Nghệ sĩ Phương Dung sinh năm 1962 trong một gia đình lao động nghèo đông anh em. Là chị cả của 4 em, gia đình lại khó khăn, nên từ nhỏ, cô đã phải vất vả đi làm thuê phụ giúp gia đình.
Vì thế, Phương Dung không có điều kiện theo nghề từ sớm. Cô tâm sự: "Tôi là chị cả nên phải phụ mẹ kiếm tiền nuôi các em. Trong gia đình, mẹ tôi giống như người cha, còn tôi giống như người mẹ. Lúc ấy, tôi đã vào đời và dần dà tạo nên ý chí kiên cường. Từ hoàn cảnh đó, tôi có tinh thần sắt thép của một người phụ nữ".
Tới tận năm 20 tuổi, Phương Dung mới chọn thi vào trường Sân khấu Điện ảnh vì lúc đó các sinh viên của trường được chu cấp gạo thịt, tiền lương hàng tháng. Mục đích ban đầu của cô là đỡ đi gánh nặng cho gia đình. Nhưng vào trường, nữ nghệ sĩ được tiếp xúc với kịch nghệ, diễn xuất và ngày càng đam mê.
Ra trường, Phương Dung may mắn được NSND Kim Cương nhận về đoàn kịch nói của bà và tỏa sáng với vai diễn trong vở Cơn bão cuối cùng. Tại đoàn kịch Kim Cương, Phương Dung được NSND Kim Cương dẫn dắt, chỉ bảo thêm về diễn xuất.
Nhưng vì tuổi trẻ nông nổi, Phương Dung phải lòng một nghệ sĩ và bỏ đoàn để đi theo anh. Tới khi chia tay, cô xấu hổ nên không dám quay về đoàn, phải đi làm đủ nghề để mưu sinh, từ đi bán cơm tấm, bán bánh cuốn cho tới nhận may gia công.
Có những lúc, Phương Dung nghĩ sẽ không thể quay lại nghề diễn, nhưng bất ngờ một ngày, thầy Chín - trưởng đoàn kịch nói Bông Hồng vô tình đi ghé vào quầy của cô. Chứng kiến tình cảnh của nữ nghệ sĩ, ông bật khóc và quyết định đưa cô trở lại sân khấu. Nắm lấy cơ hội này, Phương Dung diễn xuất miệt mài, nhận đủ các vai bất kể lớn hay nhỏ, chính hay phụ.
Trong sự nghiệp, nghệ sĩ Phương Dung từng đảm nhận nhiều dạng vai khác nhau, nhưng đặc biệt thành công với các vai ác. Vì thế, cô còn được mệnh danh là "diễn viên chuyên trị vai ác", hay "ác nữ của màn ảnh Việt".
Phương Dung có khuôn mặt hội tụ đủ các yếu tố "ác" điển hình như gò má cao, mắt xếch, rất hợp với vai ác. Vì vậy, từ khi còn học ở trường Sân khấu Điện ảnh, cô đã được các thầy hướng cho vai phản diện.
Nữ nghệ sĩ kể: "Lúc còn học ở trường, tôi luôn phải vào vai ác khi đóng tiểu phẩm cùng các bạn. Đến các đạo diễn khi mời đóng phim cũng chọn tôi vào vai phản diện.
Trước khi đến với vai Tào Thị, tôi đã diễn ở rất nhiều sân khấu kịch khác nhau, nhưng ở sân khấu nào tôi cũng phải vào vai ác. Nhìn cái mặt tôi, không ai nghĩ tôi có thể vào vai hiền lành, nhẫn nhịn, phúc hậu, dịu dàng được, mà chỉ toát lên vẻ nhiều chuyện, ác hiểm".
Vai diễn kinh điển nhất trong sự nghiệp của Phương Dung là Tào Thị trong phim Phạm Công Cúc Hoa. Ở vai này, Phương Dung đã lột tả trọn vẹn dã tâm, cái ác của người mẹ ghẻ, đẩy lên đỉnh điểm qua những cảnh hành hạ con chồng, khiến khán giả "ghét cay ghét đắng" vì quá ác.
Phương Dung cho biết, cô nhận vai Tào Thị rất tình cờ khi được tài tử Công Hậu giới thiệu. Cô nói: "Hồi đó, diễn viên đóng nhân vật Tào Thị bị ốm nên nghỉ. Công Hậu thấy tôi hợp vai nhân vật này nên đã chạy đến nhà đèo tôi bằng xe đạp đến trường quay.
Thời ấy, hai đứa nghèo lắm, phải gửi xe đạp từ xa rồi đi bộ lại để người ta khỏi thấy mình làm diễn viên mà đi xe đạp. Mới quay phân đoạn đầu tiên thì đạo diễn nói vai Tào Thị này phải dành cho Phương Dung".
Vì hoá thân quá xuất sắc vào vai Tào Thị, nên Phương Dung bị khán giả ghét từ trên phim ra ngoài đời thực. Cô kể: "Vì vai diễn quá ác nên mấy đứa trẻ coi phim này ghét tôi lắm, thấy tôi là cầm gậy, cầm đá ném. Tôi đi chợ mua đồ ăn chay thì người ta không bán, họ nói: Ác quá mà ăn chay làm gì".
Còn khi đi diễn ở các tỉnh, khán giả vừa thấy tôi bước ra là ném chai nước, ném đá, có bất cứ thứ gì là ném hết lên sân khấu. Trưởng đoàn phải ra giải thích và khuyên khán giả ổn định để được diễn".
Sau này, nghệ sĩ Phương Dung cũng thử thách bản thân qua các vai người mẹ hiền lành, chịu đựng hay nữ cán bộ…, song vẫn ít hơn vai diễn sở trường.
Dù ghi dấu ấn bằng loạt vai ác nhưng Phương Dung ở ngoài lại rất hiền và được các đồng nghiệp yêu quý. Hiện nay, cô vẫn làm nghề tích cực và được các đàn em gọi là "má" vì cái tâm lớn trong việc dạy dỗ, dẫn dắt thế hệ trẻ.