0h sáng 27 Tết, những túp lều nhỏ vẫn còn sáng đèn dọc đường hoa Lạc Long Quân (quận Tây Hồ, Hà Nội). Nhiệt độ Hà Nội giảm sâu xuống 14 độ, nghe đài báo, đây là đêm cuối cùng của đợt rét đậm rét hại này. Cách đó khoảng 1km, chợ hoa đêm Quảng An khẳng định "danh tiếng" và sự "sôi động" đã thành "thương hiệu" của mình bằng những dòng xe tải chở hoa chen chúc dọc đường đê, bà con tất bật gánh trên vai những bó cúc, ly ly,... cuối cùng của năm. Chốc chốc, lại thấy cô bán hàng nọ xì xụp húp cốc mì tôm còn dở, anh chở hoa kia cúi gằm mặt tranh thủ chợp mắt.
Người đời bảo, làm nghề trồng và bán hoa như kẻ "làm dâu trăm họ". Sướng chưa thấy đâu, cực khổ đã dồn dập cả gần tháng trời chuẩn bị cho lễ hội lớn nhất năm. Ai cũng muốn được về quê đoàn tụ với gia đình, thật sớm, nhưng không phải cứ "muốn" là sẽ "được"!
- "Anh dắt xe máy đi đâu thế, đã nửa đêm rồi?"
- "À, anh tranh thủ về nhà với vợ chút. Tụi em ngồi xuống uống tách trà nóng cùng anh".
Anh thanh niên chừng 25, 26 tuổi, dáng người nhỏ nhắn, nhưng khuôn mặt khắc khổ. Anh nghịch điện thoại để giết thời gian, trong khi bên ngoài, sương giá đang hành hạ những cây đào giá ngót nghét cả bạc tỷ.
Nhóm anh có 2 người, thay phiên nhau canh đào đêm trên phố Lạc Long Quân. Hỏi anh trời lạnh thế này có chịu nổi không, cái túp lều kia chẳng có gì ngoài tấm bạt lớn, yếu ớt và xiêu vẹo.
"Trời lạnh nhưng anh nằm đây vẫn ấm. Không ấm cũng phải ấm thôi, vì anh không có sự lựa chọn. Làm việc quần quật 360 ngày, còn mấy ngày cuối cùng, chẳng nhẽ lại bỏ cuộc".
Nói xong, bình nước điện cũng vừa ngắt công tắc tự động. Anh cúi xuống, cười nhạt đánh tiếng: "Trà này pha bao nhiêu lần nước rồi, nếu loãng tụi em đừng chê nhé!".
Khói bốc lên từ ấm trà màu xanh ngọc, nước trà đúng là loãng thật, nhưng vị đắng chút đỉnh vẫn đủ đọng lại trên đầu lưỡi. "Anh không dám hãm ấm mới, vì sợ đắng quá đêm lại không ngủ được".
Anh Hạnh, người bán đào Tết.
Anh tên Hạnh, quê Nam Định, chuyển lên làng đào Phú Thượng dưới chân cầu Nhật Tân sinh sống đã 15 năm. Mang danh dân Phú Thượng, nhưng so với người gốc tại đây, gắn liền cả cuộc đời với đào, từ đời nọ tới đời kia, anh thấy mình còn quá nhỏ bé và chưa hiểu hết về đào.
"Cây đào nhỏ mình ươm từ lúc nó còn như mầm giá đỗ, bé xíu nằm gọn trong lòng bàn tay. Khi đào lên mầm, người nông dân bắt đầu cắt rồi ghép, nuôi thêm một năm nữa mới thành cành đào nhỏ. Còn như cây đào rừng, người ta phải đánh chuyển từ trên rừng về vườn, rồi ghép sau.
Một cây đào có phải làm trong 1 năm là "ăn" tiền được ngay đâu, có những cây 2 năm, 3 năm, thậm chí lâu hơn. Những hôm bán cành đào nhỏ, 1-2 triệu, khách còn kêu đắt. Thế nhưng người ta không hiểu quá trình, công sức bọn anh chăm nom đào suốt bao thời gian. Nói chung, trồng đào như đánh một canh bạc, bại nhiều hơn thắng".
Cứ chờ họp chợ xong, anh Hạnh xách đồ ra đường ngồi bán đào cùng cả dãy phố, từ đầu tháng 12 Âm lịch đến bây giờ, người đàn ông có quyền hy vọng về một cái kết khả quan cho năm mới.
Mấy năm trước, nếu không có người trông nom ở bãi tập kết, kẻ xấu cố tình đóng giả khách hàng, tìm cách trà trộn rồi "nhấc" đào lên ô tô mang đi tiêu thụ. Năm nay, anh thuê thêm người trông giúp, cả "xóm" đào, không vườn nào là không thuê.
