Những trường hợp nào bị từ chối cấp đăng ký hộ kinh doanh?

Thành Lâm/ VTC News, Theo VTC NEWS 14:00 13/07/2025
Chia sẻ

Từ 1/7, hai trường hợp sẽ bị cơ quan đăng ký kinh doanh cấp xã từ chối cấp đăng ký hộ kinh doanh theo quy định tại Nghị định 168/2025/NĐ-CP.

Cụ thể, theo quy định tại khoản 1 Điều 102 Nghị định 168/2025/NĐ-CP, cơ quan đăng ký kinh doanh cấp xã từ chối cấp đăng ký hộ kinh doanh nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

Trường hợp 1, hộ kinh doanh bị Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp xã ra thông báo về hành vi vi phạm của hộ kinh doanh thuộc trường hợp thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh, hoặc đã bị ra quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh.

Trường hợp 2, hộ kinh doanh đang trong tình trạng pháp lý “Không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký”.

Những trường hợp nào bị từ chối cấp đăng ký hộ kinh doanh?- Ảnh 1.

Từ 1/7, có 2 trường hợp sẽ bị cơ quan đăng ký kinh doanh cấp xã từ chối cấp đăng ký hộ kinh doanh. (Ảnh minh họa)

Để tiếp tục giải quyết thủ tục đăng ký hộ kinh doanh khi bị từ chối cơ quan đăng ký, hộ kinh doanh cần phải đáp ứng các điều kiện như đã có biện pháp khắc phục những vi phạm theo yêu cầu trong thông báo về hành vi vi phạm, và được cơ quan đăng ký kinh doanh cấp xã chấp nhận, hoặc đã được khôi phục tình trạng pháp lý sau khi bị ra quyết định thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh.

Hộ kinh doanh phải đăng ký thay đổi nội dung đăng ký hộ kinh doanh để phục vụ việc chấm dứt hoạt động theo quy định. Trong trường hợp này, hồ sơ đăng ký thay đổi phải kèm theo văn bản giải trình của hộ kinh doanh về lý do đăng ký thay đổi và được cơ quan đăng ký kinh doanh cấp xã chấp nhận.

Hộ kinh doanh không còn trong tình trạng pháp lý "Không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký".

"Trường hợp tòa án, cơ quan thi hành án, cơ quan điều tra, thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan điều tra, điều tra viên yêu cầu bằng văn bản về việc hộ kinh doanh không được thực hiện một hoặc một số thủ tục đăng ký thì hộ kinh doanh không được thực hiện thủ tục đó cho đến khi có ý kiến chấp thuận bằng văn bản của các tổ chức, cá nhân nêu trên" , Nghị định 168/2025/NĐ-CP nêu.

Trường hợp nào không phải đăng ký hộ kinh doanh?

Căn cứ khoản 2 Điều 79 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, trong các trường hợp sau không phải đăng ký hộ kinh doanh (trừ trường hợp kinh doanh các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện).

Các trường hợp trên gồm: Hộ gia đình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, làm muối.

Những người bán hàng rong, quà vặt, buôn chuyến, kinh doanh lưu động, kinh doanh thời vụ, làm dịch vụ có thu nhập thấp (Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định mức thu nhập thấp áp dụng trên phạm vi địa phương).

Như vậy, trường hợp bán tạp hóa, bán rau thịt, bán phở, bún, miến... tại nhà một cách thường xuyên, ổn định thì vẫn phải đăng ký hộ kinh doanh theo quy định. Trường hợp ở nhà trồng rau, có gì thì mang ra bán rau đó, không phải đăng ký thành lập hộ kinh doanh.

Căn cứ điểm c khoản 1 Điều 62 Nghị định 122/2021/NĐ-CP, nếu không đăng ký thành lập hộ kinh doanh trong những trường hợp phải đăng ký theo quy định sẽ bị phạt tiền từ 5 đến 10 triệu đồng.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày