Ngập lụt triền miên khiến nhiều hộ gia đình tại đây đang cân nhắc có nên rời bỏ nhà cửa, trở thành những người di cư vì biến đổi khí hậu hay không
Không ngày nào là bà Kasmini không quét nước đọng ra khỏi nhà, nhưng khi thủy triều dâng, nhà của bà lại ngập bì bõm. Tình trạng ngập lụt do nước biển dâng đang ngày càng phổ biến ở làng Timbulsloko nói riêng và bờ biển phía Bắc của tỉnh Trung Java nói chung. Bà Kasmini cho biết, mực nước biển dâng cao nhất có thể lên đến ngang người. Con gái của bà, chị Dwi Ulfani, không thể nhớ được thời điểm mà ngôi nhà không bị ngập lụt là khi nào.
Tình trạng ngập nước ở làng Timbulsloko, Indonesia ngày càng trầm trọng. (Ảnh: AP)
Chị Dwi Ulfani, cư dân làng Timbulsloko, nói: "Tôi muốn sống ở một nơi nào đó không giống như thế này. Một nơi nào đó có nhiều đất và khô ráo hơn, hy vọng nơi đó an toàn trước lũ lụt".
Chỗ nước mênh mông từng là khoảng sân của nhà ông Sukarman, ông nội của chị Ulfani. Ông Sukarman đã sống ở ngôi làng Timbulsloko gần như suốt cả cuộc đời mình. Ông đã nâng nền nhà và mảnh đất xung quanh hai lần, nhưng nước lũ vẫn tràn vào.
Chính phủ Indonesia đã có hỗ trợ bằng việc quyên góp thực phẩm và tư vấn về nơi dân làng có thể chuyển đến, nhưng ông Sukarman cho rằng những người trẻ hơn, chẳng hạn như cháu gái của ông, nên chuyển đi nơi khác nếu họ có thể. Còn bản thân ông nay tuổi đã cao, lại không có tiền và cũng không có nơi ở nào khác như nhiều người, nên ông có thể sẽ dành phần đời còn lại của mình để sống trong một ngôi nhà ngày càng ngập lụt.
Ông Sukarman chia sẻ: "Tôi già rồi. Đây là nơi tôi sinh ra và tôi sẽ chết ở đây. Tôi không đi đâu cả. Căn nhà này là tất cả những gì tôi có, tôi sẽ đi về đâu được chứ?".
Những ngôi nhà, công trình kiến trúc đang chìm dần ở tỉnh Trung Java, Indonesia. (Ảnh: AP)
Tuy nhiên, nhiều người trong làng đã nhận ra rằng đã đến lúc phải ra đi và xây dựng một cuộc sống mới ở một nơi khác. Chị Asiyah là một trong số đó. Chị đã rời làng Mondoliko khoảng hai năm trước, khi nước biển dâng và thủy triều mạnh hơn do tác động của biến đổi khí hậu đã phá hủy mùa màng và cuốn trôi những con đường đất. Tài sản chị có thể mang theo chỉ là một chút đồ đạc và những tấm ảnh kỷ niệm.
Chị Asiyah, người di cư vì biến đổi khí hậu, cho biết: "Tôi không thể quên những kỷ niệm từ Mondoliko. Tôi chưa bao giờ tưởng tượng làng quê tôi sẽ trở thành đại dương".
Tháng 11/2021, làng Mondoliko vẫn còn 11 ngôi nhà có người ở, nhưng đến tháng 7 vừa qua, con số đó giảm xuống còn 5 hộ gia đình, vì ngôi làng tiếp tục bị biển nuốt chửng. Hiện chị Asiyah sống cách làng cũ gần 5km, trong một căn nhà nhỏ bê tông chắc chắn. Theo báo cáo mới của Liên Hợp Quốc, chị Asiyah và những người dân làng của chị chỉ là một vài trong số khoảng 143 triệu người có khả năng mất quê hương, thuận theo xu hướng trở thành người di cư do nước biển dâng, hạn hán, nhiệt độ khắc nghiệt và các thảm họa khí hậu khác trong 30 năm tới.