Trong thời đại internet phát triển ngày nay, có vô số người dạy bạn cách mua hàng khi số dư có hạn nhưng không ai dạy bạn cách trả nợ thẻ tín dụng như thế nào. Vô số cô gái trẻ với mức lương hàng tháng từ 3000 đến 5000 tệ (khoảng 10 - 15 triệu) thường xuyên bị các quảng cáo mua sắm mê hoặc, xúi giục mua son môi hàng trăm tệ, túi xách hàng nghìn tệ.
(Ảnh minh hoạ)
Tôi cũng chính là một nạn nhân điển hình cho hành động mua sắm vô tội vạ. Hai năm sau khi tốt nghiệp, không những không tiết kiệm được một đồng lương, mà còn bị nợ thẻ hơn 100.000 tệ (khoảng 350 triệu). Khả năng tạo thu nhập của tôi ở mức trung bình, nhưng tôi không bao giờ cố tình kìm nén ham muốn tiêu dùng của mình. Nhưng thực tế, tôi đã buộc mình phải nhận ra rằng mình đã dại dột như thế nào.
Hôm qua, tôi phát hiện ra rằng công việc hiện tại không như ý muốn, không tốt cho sự phát triển lâu dài. Tôi bất ngờ phát hiện ra bản thân không dám nghỉ việc, bởi vì vẫn còn mắc một khoản nợ thẻ lên tới 100.000 tệ. Bạn có thể hỏi tôi những gì đã mua với khoản tiền khổng lồ đó, nhưng thực tế là tôi còn tò mò về những gì chính mình đã mua. Tôi không mua túi hàng chục ngàn tệ, không mua đồ xa xỉ, không đi du lịch và rất ít mua đồ skincare đắt để chăm chút cho khuôn mặt trắng trẻo nhỏ bé của mình. Ngoài những món đồ lớn có thể nhìn thấy, bao gồm điện thoại di động, máy tính và máy tính bảng trị giá khoảng 20.000 nhân dân tệ, tôi thực sự không biết số tiền còn lại được tiêu vào đâu.
(Ảnh minh hoạ)
Nếu bạn hỏi tôi có thể rút ra kinh nghiệm gì khi bị nợ thẻ 100.000 tệ, thì tôi đã phát hiện ra những sự thật lẽ ra người bình thường cũng phải nhìn thấu:
1. Mặt nạ và mỹ phẩm được quảng cáo tràn lan trên mạng xã hội không mang lại hiệu quả tốt nhưng lại được tiếp thị tốt. Nếu bạn muốn thử thì cứ mua hộp về dùng thử, đừng tích trữ nó. Bởi trên quảng cáo đặt giá gốc 129 tệ, giá sau khi giảm là 69 tệ, nhưng làm gì có chuyện nó sẽ tăng trở lại giá gốc. Đó chỉ là một công cụ tiếp thị mà thôi.
2. 90% những thứ bạn nghĩ rằng bạn "có thể sử dụng" sẽ không được sử dụng khi bạn mua chúng. Cũng chính vì vậy nên bất đắc dĩ tôi đã phải đợi nó hết hạn sử dụng để vứt đi.
3. Cái rẻ nhất nhưng thực chất lại là món đắt nhất. Ví dụ, tôi đã mua một tủ quần áo được lấp đầy bằng những phụ kiện với phong cách phổ biến trên Taobao, và tôi đã tiêu rất nhiều tiền vào nó. Nhưng khi cần một bộ đồ tử tế để mặc ra ngoài, tôi không tìm được một món nào khả dĩ cả.
Sương sương vài kinh nghiệm tôi đã đúc rút ra khi mua sắm vô tội vạ.
(Ảnh minh hoạ)
Vậy, lý do sâu xa hơn cho việc mua, mua nữa, mua mãi là gì? Tôi nghĩ rằng đó là sự phù phiếm không được sử dụng đúng chỗ. Ví dụ, nếu bạn mua điện thoại di động, bạn sẽ không bao giờ mua iPhone 13 khi iPhone 14 ra mắt. Nhu cầu = Sức mua + Khả năng mua, đây là quy luật bất biến. Có bao nhiêu người thành công mà không mặc đồ hiệu nổi tiếng, không dùng đồ Apple mà dùng hàng nội địa Gionee, Huawei... Nhiều người kiếm hơn trăm nghìn đô mỗi năm chỉ mua vài bộ quần áo và đôi giày đó thôi. Chỉ những người có tự ti về tài sản của mình mới cố tình mua những nhãn hiệu nổi tiếng để trang trí cho bản thân, và họ không bao giờ lượng được sức mua và khả năng mua của mình mà vẫn cố chấp mua vì nhu cầu, vì xu hướng.
Cũng không có gì sai khi mua. Con gái giống như một đoàn tàu nhỏ đi theo tuyến và chạy về phía trước. Mua và mua nữa là khao khát cuộc sống tốt đẹp hơn và là động lực không ngừng thúc đẩy chúng ta làm việc chăm chỉ. Tuy nhiên, hãy đảm bảo rằng việc tiêu thụ là có chừng mực. Nếu bạn đủ khả năng, hãy mua nó, và nếu bạn không đủ khả năng, hãy chờ đợi để mua nó.
Đừng nên vay nợ, đừng quá suy nghĩ lạc quan đến mức nghĩ vay bao nhiêu cũng trả được, vì bạn không biết điều gì sẽ xảy ra trong tương lai. Đừng nghe lời xúi giục của người khác, nào là “tiền nào của nấy” rồi “sống thoải mái trước cho quen"... Chứ cứ như hiện tại, không có tiền lại không dám chuyển nghề, ốm đau cũng phải còng lưng đi làm để trả nợ dù mức lương thì bèo bọt vô cùng.