Tết Nguyên đán không thể thiếu những chiếc bánh chưng xanh tượng trưng cho đất trời, cho sự sum vầy, đoàn viên. Trong quá trình mua sắm Tết, việc chọn bánh chưng sao cho ngon, an toàn cũng là một vấn đề cần lưu ý. Đặc biệt, bánh chưng nếu bảo quản không đúng cách dễ bị mốc, gây hại cho sức khỏe.
Vậy làm sao để nhận biết bánh chưng bị mốc, đảm bảo an toàn cho cả gia đình? Hãy cùng điểm qua 3 dấu hiệu báo bánh chưng hư hỏng dưới đây.
1. Bánh chưng có mùi hôi, chua lạ
Một trong những dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy bánh chưng bị mốc là khi bạn ngửi thấy mùi hôi, mùi chua hoặc mùi ôi thiu. Bánh chưng được làm từ gạo nếp, thịt, đậu xanh và lá dong, nếu không được bảo quản kỹ càng, trong quá trình ủ hoặc khi tiếp xúc với không khí lâu dễ khiến vi khuẩn dễ phát triển làm bánh bị lên mốc. Mùi hôi này xuất hiện khi vi khuẩn xâm nhập vào bánh, gây ra quá trình phân hủy.
Cách nhận biết: Trước khi mua bánh chưng, bạn nên ngửi thử mùi của bánh, đặc biệt là ở phần vỏ bánh. Nếu mùi có dấu hiệu khác lạ, không tươi mới, rất có thể bánh đã bị mốc hoặc hư hỏng.
2. Bề mặt bánh chưng có vết đen, loang màu xanh
Khi bánh chưng bị mốc, trên bề mặt của bánh sẽ xuất hiện những vết đen hoặc màu xanh loang lổ, đặc biệt là ở phần gạo. Những vết này chính là dấu hiệu của nấm mốc phát triển trên bánh. Mốc có thể không chỉ bám ở vỏ ngoài mà còn thấm sâu vào trong gạo và đậu, làm bánh mất đi hương vị thơm ngon, thậm chí gây hại cho sức khỏe.
Cách nhận biết: Khi mua bánh, bạn nên quan sát kỹ bề mặt bánh. Nếu thấy vết đen, xanh hoặc có những đốm loang lổ, không đều màu, đừng mua vì đó là dấu hiệu của bánh đã bị mốc hoặc hư hỏng.
3. Bánh chưng bị ướt, có dấu hiệu bị thấm nước
Bánh chưng bị mốc không chỉ do chất lượng nguyên liệu mà còn do quá trình bảo quản không tốt. Nếu bánh bị ngâm nước quá lâu hoặc để trong môi trường ẩm ướt, hơi nước sẽ xâm nhập vào trong bánh, tạo điều kiện cho vi khuẩn và nấm mốc phát triển. Lớp vỏ lá dong bên ngoài có thể bị ướt hoặc bên trong bánh có cảm giác ẩm ướt bất thường chứng tỏ bánh đã không được bảo quản đúng cách.
Cách nhận biết: Bạn có thể dùng tay chạm nhẹ vào bánh chưng. Nếu thấy bánh bị mềm, ẩm ướt hoặc có cảm giác hơi nhão, tức là bánh đang bị ẩm và dễ bị mốc. Bánh chưng tươi mới sẽ có độ cứng vừa phải, không quá ẩm hoặc khô.
Bánh chưng mốc chứa 2 chất "kịch độc" gây hại gan, thận
Vậy nên khi lựa mua bánh chưng, bạn cũng đừng quá chủ quan mà hãy chú ý 3 dấu hiệu trên. Thậm chí, nhiều người thấy bánh chưng bị mốc thì bỏ phần hỏng đi rồi ăn ngon lành. Điều này cũng không nên vì dù khi cắt bỏ phần hỏng nhìn thấy bằng mắt thường, nấm mốc vẫn có khả năng xâm nhập sâu vào bên trong bánh khiến bạn ăn vào có thể đối mặt với nguy cơ ngộ độc.
Tất cả các thực phẩm bị mốc, bao gồm bánh chưng đều có khả năng sinh ra các độc tố, trong đó có Alfatoxin gây độc cho gan, Ochratoxin gây độc thận. Bác sĩ CKI Trần Thị Minh Nguyệt (Viện Nutifood) chỉ ra đã có nhiều nghiên cứu cho thấy nếu tích tụ các chất này có nguy cơ gây ra bệnh ung thư.
Vậy nên dù có rửa sạch hay loại bỏ thì thực phẩm nhiễm nấm mốc cũng không hề an toàn, Ăn vào chính là tự gây hại cho cơ thể.
Làm sao để chọn được bánh chưng an toàn?
Để đảm bảo sức khỏe cho gia đình, khi chọn bánh chưng dịp Tết, bạn cần lưu ý một số điều quan trọng:
- Mua bánh ở những địa chỉ uy tín: Chọn các cửa hàng, cơ sở làm bánh có thương hiệu hoặc được giới thiệu từ những người tin cậy.
- Kiểm tra kỹ trước khi mua: Ngoài việc ngửi mùi và quan sát bề mặt, bạn cũng có thể hỏi người bán về nguồn gốc và cách bảo quản bánh chưng.
- Chọn bánh có vỏ lá dong xanh, không bị rách: Lá dong giúp bảo vệ bánh khỏi tác nhân bên ngoài, nếu lá bị rách, bánh dễ tiếp xúc với không khí, làm tăng nguy cơ bị mốc.
- Bảo quản bánh chưng đúng cách: Khi mang bánh về nhà, bạn nên bảo quản bánh chưng ở nơi khô ráo, thoáng mát. Nếu không dùng hết, có thể để bánh vào tủ lạnh để bảo quản lâu dài.
Nguồn: Tổng hợp