Theo bài báo gần nhất về NSƯT Mai Châu đăng tải trên tờ Hà Nội Mới thì hiện tại, bà sống cùng con gái lớn tên Mai Bằng trên phố Hàng bông. Vì các con ai cũng giàu có lại hiếu thuận với mẹ nên cuộc sống của bà rất bình yên.
Theo lời con gái lớn của bà thì bà ăn được, ngủ được. Ở tuổi U100, bà vẫn rất minh mẫn, duy chỉ hơi nặng tai nên phải nói lớn mới nghe thấy. Ngoài ra, nữ NSƯT vẫn giữ được nét đẹp sang trọng quyền quý, nước da sáng, đôi bàn tay trắng với những chiếc móng được cắt tỉa, tạo kiểu rất điệu đà.
NSƯT Mai Châu sinh năm 1927 tại TP Vinh, tỉnh Nghệ An trong một gia đình có truyền thống làm kinh doanh. Tháng 12/1945, cô thiếu nữ 18 tuổi Mai Châu lên đường Nam tiến và ở lại miền Nam lập nghiệp, trở thành diễn viên ca múa trong Đoàn Tuyên truyền Giải phóng quân, đi phục vụ bộ đội ở khắp các chiến trường miền Nam.
Năm 1947, bà là diễn viên đoàn kịch Tiền Tuyến. Năm 1956, bà chuyển về Xưởng phim Việt Nam (tiền thân Hãng phim truyện Việt Nam), lồng tiếng cho phim nước ngoài rồi trở thành diễn viên điện ảnh.
Sau khi trường Điện ảnh Việt Nam mở lớp đào tạo diễn viên khóa 1, nghệ sĩ Mai Châu và một số đồng nghiệp đã đi học thêm, trau dồi nghề nghiệp.
NSƯT Mai Châu chỉ đóng khoảng 30 phim nhưng hầu hết đều là những vai diễn để đời trong các phim điện ảnh cách mạng kinh điển như: Chung một dòng sông, Chị Tư Hậu, Chị Dậu, Làng Vũ Đại ngày ấy, Sao tháng Tám, Hoàng Lê nhất thống chí, Lá ngọc cành vàng, Đêm hội Long Trì, Của để dành, Bi đừng sợ…
Từ thời trẻ, NSƯT Mai Châu đã sở hữu vẻ đẹp đài các, sang trọng nên trong phim, NSƯT Mai Châu thường được giao dạng quyền quý, cũng là dạng vai phản diện.
Bên cạnh sự nghiệp, NSƯT Mai Châu còn có cuộc sống hôn nhân viên mãn với ông Vũ Kỳ Lân - nguyên Chính ủy đặc khu Vĩnh Linh, Giám đốc Điện ảnh Quân đội. Ông bà có 4 người con, hai trai hai gái nhưng không ai theo nghệ thuật.
Giỏi diễn xuất, NSƯT Mai Châu còn giỏi kinh doanh. Thương hiệu áo cưới Mai Châu của bà nổi tiếng khắp Hà Nội với 3 chi nhánh mà chỗ nào cũng đông khách.