Cũng như anh, bà con thường ngồi đến chiều 30 Tết, mong bán được nhiều hơn một chút. Có người xa quê lên Hà Nội lập nghiệp với đào, có người làm đủ thứ nghề, dăm ba ngày cuối năm tranh thủ nốt chức danh "trông đào thuê", ngồi mài mông cả ngày còn không được 300 nghìn.
"30 Tết, anh nhớ về những năm trước có bữa cơm tất niên cùng gia đình. Nhiều khi anh buồn vì người dân không hiểu được công sức bọn anh chăm sóc một cành đào như thế nào. Nếu "trúng" mùa thì được "ăn", còn không, phải mang đào về, cắt tỉa, lặp lại vòng tuần hoàn 365 ngày. Nông dân trồng đào chỉ trông mong vào những ngày cuối năm. Nhưng khách hàng chỉ tìm đến vào những tích tắc cuối cùng với tâm lý mua được giá gốc, mua được giá rẻ. Vậy chẳng phải công sức của người nông dân bỏ ra thành công cốc hay sao?".
Hãm chè cuối cũng đã nguội, đồng hồ điểm 0h30 sáng, anh Hạnh xin phép dừng cuộc chuyện trò để tranh thủ về nhà với vợ. Mấy tiếng sau, anh còn tiếp tục với những chậu đào cuối cùng của vườn nhà mình.
Cách túp lều của anh Hạnh không xa, anh Nam (quê Diễn Châu, Nghệ An) đang nâng ly nước hoa quả lên men cùng một người bạn bán đào bên kia đường. Anh ngà ngà say, mặt hơi bừng đỏ, chất giọng miền Trung đặc sệt không lẫn được vào đâu.
Anh Nam và người bạn.
"Anh không "mô, tê, răng, rứa" với khách hàng, anh học cách nói chuyện bằng giọng phổ thông với họ. Giọng quê thì không bỏ được, anh chỉ "lái" một số từ để mọi người dễ hiểu hơn. Thay vì "Cô/chú chọn cây mô", anh sẽ nói: "Cô/chú chọn cây nào, cây này hay cây kia".
Khách khứa đến với túp lều của anh, chưa vội buôn bán, cứ bình tĩnh ngồi xuống làm tách trà hoặc ly rượu nho. Khi đã đủ "thân", khách với chủ mới bắt đầu thao thao bất tuyệt về đào, hoặc bất cứ câu chuyện nào hợp cảnh hợp tình lúc đó.
Học hết lớp 12, không đỗ Đại học, anh nhận giấy báo lên đường nhập ngũ. 2 năm sau, anh vào Nam lập nghiệp. Kết quả không được như mong muốn, lại chẳng thể trở về quê nghèo, anh ra Bắc, quyết định sinh sống, rồi lập gia đình ở Thái Nguyên.
Năm nào, cũng cứ tháng 12 Âm lịch, anh xuống Phú Thượng lấy đào mang ra đường Lạc Long Quân phụ ông bà bán hàng. "Chắc được chục năm rồi, từ hồi 2009", anh nói.
Ăn lề ngủ đường, với anh, đó không phải là trở ngại duy nhất. Thời tiết nắng nóng hay mưa rét, anh chịu đựng được. Nhưng anh "dị ứng" với tiếng xe cộ, nhiều đêm không thể chợp mắt, dù bên cạnh chiếc radio vẫn đang phát những bản tin đêm khuya, hòng xoa dịu mớ âm thanh tạp nham ngoài kia.
- "Mùa đào năm nay với gia đình anh như thế nào?"
- "Nói chung anh cảm giác bán ế hơn so với mọi năm. 5 năm trước, cả dãy đường này chỉ có 1, 3 điểm bán là cùng. Nhưng bây giờ, góc nào cũng có đào. Nhiều người trồng kẻ bán, giá đào không bằng được công sức bọn anh bỏ ra. Anh hiểu đó là điều tất nhiên, khi một mình bạn có sản phẩm, bạn ở thế "độc quyền", bạn có quyền hét giá, khách hàng sẽ phải giành nhau mua. Nhưng sau đó xuất hiện nhiều người bán, nhiều lựa chọn, với khách hàng, họ thoải mái mặc cả, rẻ và đẹp là được".
- "Thế vợ con anh ở Thái Nguyên xoay sở như nào cho Tết?"
- "Anh phải sắp xếp được cho vợ con xong xuôi mới đi được chứ, nếu không thì gọi là bỏ bê, làm sao bỏ vợ bỏ con được".
- "Nhưng lều nhà anh có bể cá xinh xắn nhỉ?"
- "Đó là bể cá phong thuỷ đó. Mọi năm xuống Hà Nội bán đào, ông anh đều mua một bể cá, để đúng vị trí này, phải có thì mới bán được hàng. Nhưng xem ra, đến cả phong thuỷ cũng không cứu được những người trồng đào như bọn anh..."
