Làng Đồng Dụ, xã Đặng Cương, huyện An Dương, TP.Hải Phòng là một trong những địa phương cung cấp cây hải đường đỏ cho thị trường. Diện tích trồng hải đường của xã hiện vào khoảng gần 10ha, tập trung chủ yếu tại làng Đồng Dụ.
Việc trồng hoa hải đường đã mang lại thu nhập cao cho hơn 50 hộ dân ở thôn Đồng Dụ, với mức trung bình trên 70 triệu đồng/sào/năm. Đơn cử như gia đình bà Đào Thị Nguyệt (làng Đồng Dụ, xã Đặng Cương) dự kiến thu về khoảng 200 triệu đồng chỉ từ 2 sào trồng hoa hải đường.
Cây hoa hải đường đã giúp nhiều hộ dân trong làng đổi đời, khi có không ít gia đình xây được nhà khang trang, mua ô tô từ thu nhập bán hoa hải đường – theo Báo Tuổi Trẻ.
Hoa hải đường đỏ.
Ông Nguyễn Văn Biên, Giám đốc Trung tâm Cây giống Tam Đảo (tỉnh Vĩnh Phúc), cho biết hải đường đỏ – còn gọi là hải đường hoa đỏ, Malus spectabilis hoặc Camellia amplexicaulis tùy vùng định danh – là loài thực vật có hoa được đánh giá cao về mặt kinh tế.
Giai đoạn 2004-2005, hải đường đỏ còn là cây quý hiếm. Hiện nay, nhờ được nhân giống thành công, cây đã được trồng rộng rãi hơn, tuy nhiên giá trị kinh tế vẫn rất lớn.
“Hải đường đỏ hiện nay chủ yếu được trồng để làm cây cảnh. Cây giống hải đường đỏ có hai loại: giống hom và giống gieo hạt. Trong đó, cây trồng từ hom thường ra hoa sớm hơn so với gieo hạt. Chỉ cần đạt chiều cao khoảng 30–40 cm, cây đã có thể bắt đầu ra hoa. Giá trị của cây được tính theo chiều cao: ví dụ, cây cao khoảng 2 mét khi đưa vào chậu có thể có giá từ 2 đến 4 triệu đồng/cây”, ông Biên chia sẻ.
Giá trị môi trường và trồng rừng
Không chỉ có giá trị kinh tế cao, hải đường đỏ còn đóng góp tích cực trong lĩnh vực trồng rừng và bảo vệ môi trường, đặc biệt tại các khu vực đô thị hoặc trong các dự án phục hồi rừng.
Theo ông Biên, hải đường là cây ưa bóng râm nên có thể trồng xen với các loài cây lâm nghiệp, vừa giúp “lấy ngắn nuôi dài” vừa bảo vệ môi trường. Cây cũng có thể trồng độc lập, tuy nhiên cần có lưới che để tạo bóng mát trong giai đoạn đầu phát triển.
Hải đường đỏ là loài cây phù hợp với các dự án phục hồi rừng, cải thiện hệ sinh thái hoặc tạo cảnh quan xanh mát. Cây dễ sinh trưởng và thích hợp trồng ở vùng khí hậu ôn đới và cận nhiệt đới.
Việc trồng xen hải đường dưới tán rừng có thể giúp giữ đất, chống xói mòn và cải thiện môi trường sinh thái. Giống như nhiều loài thực vật khác, hải đường đỏ còn có khả năng hấp thụ khí CO2 và các chất ô nhiễm trong không khí, giúp giảm ô nhiễm – đặc biệt tại các khu vực đô thị đông dân cư.
Theo ông Biên, nếu được trồng theo mô hình rừng thương mại, hải đường đỏ có thể mang lại thu nhập từ việc bán cây giống, cây cảnh hoặc hoa. Giá trị thẩm mỹ và thị trường cây cảnh của hải đường đỏ hứa hẹn là nguồn thu ổn định cho người dân.
Tác dụng tốt cho sức khoẻ
BSCKI. Dương Ngọc Vân, Bệnh viện Medlatec, cho biết: trong y học cổ truyền, hoa hải đường có tính mát, vị hơi chua đắng. Khi phối hợp với các vị thuốc khác, hoa hải đường có thể mang lại nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe.
Hải đường đỏ có công dụng hoạt huyết tán ứ, tiêu thũng, an thần. Thường được sử dụng trong điều trị các trường hợp ho ra máu, thổ huyết, xuất huyết, kinh nguyệt không đều, chảy máu cam, băng huyết…
Ngoài ra, theo bác sĩ Vân, hải đường đỏ còn được dùng để giảm đau, thanh nhiệt, bổ gan, mát gan và hỗ trợ cải thiện tình trạng mụn nhọt do nóng trong hoặc do cơ thể tích tụ độc tố.
Ngọc Minh