Mới đây, tại chương trình Ký Ức Vui Vẻ, các nghệ sĩ đã cùng nhau ôn lại kỷ niệm về sân khấu kịch ở thời hoàng kim. NSND Hồng Vân xúc động nói:
"Nhân hôm nay, tôi phải cảm ơn chương trình này. Tôi không dám hi vọng nhưng thầm mong chờ trong lòng rằng sẽ có một ngày chương trình Ký Ức Vui Vẻ cho tôi cùng khán giả được chứng kiến lại một thời vàng son của sân khấu kịch nói thành phố, nơi tôi gắn bó suốt sự nghiệp năm xưa.
Tôi rất vui, cảm ơn chương trình và mong rằng, nếu khán giả có xem được thì hãy hiểu cho những nghệ sĩ đã gắn bó, tâm huyết với kịch nói như chúng tôi.
Tôi mong khán giả đừng bỏ sân khấu, đừng bỏ nghệ sĩ chúng tôi. Khán giả sẽ là nguồn động lực, là sức khỏe để chúng tôi bám trụ được với sân khấu kịch".
Diễn viên Mỹ Uyên cũng chia sẻ: "Chị Vân nói cũng giống với ý tôi. Người ta nói tre già măng mọc, khán giả lớn tuổi lười ra rạp vì lí do sức khỏe này nọ, đủ thứ lí do. Vậy thì khán giả trẻ phải là những người nối tiếp.
Chúng tôi ngồi đây bây giờ toàn ông bầu, bà bầu ở sân khấu kịch đấy nhưng đâu làm được gì. Chúng tôi muốn giữ lửa, muốn duy trì sân khấu kịch thì phải có khán giả. Nếu không có khán giả, nghệ sĩ chúng tôi chẳng làm được gì.
Thực sự, ngày hôm nay, tôi vô cùng xúc động khi biết rằng vẫn còn nhiều diễn viên trẻ đam mê sân khấu".
NSND Tự Long nghe vậy liền lên tiếng: "Tôi cũng hạnh phúc kinh khủng vì nếu không có những con người trẻ ấy thì sân khấu đã chết lâu rồi.
Bên kịch nói của chị Hồng Vân còn sướng vì còn có diễn viên chứ bên sân khấu chèo bọn tôi chán lắm. Bên kịch tuyển xong hết diễn viên rồi, còn đầu thừa đuôi thẹo các em mới chịu sang bên chèo.
Ít ra trong miền Nam cải lương vẫn còn được khán giả yêu thích chứ tuồng chèo ngoài Bắc rất chật vật vì không ai xem. Thậm chí, có những diễn viên đang học chèo, tuồng rất hăng say, tự nhiên đi đóng một bộ phim thấy dễ dàng hơn rồi bỏ nghề sang hẳn bên đó. Thế là bên chèo chúng tôi mất luôn người diễn viên ấy.
Đây là một sự thật đau lòng mà tôi phải chứng kiến. Nếu không có sinh viên, các nhà trường chắc chắn đóng cửa. Các thầy bắt buộc phải có học sinh mới đào tạo, truyền nghề được.
Nói thẳng, các chân dài mà đẹp bây giờ người ta đi múa ra nhiều đất diễn hơn thì tội gì phải diễn chèo, diễn tuồng.
Bởi vậy, tôi hơi tị nạnh với chị Hồng Vân một chút vì bên kịch của các chị còn đỡ khổ hơn nghệ thuật dân tộc chúng tôi. Bên các chị còn có điều kiện làm với những nghệ sĩ lớn rồi từ đó mở ra chân trời mới, chứ bên dân tộc chúng tôi khó khăn đủ đường.
Diễn viên bên tôi trừ ai yêu nghề lắm mới ở lại chứ không cứ ra trường là bỏ nghề đi làm cái khác vì có quá nhiều cơ hội khác.
Cho nên, tôi rất tự ti với chuyên môn mình đang có. Tôi cũng đang làm công tác quản lý, rất mong muốn có các bạn trẻ yêu nghề đến với mình nhưng không có ai, rất buồn".
Diễn viên Khả Như nói thẳng: "Tôi nói thật, sân khấu không thể nuôi sống nghệ sĩ, chỉ nghệ sĩ yêu nghề mới gắn bó được với sân khấu. Đây là sự thật".
Tiến Luật cũng tiếp lời: "Đúng vậy, khi tôi vào nghề mới thấy nhiều anh chị nghệ sĩ phải đi làm thêm nghề gì đó bên ngoài kiếm sống, nhưng họ không bỏ nghề vì cứ lâu lâu lại nhớ rồi quay lại diễn.
Chúng tôi diễn không được bao tiền, phải làm thêm nhiều nghề để bám trụ sân khấu, nhưng đi đâu thì vẫn quay lại".