Hàn Quốc – thị trường màu mỡ cho ngành công nghiệp thẩm mỹ
Làm đẹp chuẩn Hàn Quốc đã không còn xa lạ trong những năm gần đây, cùng với sự phổ biến của các sản phẩm chăm sóc da và các xu hướng trang điểm trên các phương tiện truyền thông. Từ mặt nạ "zoombie", mặt nạ hình thú, trào lưu "da thủy tinh"... tất cả các chiến dịch marketing này đều xây dựng nên hình ảnh các cô gái Hàn Quốc với làn da hoàn hảo không tì vết.
Hàn Quốc là cái nôi của nhiều trào lưu làm đẹp .
Hình ảnh này không chỉ được công nhận bởi người hâm mộ xu hướng làm đẹp Hàn Quốc hay các beauty blogger mà còn được chứng minh bởi lượng sản phẩm làm đẹp được tiêu thụ hàng năm tại quốc gia này. Hàn Quốc là một trong mười thị trường làm đẹp sôi nổi nhất thế giới với doanh thu lên tới hơn 13 tỉ USD (gần 295 ngàn tỷ đồng) trong năm 2017.
Theo báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường Mintel, doanh thu bán hàng toàn cầu của các sản phẩm chăm sóc da Hàn Quốc dự kiến sẽ đạt 7,2 tỷ USD (khoảng 163 ngàn tỷ đồng) vào năm 2020. Với hình ảnh quảng cáo lung linh của các ngôi sao K-pop xuất hiện khắp nơi, hay quy trình 10 bước dưỡng da đình đám, làm đẹp đã trở thành một hiện tượng văn hóa tại đây.
Đây cũng là một trong những quốc gia tiêu thụ mỹ phẩm nhiều nhất trên thế giới.
Từ triết lí cổ xưa đến nhu cầu chăm chút ngoại hình thời hiện đại
Người Hàn từ xa xưa đã chú trọng đặc biệt đến vẻ ngoài.
Người Hàn từ xa xưa đã có một triết lí cho rằng: "Cơ thể bạn là tài sản số một bạn sở hữu trong cõi đời này". Từ lâu, người ta đã quan niệm rõ ràng về việc trân trọng bản thân, đặc biệt đối với phụ nữ. Nếu như tiêu chuẩn diện mạo dành cho đàn ông là "không quá béo, tóc tai gọn gàng, ăn vận tươm tất", thì phụ nữ còn vô vàn những vấn đề khác. Và trong một nền văn hóa coi trọng vẻ đẹp hình thức đến vậy, các sản phẩm làm đẹp ra đời là điều tất yếu.
Ngày nay, hiếm phụ nữ Hàn Quốc nào bước ra đường với khuôn mặt mộc. Nếu một ngày không make-up, họ sẽ phải đối mặt với vô số câu hỏi như "Sao hôm nay mặt bạn trông nhợt nhạt thế?" hay "Hình như bạn đang rất mệt mỏi phải không?". Nếu một nữ nhân viên đi gặp khách hàng hay đối tác, đặc biệt là khách hàng nam, họ cũng được khuyến khích nên trang điểm đôi chút, vì "một gương mặt xinh đẹp sẽ dễ tạo thiện cảm hơn".
Trang điểm đã thành một phần tất yếu trong cuộc sống hằng ngày.
Làm đẹp chưa bao giờ là đủ
Hầu hết người Hàn đều may mắn sở hữu một làn da trắng sáng tự nhiên. Nhưng trắng thôi chưa đủ, các hãng mỹ phẩm còn đang hướng người tiêu dùng đến một làn da khỏe mạnh và tươi trẻ.
April Skin, một trong những thương hiệu mỹ phẩm nổi tiếng của Hàn Quốc vừa qua đã cho ra mắt những sản phẩm như Perfect Magic Face Starter, với lời hứa hẹn một lớp make-up hoàn hảo, không lỗ chân lông, không sần sùi.
Các hãng mỹ phẩm không ngừng tung ra các dòng sản phẩm mới định hướng nhu cầu làm đẹp.
Trong khi đó, Skin1004 lại giới thiệu một giải pháp chăm sóc da dành cho những sinh viên tuổi đôi mươi, khuyến cáo rằng "da của bạn đang yếu đi mỗi ngày, và bạn cần ngay một giải pháp cho những vấn đề đó".
Và rồi thì cằm phải V-line, mắt phải hai mí, môi phải đầy đặn gợi cảm,... hàng trăm xu hướng, hàng ngàn phương tiện làm đẹp khác ngày càng kéo phụ nữ vào một guồng xoáy không hồi kết. Nhiều người còn tìm đến giải phẫu thẩm mỹ để "cứu vãn" tình hình.
Vô tình, những quảng cáo này lại làm phụ nữ càng thêm tự ti về những khiếm khuyết của mình
Những áp lực vô hình trong một xã hội chuộng cái đẹp
Năm 2017, Hàn Quốc đứng thứ 118/144 trong khảo sát về bình đẳng giới của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, xem xét các vấn đề như bình đẳng tiền lương và chế độ thai sản... Quốc gia này đứng ở vị trí tương đối khiêm tốn, thấp hơn các nước láng giềng như Trung Quốc, Malaysia, Singapore và Campuchia. Một trong những gánh nặng còn đè lên vai phụ nữ chính là áp lực về ngoại hình.
Bị những quảng cáo này đập vào mắt mỗi ngày, ngay cả những phụ nữ vốn xinh đẹp cũng không tránh khỏi mong muốn thay đổi nhan sắc bản thân.
Nhằm giúp giảm bớt áp lực này cho phụ nữ, chính quyền Seoul tuyên bố sẽ ngừng các hoạt động quảng cáo phẫu thuật thẩm mỹ ở các ga tàu điện ngầm vào năm 2022, sau khi hàng ngàn lời chỉ trích được gửi về, yêu cầu gỡ bỏ các poster này.
Tổng thống Moon Jae-in cũng đang xem xét việc không bắt buộc gửi kèm ảnh cá nhân trong hồ sơ xin việc, điều mà đáng ra nên được thực hiện từ hàng thập kỉ trước. Chính quyền nước này đang cố gắng chấm dứt thời đại mà phụ nữ không xin được việc, không được tôn trọng hay bị xem thường chỉ vì ngoại hình của mình. Mỗi người đều có những giá trị riêng, họ có quyền sống cuộc đời của riêng mình, chứ không phải theo những áp lực về hình thức của xã hội.
Nhiều ý kiến cho rằng, hạn chế quảng cáo sẽ giúp phụ nữ đỡ thấy áp lực.
Nguồn: South China Morning Post