Nguồn tin của Nikkei cho biết, do lệnh phong tỏa nghiêm ngặt tại Thượng Hải và khu vực lân cận, Apple sẽ chuyển một số hoạt động sản xuất iPad sang Việt Nam. Công ty Mỹ cũng yêu cầu nhiều đối tác cung ứng linh kiện dự trữ hàng tồn kho để đề phòng thiếu hụt và gián đoạn chuỗi cung ứng trong tương lai.
(Ảnh: Engadget)
Như vậy, iPad là dòng sản phẩm quan trọng thứ hai của Apple sản xuất tại Việt Nam, sau tai nghe không dây AirPods. Nikkei nhận định động thái không chỉ đánh dấu nỗ lực không ngừng nghỉ của Apple trong việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng mà còn cho thấy tầm quan trọng ngày một lớn của Việt Nam với hãng công nghệ này. Năm 2021, Apple xuất xưởng 58 triệu iPad, phần lớn các nhà cung ứng tập trung tại Trung Quốc. BYD, một trong các đơn vị lắp ráp iPad hàng đầu của Apple, đã giúp Apple xây dựng dây chuyền sản xuất tại Việt Nam và sẽ sớm sản xuất số lượng nhỏ máy tính bảng này trong nước. Tháng 1/2021, Nikkei đưa tin Apple từ lâu đã cân nhắc chuyện sản xuất iPad bên ngoài Trung Quốc, song số ca nhiễm Covid-19 tại Việt Nam tăng mạnh vài tháng sau đó đã khiến kế hoạch bị trì hoãn.
Để đề phòng nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng, Apple yêu cầu đối tác dự trữ linh kiện như bo mạch in, linh kiện điện tử, cơ khí, đặc biệt là những loại được sản xuất tại Thượng Hải và lân cận, nơi các lệnh phong tỏa Covid-19 vẫn đang được áp dụng, dẫn đến thiếu hụt và chậm trễ trong hoạt động logistics. Ngoài ra, Apple còn đề nghị nhà cung ứng nhanh chóng mua nguồn cung một số con chip, đặc biệt là chip năng lượng, cho iPhone sắp ra mắt.
Cụ thể, Apple mong muốn các đối tác cung ứng nằm ngoài khu vực phong tỏa hỗ trợ xây dựng nguồn cung linh kiện đủ dùng trong vài tháng để bảo đảm nguồn cung không bị gián đoạn trong các tháng tiếp theo. Yêu cầu áp dụng với tất cả dây chuyền sản phẩm của Apple, bao gồm iPhone, iPad, AirPods và MacBook.
Một nguồn tin chia sẻ: “Chẳng hạn, nhà cung ứng linh kiện X nắm 40% việc kinh doanh của Apple tại tỉnh Giang Tô, khu vực có nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng, còn nhà cung ứng Y ở thành phố khác chiếm 60% còn lại. Apple muốn Y dự trữ thêm linh kiện để khớp với thị phần 40% của X trong các tháng tiếp theo phòng trường hợp sản xuất tại Giang Tô lại bị đóng cửa”.
Tuy vậy, bất kỳ nhà cung ứng nào đáp ứng đầy đủ yêu cầu của Apple đều có nguy cơ không nhỏ xét tới các dấu hiệu nhu cầu thiết bị điện tử đang chậm lại do lạm phát tăng và chi phí năng lượng tăng. Nếu Apple không dùng tới số linh kiện bổ sung, nhà cung ứng sẽ chịu gánh nặng. Theo một quan chức của hãng cung ứng, hầu hết các đối tác sẽ đồng ý dự trữ thêm linh kiện, song chắc chắn không bù đủ thị phần của đối thủ.
Tất cả các động thái nói trên đều cho thấy Apple đang nỗ lực như thế nào để giảm rủi ro cung ứng. Gã khổng lồ của Mỹ thậm chí còn san sẻ gánh nặng chi phí logistics với một số nhà cung ứng để bảo đảm hàng hóa phục vụ sản xuất được chuyển đến đúng hạn.
Các nhà cung ứng tại Giang Tô và Thượng Hải đang dần khôi phục sản xuất từ đầu tháng 5 nhưng sẽ cần ít nhất vài tháng để trở về công suất như trước dịch. Chính quyền Thượng Hải cho biết, sẽ mở cửa hơn nữa từ ngày 1/6, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp trở lại hoạt động bình thường, loại bỏ các hạn chế bất hợp lý.
Theo ông Ivan Lam, nhà phân tích của hãng nghiên cứu Counterpoint, ảnh hưởng đến các công ty đa quốc gia như Apple có thể nằm trong vòng kiểm soát. Song, với các hãng xe, máy tính và một số thương hiệu điện thoại nhỏ, tác động sẽ nghiêm trọng hơn, vì họ không có khả năng sớm tìm được chuỗi cung ứng thay thế.