Dọc con phố trời đã chuyển mình sang ngày mới, 2 cậu thanh niên chừng 20 tuổi chen chúc trong 2 tấm chăn mỏng. Chiếc điện thoại phát ra những âm thanh tươi vui, Ninh (22 tuổi, quê Lai Châu) mải miết xem nốt bộ phim hài trong máy. Cách chỗ cậu nằm khoảng 5 mét, đám củi vừa bị dập, khói hẵng còn nghi ngút.
Ninh đi làm thuê trông quất suốt một tháng nay, thu nhập không được bao nhiêu, nhưng khoản tiền dành dụm từ việc rửa xe mỗi ngày đều được em gửi về cho bố mẹ ở quê sắm sửa Tết.
"Bố mẹ em đồng ý cho em xuống Hà Nội làm thuê vì hoàn cảnh gia đình em bế tắc quá. Em học hết lớp 9 là bắt đầu đi làm, điều kiện không cho phép em học cao lên", Ninh nói.
- "Em sẽ về quê ăn Tết cùng gia đình chứ?"
- "Chắc em không được về, ở lại Hà Nội ăn Tết cùng ông bà chủ. Đây là lần đầu tiên em xa nhà, những năm trước thời điểm này là em đã quây quần bên bố mẹ rồi".
Tết này Ninh không thể về với gia đình.
- "Em có nghĩ sẽ về Lai Châu mấy ngày sau Tết không?"
- "Em không có tiền để mà về. 1 tháng nay làm được bao nhiêu, em đều gửi về nhà. Hết vụ trông quất, nếu không được làm nữa, em quay lại xin rửa xe thuê".
- "Công việc thời vụ này phải trông đào, quất về đêm, em đã bao giờ bị các đối tượng xấu đe doạ chưa?"
- "Như hôm qua ạ, tầm 12h đêm đến 1h sáng, có 4-5 kẻ lởn vởn quanh lều quất nhà em. Có 2 nhân viên khác trông ở đây, nhưng ngủ quên, lại không tập trung nên bị trộm bê mất một chậu quất. Ông chủ tức giận, cử em quay lại trông nom. Em buồn ngủ, nhưng vẫn cố trong trạng thái sẵn sàng ứng biến".
Cậu thanh niên hiền lành, thật thà, đưa bàn tay nhỏ lên chào tạm biệt, rụt rè nói: "Anh chị ăn Tết vui vẻ nhé". Trước khi chúng tôi đi khuất sau những cành quất, vẫn nghe tiếng điện thoại em phát lên những tràng cười sảng khoái.
Chú Ba (50 tuổi) nhấp miệng ngụm trà xanh chát đắng rồi khà khà. Xung quanh chú, bóng tối đen như mực, không một ánh đèn, trừ ánh sáng màu xanh phát ra từ màn hình điện thoại người bạn bên cạnh. Lều chú chất đầy mai vàng, từng chậu bé rồi chậu lớn nằm im thin thít trong khoảng không.
Chú Ba quê ở Bến Tre, "Miền tây sông nước" - chú nhấn mạnh. Chú mang đào từ trong Nam ra ngoài Bắc bán ở đường hoa Lạc Long Quân mới được 4 hôm.
Chú Ba quê ở Bến Tre.
- Chú thấy miền Bắc rét kinh khủng không ạ?
- Có, nhưng phải cố chịu chứ biết sao giờ. Nghe bảo hôm nay (26 Tết) là đợt lạnh cuối, mai đỡ à? Bạn chú đắp chăn vẫn run bần bật, mang tiếng là người Bắc nhưng cũng không đọ nổi với sương gió.
- Thế chú tính về quê hôm nào?
- Khi nào bán xong rồi về, chứ còn nhiều hàng quá. Hy vọng 29-30 sắp tới người dân sẽ ủng hộ hàng mai nhà chú, để chiều cuối năm chú bay vào Sài Gòn, rồi bắt xe khách về nhà kịp đón giao thừa. Nhiều năm rồi chú toàn đón giao thừa trên xe khách không à".
Số phận những cành đào mai quất không còn phụ thuộc vào những người nông dân nữa, mà ở chính chúng ta. Đừng để chiều tối 30 Tết mới hối hả đi tìm một cành đào về trưng trong nhà, với tâm lý "vừa rẻ, vừa đẹp". Hãy giúp những tiểu thương mau chóng hết hàng, cũng là giúp bản thân có nhiều sự lựa chọn hơn mà không phải quá gấp gáp.
Thuận mua thì vừa bán, nếu họ đưa ra giá quá cao, bạn có thể mặc cả nhưng đừng ép giá "gắt" quá, để rồi không ai mua những chậu cây đó, chính người nông dân phải tự tay phá huỷ chúng, để tránh nạn "hôi của" khi bị bỏ lại chiều 30.
Tết năm nay, đã 2 người đột quỵ khi bán hoa.
1h sáng 27 Tết, chỉ còn 3 ngày nữa, mùa xuân mới sẽ gõ cửa.