Theo BS Hải Anh (Phó trưởng khoa Răng Hàm Mặt - Bệnh viện 198 Bộ Công An) chia sẻ, anh gặp rất nhiều trường hợp sau khi niềng răng đã quay trở lại tìm bác sĩ vì những lý do như răng hô, khe thưa hay răng khấp khểnh trở lại. Thế nhưng, hầu hết mọi người lại không nắm được nguyên nhân gây tái phát các tình trạng này sau khi niềng răng.
Tái phát sau niềng răng là tình trạng khá phổ biến sau khi kết thúc quá trình chỉnh nha. Dù đã đạt được hàm răng đều, đẹp như ý muốn, nhưng nếu không tuân thủ đúng các hướng dẫn của bác sĩ, răng có thể dần trở về vị trí ban đầu. Điều này không chỉ gây ảnh hưởng đến thẩm mỹ mà còn tiềm ẩn nhiều hệ lụy khác.
Vậy, niềng răng xong mà phải niềng lại do tái phát thì nguyên nhân là do đâu?
BS Hải Anh chỉ ra có 6 nguyên nhân chính như sau:
Niềng răng 3 năm, giờ phải niềng lại
Thứ nhất, sau khi niềng răng xong không đạt được tình trạng lồng múi tối đa hay khớp cắn tiêu chuẩn.
Răng hô, răng khấp khểnh, răng lệch lạc là các biểu hiện của sai khớp cắn. Nhiệm vụ của các bác sĩ nha khoa sau khi niềng răng xong là phải thiết lập được khớp cắn tiêu chuẩn ở trạng thái lồng múi tối đa. Có như vậy mới hạn chế được tình trạng tái phát sau khi niềng răng.
Thứ hai là do việc đeo hàm duy trì.
Nhiều người băn khoăn không biết thời gian đeo hàm duy trì bao lâu là đủ. BS Hải Anh cho biết, thời gian đeo hàm duy trì tối thiểu phải gấp đôi thời gian niềng răng. Ví dụ, nếu bạn niềng răng 2 năm thì cần đeo hàm duy trì 4 năm. Có những trường hợp cần đeo lâu hơn nữa, thậm chí là phải đeo suốt đời.
Thứ ba là do mô nha chu (mô chun, mô sợi).
Ví dụ như một chiếc răng của bạn bị xoay 45-90 độ, khi xoay lại, mô cnha chu sẽ co giãn theo răng đã niềng. Vì thế, sau khi niềng răng xong phải đeo hàm duy trì đủ thời gian, thậm chí có trường hợp bác sĩ phải cắt đứt dây chằng nha chu cũ để nó thiết lập dây chằng nha chu mới, đảm bảo tránh bị xoay hay tái phát trở lại sau khi niềng răng.
Thứ tư, sự tăng trưởng muộn của xương hàm dưới.
Thông thường, xương hàm trên sẽ ổn định trước, xương hàm dưới vẫn tiếp tục phát triển đến năm 19-20 tuổi. Một số người niềng răng xong trước thời điểm đó thì một thời gian sau, hàm dưới phát triển tiếp có thể dẫn đến tình trạng tái phát sau khi niềng.
Thứ năm do răng khôn.
Răng khôn cũng có thể là nguyên nhân gây ra tình trạng tái phát sau niềng răng trong trường hợp sau khi đã niềng ổn định, răng khôn mới mọc ra. Điều này gây ra tình trạng chen chúc phía sau, đẩy hàm răng của bạn ra trước.
Thứ sáu là do khoảng trung hòa.
Răng nằm ở vị trí giữa, bên ngoài là môi, má. Với những người lưỡi to, hàm rộng bị hô, khi kéo vào nếu không đeo hàm duy trì thì sẽ bị tái phát thưa trở lại. Một số trường hợp nong hàm không đúng cũng có thể bị tái phát sau niềng răng.
Tái phát sau niềng răng có thể để lại những hệ lụy khiến người niềng cảm thấy mệt mỏi như là: Hàm răng mất thẩm mỹ, khó khăn trong việc vệ sinh răng miệng, ảnh hưởng đến chức năng ăn nhai, đau nhức, phải niềng lại... Tái phát sau niềng răng là một vấn đề có thể phòng tránh được. Qua đây, BS Hải Anh cũng đưa ra lời khuyên rằng mọi người nên chăm sóc tốt hàm răng của mình ngay khi còn răng để tránh những hệ lụy đáng tiếc và có một hàm răng đều đẹp và khỏe mạnh lâu dài.
- Đeo hàm duy trì đúng cách và đủ thời gian: Tuân thủ nghiêm túc chỉ định của bác sĩ về thời gian và cách thức đeo hàm duy trì.
- Vệ sinh răng miệng kỹ lưỡng: Chải răng ít nhất 2 lần/ngày, dùng chỉ nha khoa và nước súc miệng để loại bỏ mảng bám và thức ăn thừa.
- Khám răng định kỳ: Thường xuyên đến nha sĩ để kiểm tra và điều chỉnh hàm duy trì nếu cần.
- Thay đổi các thói quen xấu: Ngừng cắn môi, mút ngón tay, nghiến răng...
- Chọn cơ sở nha khoa uy tín: Lựa chọn nha khoa có bác sĩ chuyên nghiệp, kinh nghiệm để được điều trị tốt nhất.