Bác sĩ Fang Jian, Bệnh viện Nhân dân Quận Hoa Đô, Quảng Châu (Trung Quốc) mới đây đã chia sẻ trường hợp nêu trên với tờ Sohu. Theo đó, cô Liễu (40 tuổi) đã nhập viện trong tình trạng ho khan, khó thở kéo dài trong suốt 2 tuần. Kết quả chụp CT ngực cho thấy một vùng kẽ lớn giữa 2 phổi của cô xuất hiện những tổn thương nghiêm trọng. Kết quả chẩn đoán cho thấy cô Liễu bị bệnh phổi kẽ.
(Ảnh minh họa: Sina)
Điều khiến bác sĩ cảm thấy kỳ lạ hơn nữa là xét nghiệm máu của cô Liễu cho thấy các chỉ số âm tính đối với các bệnh miễn dịch truyền nhiễm và thấp khớp là rất thấp, do đó, về cơ bản đã loại trừ được nguyên nhân gây bệnh là do nhiễm trùng và bệnh mô liên kết. Đồng thời, cô Liễu cũng không có tiền sử gia đình.
Thông qua tìm hiểu, bác sĩ cuối cùng cũng biết cô Liễu thường thích nhuộm tóc, và cô đã nhuộm tóc liên tục không ngừng kể từ năm 20 tuổi. Thậm chí, cô giống như bị nghiện nhuộm tóc, nhuộm tóc nhiều nhất 4 lần/tuần và trung bình 8-10 lần/tháng.
Mặc dù không có bằng chứng trực tiếp nhưng các bác sĩ thuộc khoa Hô hấp của Bệnh viện Nhân dân quận Hoa Đô suy đoán rằng bệnh phổi kẽ của cô Liễu có thể liên quan đến thuốc nhuộm tóc mà cô đã sử dụng. Đối với việc điều trị cho bệnh nhân này, các bác sĩ đánh giá rằng nó rất khó phục hồi và về cơ bản cần liệu pháp glucocorticoid suốt đời.
Thuốc nhuộm tóc có thể được chia thành 3 loại theo thành phần: thuốc nhuộm tóc vô cơ, thuốc nhuộm tóc tổng hợp và thuốc nhuộm tóc thực vật, bác sĩ Fang Jian cho biết.
1. Thuốc nhuộm tóc thực vật
Nó được chiết xuất hoặc làm từ thực vật tự nhiên nên có độ an toàn cao nhất và về cơ bản là không gây hại cho cơ thể con người, môi trường. Tuy nhiên, giá thành của nó sẽ đắt hơn. Do đó, cô Liễu thường chọn thuốc nhuộm tóc vô cơ rẻ tiền để tiết kiệm.
(Ảnh minh họa: Zhihu)
2. Thuốc nhuộm tóc vô cơ
Loại thuốc nhuộm này có giá thành rẻ nhưng lại chứa các ion kim loại như chì, sắt, đồng. Các ion kim loại này sẽ thâm nhập vào tóc và tương tác với lưu huỳnh trong cysteine của protein tóc làm thay đổi màu tóc. Sử dụng nhiều lần dễ dẫn đến ngộ độc kim loại mãn tính gây chán ăn, mệt mỏi, thiếu máu bất sản, cao huyết áp…
Nếu những chất này lắng đọng ở phổi còn có thể gây xơ phổi, biến đổi kẽ.
3. Thuốc nhuộm tóc tổng hợp
Nó còn có thể gọi là thuốc nhuộm tóc oxy hóa, đúng như tên gọi, chủ yếu oxy hóa tóc thông qua các chất oxy hóa, tóc sẽ lên màu khác nhau với mức độ oxy hóa khác nhau. Do màu nhuộm lâu phai và giá thành thuốc nhuộm tóc oxy hóa vừa phải nên nó đang là loại thuốc nhuộm tóc được sử dụng nhiều nhất hiện nay.
Tuy nhiên, cần lưu ý, một số loại thuốc nhuộm oxy hóa có chứa p-phenylenediamine và p-toluenediamine. 2 chất này đều là chất gây dị ứng ở một số người, gây sưng mí mắt, đỏ da hoặc phát ban, hen suyễn… Nếu sử dụng lâu dài, nó cũng có thể gây ung thư. Ngoài ra, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng thuốc nhuộm tóc có tính oxy hóa có khả năng tạo ra các biểu hiện bệnh lý của khí phế thũng ở mô phổi.
(Ảnh minh họa: Zhihu)
Để sử dụng thuốc nhuộm tóc an toàn, bác sĩ Fang Jian đưa ra 5 khuyến cáo:
1. Giới hạn số lần nhuộm tóc
Thực tế, ai cũng mê làm đẹp, nhuộm tóc là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, bạn không nên nhuộm tóc quá nhiều, tốt nhất là không quá 2 lần/năm và chỉ nên nhuộm phần đuôi, không nên nhuộm chân tóc.
2. Chú ý chọn thuốc nhuộm tóc phù hợp
An toàn nhất là chọn thuốc nhuộm tóc có nguồn gốc từ thực vật, nếu chỉ muốn nhuộm tóc đen thì hãy nhớ rằng thuốc nhuộm càng sẫm màu thì thuốc nhuộm càng độc hại.
(Ảnh minh họa: Libaclub).
3. Không sử dụng các loại thuốc nhuộm tóc khác nhau cùng một lúc
Phản ứng hóa học có thể xảy ra giữa các loại thuốc nhuộm tóc khác nhau, làm tăng độc tính, vì vậy khi nhuộm tóc nên dùng một loại thuốc nhuộm tóc.
4. Chú ý xem bạn có phù hợp để nhuộm tóc hay không
Nếu da đầu bị tổn thương, hoặc những người dị ứng với thuốc nhuộm tóc thì tốt nhất không nên nhuộm tóc để tránh nhiễm độc hoặc phản ứng dị ứng.
5. Gội đầu đúng lúc
Sau khi nhuộm tóc nên gội đầu kịp thời và gội lại nhiều lần, cố gắng không để thuốc nhuộm còn sót lại trên tóc.
Nguồn tham khảo: Sohu, Sina, FDA