học sinh cần học cách đối mặt với thất bại, giữ được sự bình tĩnh và kiên trì thì mới có thể đạt được kết quả như mong muốn.
Điều thứ hai là rút kinh nghiệm từ những bài học trước. Nhất định phải nhìn nhận lại thất bại của bản thân trong kỳ thi trước đó, tìm ra nguyên nhân thất bại, là do kiến thức cơ bản nắm chưa vững, hay do tâm lý thi chưa vững, hay do kinh nghiệm làm bài chưa đủ… Chỉ khi tìm ra được những thiếu sót thì mới có thể bổ sung và khắc phục được.
Điều thứ ba là phương pháp học tập. Sau khi đã rút ra được những kinh nghiệm và bài học từ quá khứ, hãy đề ra kế hoạch học tập hợp lý, sắp xếp thời gian học tập khoa học, tìm ra phương pháp học tập phù hợp với bản thân. Các em cũng có thể tham khảo phương pháp học tập của người khác, có thể sẽ mang lại hiệu quả cao hơn.
Điều thứ tư là lựa chọn chương trình học phù hợp. Mỗi năm, đề thi sẽ có những điểm đổi mới. Do vậy, để đạt được kết quả tốt nhất, các em nên tham khảo nhiều nơi để chọn được chương trình học thích hợp…
Theo 163