Nếu hỏi đâu là nơi bẩn nhất trong nhà, chắc hẳn đa số mọi người sẽ nghĩ ngay đến nhà vệ sinh, bồn cầu hoặc thùng rác. Những chỗ này tuy đúng là mất vệ sinh thật nhưng vì ai cũng biết nên thường được dọn dẹp thường xuyên. Ngược lại, có một nơi trông thì sạch nhưng không ngờ lại là ổ chứa vi khuẩn, bụi bẩn và mầm bệnh – đó chính là tủ lạnh.
Lý do là bởi nhiều gia đình xem tủ lạnh như một "kho chứa đồ ăn khổng lồ" nên cứ có gì là nhét vào, đầy kín từ trên xuống dưới. Môi trường ẩm và lạnh của tủ lạnh tưởng chừng giúp bảo quản tốt nhưng nếu không vệ sinh đúng cách thì sẽ lại là điều kiện lý tưởng để vi khuẩn sinh sôi.
Thậm chí cả phần viền cao su ở cửa tủ nhìn qua chỉ hơi đen đen nên bạn tưởng là vết ố nhưng thử tháo ra mà xem. Bên trong viền đó thường rất bẩn, đầy nấm mốc dù bạn vẫn lau chùi bên ngoài thường xuyên.
Ngoài ra, các ngăn đựng trứng, khe thoát nước, các kệ đỡ… cũng là nơi rất dễ tích tụ vi khuẩn mà ít ai để ý đến. Đó không chỉ là vi khuẩn thông thường mà là vi khuẩn gây bệnh, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người. Một nghiên cứu tại Bắc Kinh năm 2018 trên 359 hộ gia đình cho thấy: Tủ lạnh ở nhà có chứa nhiều loại vi khuẩn gây bệnh từ thực phẩm, trong đó có:
- Vi khuẩn đại tràng (48.05%)
- Vi khuẩn Listeria gây viêm màng não (0.14%)
- Vi khuẩn Yersinia gây viêm ruột (0.42%)
- Tu cầu vàng gây ngộ độc thực phẩm (1.25%)
Đặc biệt, các ngăn đựng trứng lại là nơi có tỷ lệ nhiễm tụ cầu vàng và vi khuẩn đại tràng cao nhất.
Năm 2024, báo cáo của Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh tại Thành Đô cũng chỉ ra: Trong 1cm² tủ lạnh có thể có tới 29.000 vi khuẩn – tức là còn bẩn gấp nhiều lần nắp bồn cầu ở nhà vệ sinh công cộng (vốn chỉ khoảng 1.500 vi khuẩn/cm²).
Thức ăn để qua đêm rồi cất vào tủ lạnh nếu không ăn sớm có thể khiến lượng vi khuẩn tăng cao gấp 19 lần so với toilet. Trong đó, nguy hiểm nhất là vi khuẩn bám vào rau củ, trái cây – nếu ăn sống thì rất dễ đau bụng, tiêu chảy, sốt, buồn nôn...
Vậy nên đừng nghĩ chỉ cần để đồ vào tủ lạnh là bảo đảm an toàn thức ăn. Nếu không giữ vệ sinh đúng cách, tủ lạnh có thể trở thành nguồn lây bệnh nguy hiểm cho cả gia đình.
Tủ lạnh – Ổ “giao lưu” của vi khuẩn
Đọc đến đây chắc hẳn sẽ có người phản biện: “Tôi ăn đồ trong tủ lạnh hoài có sao đâu?”. Thật ra nếu thực phẩm được nấu chín kỹ thì thường sẽ an toàn. Nhưng những thực phẩm ăn sống như trái cây, salad hoặc thịt nguội thì nếu bảo quản không tốt sẽ rất dễ bị vi khuẩn bám vào và gây bệnh. Đã từng có người phải nhập viện cấp cứu chỉ vì... ăn nửa quả dưa hấu để trong tủ lạnh vài hôm.
Một báo cáo từ Anh từng khẳng định: Tủ lạnh là mắt xích chính trong chuỗi lây nhiễm chéo của vi khuẩn, chiếm tới 28% các trường hợp ngộ độc thực phẩm do điều kiện bảo quản không đảm bảo – nhiệt độ sai, không vệ sinh kỹ,...
Người lớn có sức đề kháng tốt còn đỡ được nhưng người già, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai thì rất dễ bị vi khuẩn từ tủ lạnh tấn công nghiêm trọng. Riêng với vi khuẩn Listeria, phụ nữ mang thai có nguy cơ nhiễm cao gấp 20 lần người bình thường và có thể lây qua nhau thai gây sảy thai, sinh non hoặc thai chết lưu.
Một sản phụ ở Hàng Châu từng mất con ở tuần thai thứ 32 chỉ vì ăn món rau trộn để trong tủ lạnh. Đó là một bài học đau lòng khó quên.
Làm sao để giữ tủ lạnh sạch sẽ và an toàn?
Giữ vệ sinh tủ lạnh không hề khó. Chỉ cần nhớ 3 nguyên tắc sau:
1. Phân loại thực phẩm trước khi cho vào tủ. Thức ăn sống – chín tách riêng, và nên bọc kín bằng màng bọc thực phẩm.
2. Mỗi tuần, dùng khăn ướt có cồn 75% để lau sạch viền cao su, các khay, kệ bên trong.
3. Mỗi tháng, tháo rời các ngăn kéo ra ngâm nước ấm pha baking soda để tẩy rửa. Đừng quên làm sạch cả khe thoát nước.
Nguyên tắc vàng là đồ tươi sống không để qua đêm, đồ chín không quá 3 ngày. Thịt đông lạnh cũng nên dùng sớm, đừng để tích trữ theo tháng, năm.
Thực chất, vi khuẩn trong tủ lạnh phần lớn là từ bên ngoài mang vào. Vậy nên chỉ cần giữ sạch từ đầu và chăm lau chùi, là có thể bảo vệ sức khỏe cho cả nhà.
Nguồn: Toutiao