Trong hai năm qua, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng tới vô số lĩnh vực trên toàn thế giới, làm trì trệ nền kinh tế với những giai đoạn chưa từng có, làm cuộc sống của người dân thay đổi theo nhiều cách khác nhau. Ngành công nghiệp giải trí cũng không ngoại lệ, đặc biệt là với K-Pop.
Cụ thể, các biện pháp nhằm tránh sự lây lan của virus như giãn cách xã hội, hạn chế đi lại, các sự kiện bị hủy bỏ... đều ảnh hưởng không nhỏ đến nền giải trí. Sau sự hỗn loạn và hoang mang ban đầu, ngành công nghiệp giải trí đã tìm nhiều cách mới để giải quyết các trở ngại để vươn lên, ví dụ như những nội dung số hoặc những buổi hòa nhạc online.
(Ảnh: Future Learn)
Theo một báo cáo của công ty PricewaterhouseCoopers, doanh thu rạp chiếu phim toàn cầu giảm mạnh từ 45,2 tỷ USD vào năm 2019 xuống còn 12,7 tỷ USD vào năm 2020. Đến năm 2021, doanh thu tăng lên 22,8 tỷ USD nhưng vẫn chưa bằng một nửa mức trước đại dịch. Nhưng với các nền tảng trực tuyến, quy mô của các nền tảng đã tăng từ 46,3 tỷ USD trước đại dịch lên 58,4 tỷ USD vào năm 2020 - tức là tăng trong thời kỳ đại dịch căng thẳng nhất. Quy mô này cũng tăng thêm 22,8% vào năm 2021 lên 79 tỷ USD. Riêng tại Hàn Quốc, thị trường này tăng từ 682 triệu USD lên 832 triệu USD chỉ sau một năm khi COVID-19 xuất hiện.
(Ảnh: ELLE)
"Bởi vì giãn cách xã hội, nhiều người đã ngừng ra ngoài, ngừng tới những nơi công cộng như rạp chiếu phim. Trong khi đó, các nền tảng trực tuyến lại cho phép khán giả thưởng thức các nội dung giải trí bất kể thời gian. Điều này đã dần trở thành một cách giải trí mới trong thời đại COVID-19", Jung Duk-hyun - một chuyên gia về truyền thông chia sẻ trên Korea Times về sự thay đổi của ngành giải trí trong tình hình COVID-19.
Thậm chí, đại dịch cũng mở ra nhiều nền tảng mới tập trung vào đối tượng tiêu dùng là người lớn tuổi. Đây là những người không quen với các dịch vụ phát trực tuyến nhưng cũng đã làm quen với cách giải trí này trong đại dịch.
"Trong thời gian diễn ra COVID-19, những người trung niên và thế hệ trước cũng có cơ hội làm quen với những dịch vụ trực tuyến. Đối với phim ảnh, trong khi rạp chiếu phim từng là doanh thu chính thì sau COVID, mọi người đã có thói quen xem phim tại nhà", chuyên gia nói thêm.
Ngành công nghiệp âm nhạc cũng tìm kiếm cách mới để thay thế, giải quyết những hạn chế về đi lại và tụ tập nơi đông người, đó là họ sử dụng những nền tảng ảo, tạo nên các concert online, cải thiện sự tương tác giữa nghệ sĩ và người hâm mộ trên toàn thế giới.
Người hâm mộ trên toàn thế giới giờ có cơ hội được tham gia concert của thần tượng K-Pop mà không cần phải đến trực tiếp. (Ảnh: Getty Images)
"Trước đây, các buổi hòa nhạc là thứ người hâm mộ luôn mong ước được tới để thưởng thức. Tuy nhiên ngày nay, người hâm mộ lại mong đợi những buổi hòa nhạc cung cấp qua dữ liệu trực tuyến", chuyên gia phân tích, "Tất nhiên, đây vẫn là một kiểu trải nghiệm hoàn toàn khác. Nhưng dù sao thì concert trực tuyến như vậy vẫn có những điểm tích cực và tiêu cực riêng".
Ở thời điểm hiện tại, với những nghệ sĩ tổ chức hòa nhạc thường xuyên, việc sắp xếp các buổi trực tuyến và ngoại tuyến cùng lúc đã trở thành một tiêu chuẩn mới. Ví dụ như nếu đó là buổi hòa nhạc kéo dài ba ngày, họ sẽ thực hiện buổi diễn trực tuyến và trực tiếp trong một ngày và tổ chức hai buổi biểu diễn ngoại tuyến trong hai ngày còn lại.
(Ảnh: YG Entertainment)
Tuy nhiên, với việc đại dịch đang lắng xuống và mọi người dần quay trở lại cuộc sống bình thường (trong bối cảnh các hạn chế về COVID-19 được nới lỏng), ngành công nghiệp giải trí cũng đang cố gắng trở lại với thời điểm cũ, trước khi dịch bệnh xuất hiện.
Với K-Pop, các nghệ sĩ đang tăng cường mọi hoạt động của mình trên toàn cầu. Các nhà phân phối phim cũng đang phát hành những bộ phim bị trì hoãn từ lâu và lập thêm nhiều dự án mới được quay ở nước ngoài. Cùng tình hình này, các chuyên gia Hàn Quốc có những ý kiến khác nhau về việc những thay đổi nào vẫn còn tồn tại và những thay đổi nào sẽ biến mất để phù hợp với thời kì mới.
Về cơ bản, những dịch vụ trực tuyến sẽ có khả năng phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong tương lai, đặc biệt là với metaverse. Tuy nhiên, điều này có lẽ vẫn là chưa đủ để thỏa mãn những người hâm mộ K-Pop với mong muốn được thưởng thức trực tiếp những màn trình diễn của các nghệ sĩ. Như vậy, chìa khóa để áp dụng công nghệ mới trong xu hướng thưởng thức K-Pop sẽ nằm ở cách nó nắm bắt màn trình diễn của nghệ sĩ tốt như thế nào.
(Ảnh: Hankyoreh)
"Công nghệ mới và tiên tiến là những gì người hâm mộ K-Pop mong muốn ở thời điểm này. Họ muốn có trải nghiệm thưởng thức, nghe nhạc trực tiếp hoặc tjaji nhà, qua màn hình", chuyên gia chia sẻ góc nhìn của mình, "Như thế nghĩa là họ không cần công nghệ độc, lạ. Cái họ cần là sự trải nghiệm tuyệt vời khi có thể xem show diễn của thần tượng ngay tại nhà".
Ở thời điểm hiện tại, các dịch vụ trực tuyến từng bùng nổ trong thời kỳ đại dịch lại phải đối mặt với sự sụt giảm số lượng người dùng vào đầu năm nay, khi giãn cách xã hội đã không còn và các hạn chế đi lại được nới lỏng. Theo dữ liệu từ Mobile Index, tổng số người dùng di động của 7 dịch vụ hàng đầu tại Hàn Quốc: Wavve, Tving, Seezn, Coupang Play, Disney +, Netflix và Watcha vào tháng 4 vừa qua đã giảm 3,4 triệu lượt người dùng so với tháng 1 cùng năm.
Có lẽ trong thời gian tới, các dịch vụ trực tuyến vẫn chiếm một phần rất lớn trong đời sống hàng ngày cũng như đời sống giải trí của mỗi người. Tuy nhiên, thị trường phát trực tuyến ngày càng "nóng" đồng nghĩa với sự cạnh tranh cao hơn, đòi hỏi các công ty phải có cách tiếp cận khác với người tiêu dùng.