Những triệu chứng cho thấy ung thư vú di căn sang phổi và các cách để phòng tránh

Quỳnh Đào, Theo Helino 22:24 24/03/2019

Ung thư vú là bệnh ung thư phổ biến ở phái nữ và có khả năng di căn cao sang các bộ phận khác. Phổi là một trong số những bộ phận dễ gặp hiện tượng di căn nhất.

Hiện tượng ung thư vú di căn sang phổi là hiện tượng tế bào ung thư ban đầu xuất hiện ở tuyến vú nhưng sau đó lây lan sang phổi. 

Những triệu chứng cho thấy ung thư vú di căn sang phổi và các cách để phòng tránh - Ảnh 1.

Ung thư vú có thể di căn từ những giai đoạn đầu tiên, nhưng vẫn có cách giảm thiểu khả năng này.

Theo như trang Medical News Today (trang thông tin y học uy tín của Mỹ) khoảng 6 - 10 % các trường hợp ung thư vú giai đoạn đầu có khả năng di căn sang những bộ phận khác, trong đó có phổi, gan, não và xương là một trong những trường hợp phổ biến nhất. Con số này không bao gồm những trường hợp ung thư giai đoạn 4, bởi vì ở giai đoạn này thì di căn là việc không tránh khỏi. Bài viết chỉ tập trung vào các trường hợp ung thư vú di căn sang phổi ở giai đoạn đầu và những ảnh hưởng của nó đến quá trình điều trị, cũng như cách để giảm thiểu thiệt hại do hiện tượng này gây nên. 

Các triệu chứng cho thấy dấu hiệu di căn

Nhiều người sẽ không trải qua những triệu chứng ung thư vú di căn sang phổi ngay giai đoạn đầu, tuy nhiên nếu có, những triệu chứng này sẽ thể hiện qua các dấu hiệu bệnh cảm, cúm. Một số triệu chứng dễ nhận thấy bao gồm: ho liên tục từ phổi, khó thở, hơi thở ngắn bất thường, ho ra máu, mất khẩu vị hoặc sụt kí ngoài ý muốn.

Ngoài ra, bạn cũng có thể cảm thấy mệt mỏi, thiếu năng lượng, đau phổi bất chợt.

Nguyên do gây nên di căn

Những triệu chứng cho thấy ung thư vú di căn sang phổi và các cách để phòng tránh - Ảnh 3.

Các tế bào ung thư "con" có thể thâm nhập vào máu để đi đến những bộ phận khác.

Khi các tế bào ung thư bắt đầu phát triển, tế bào ung thư chính (primary tumor) sẽ có khả năng sinh sản và phân chia thành nhiều tế bào nhỏ hơn, những tế bào này có thể trở nên độc lập sau một thời gian và nhập vào máu, được mang đi sang các bộ phận khác. Đôi khi, một số tế bào ung thư có thể sống sót qua giai đoạn đầu của việc điều trị và ẩn mình trong cơ thể một thời gian trước khi xuất hiện ở các bộ phận khác. Các bác sĩ gọi đây là hiện tượng ung thư tái phát. Ung thư vú tái phát có khả năng di căn cao, thậm chí ở nhiều nơi cùng lúc.

Các ảnh hưởng tới sức khoẻ

Những triệu chứng cho thấy ung thư vú di căn sang phổi và các cách để phòng tránh - Ảnh 4.

Một ảnh X-quang về triệu chứng tràn dịch màng phổi.

Tràn dịch màng phổi

Các tế bào ung thư có thể hình thành ở khu vực giữa phần bên ngoài phổi và lồng ngực, hay còn gọi là khoang màng phổi (pleural space). Hiện tượng này có thể gây ra dịch lỏng dư thừa, dẫn tới tràng dịch màng phổi.

Ngộ độc từ hoá trị

Các phương pháp trị liệu ung thư có thể mang đến nhiều tác dụng phụ ảnh hưởng đến sức khoẻ toàn diện cũng như chất lượng cuộc sống. Đặc biệt, hoá trị có thể dẫn đến nhiều triệu chứng như hệ miễn dịch yếu đi, dễ bị viêm nhiễm từ các loại bệnh khác, buồn nôn, mệt mỏi, mất khẩu vị...

Ảnh hưởng sức khoẻ tinh thần

Nhiều người sau khi nhận chữa trị trong một thời gian dài, dù có khỏi bệnh hay không cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi các tác nhân tinh thần như trầm cảm, lo âu, căng thẳng. Các bác sĩ thường hay khuyên bệnh nhân nên chia sẻ nhiều với người nhà, hoặc tham gia các hoạt động cộng đồng cũng như các hội nhóm ủng hộ hoặc trợ giúp từ chuyên gia tâm lý.

Các cách để giảm thiểu khả năng di căn

Những triệu chứng cho thấy ung thư vú di căn sang phổi và các cách để phòng tránh - Ảnh 5.

Khi ung thư vú được phát hiện và điều trị sớm, bệnh nhân sẽ có cơ hội sống sót cao hơn, tuy nhiên hãy còn nhiều nguy cơ các tế bào ung thư ngủ yên trong cơ thể bị bỏ sót. Ở một thời điểm nào đó, các tế bào này có thể hoạt động trở lại và có khả năng di căn rất cao. Những ai có tiền sử bệnh ung thư vú và được chữa khỏi không được chủ quan mà phải cẩn thận chú ý để bảo vệ bản thân mình. 

Dù không có cách nào triệt để xoá bỏ hoàn toàn khả năng ung thư vú di căn, bạn vẫn có thể thực hiện một số điều sau để giảm thiểu nguy cơ đến mức thấp nhất:

- Tầm soát định kỳ.

- Có chế độ ăn uống lành mạnh đầy đủ dinh dưỡng, đặc biệt nên ăn các loại thực phẩm giàu omega-3 và vitamin.

- Không hút thuốc, uống rượu bia, nếu có thì cần phải bỏ ngay hoàn toàn.

- Tập thể dục, thể thao thường xuyên.

- Để ý đến lượng vitamin D trong cơ thể.

- Cố gắng sống thanh thản, tránh bị stress nhiều.

- Giữ cân nặng ở mức độ lành mạnh (không cố giảm cân quá gầy hoặc để thừa cân).

Nguồn: Medical News Today.