Giao thừa là một trong những dịp quan trọng nhất của năm, thời điểm các gia đình đoàn tụ, quây quần ăn một bữa tất niên đầm ấm. Chính bởi vậy, mâm lễ trong ngày này cũng phải được chuẩn bị cẩn thận, đầy đủ, không thể thiếu những món như: Gà luộc, bánh chưng, giò chả...
Nếu người Việt ưa thích ăn thịt gà ngày Tết vì con gà gọi được mặt trời ló rạng, mang tới hy vọng về một năm tươi sáng thì bánh chưng, bánh giầy trên mâm lễ cũng gắn chặt với truyền thuyết Lang Liêu.
Song theo quan niệm dân gian, không phải món nào cũng có những ý nghĩa may mắn, tốt đẹp như vậy. Nhiều món ăn bổ dưỡng, hấp dẫn, quen thuộc hằng ngày nhưng tới những dịp lễ Tết lại trở thành thức ăn kiêng kỵ. Vậy đó là những món ăn nào?
Thường ngày, mực là món ăn được ưa chuộng và vô cùng phổ biến đối với người dân Việt Nam, tuy nhiên vào dịp Tết đây lại trở thành món ăn “kiêng kỵ” trên mâm cơm bởi ý nghĩa không may mắn của nó.
Nhiều người đều mong muốn sang năm mới cuộc sống, công việc của bản thân sẽ gặt hái nhiều may mắn hơn năm cũ.
Tuy nhiên trong dân gian phổ biến câu nói “đen như mực”, ám chỉ những điều không may sẽ xảy ra trong cuộc sống.
Bởi vậy nếu muốn năm mới được thuận buồm xuôi gió, không nên ăn món “mực” vào ngày Tết.
Thit vịt là thực phẩm giàu chất dinh dưỡng, protein lại dễ ăn, tuy nhiên thịt vịt bị liệt kê vào danh sách những món ăn kiêng kỵ trong mâm cỗ của người miền Bắc và miền Trung vào những ngày đầu năm.
Theo quan niệm dân gian, việc đặt một đĩa thịt vịt sẽ mang ý nghĩa không may mắn, “tan đàn, xẻ nghé”, công việc làm ăn không thuận lợi, không hợp tác được với các đơn vị khác. Quan niệm này được rất nhiều người đặt niềm tin, nhất là những người làm việc trong lĩnh vực kinh doanh, buôn bán.
Qua năm mới, mọi người đều hy vọng đón được những điều vui vẻ và hạnh phúc, vì vậy nên ông bà ta thường coi sầu riêng là loại quả kiêng kỵ trong ngày Tết. Chữ “sầu” trong tên gọi của loại quả này khiến người ta sợ ăn vào, sẽ gặp chuyện u sầu, đau buồn cả năm.
Trong quan niệm dân gian, mỗi khi nhắc tới chó, người ta thường liên tưởng tới hình ảnh của một con vật mang kiếp khổ cực, chịu đựng, chính vì lẽ đó nên người ta cho rằng ăn thịt cho vào ngày đầu năm là một điều không may mắn, công việc không suôn sẻ, tài lộc dễ hao tán.
Đối với người Việt, chó, mèo là vật nuôi gần gũi, thân thiết với con người, vì tính nhân đạo cũng không nên giết mổ, kinh doanh thịt của các loài vật này. Ngoài ra, thịt chó tiêu thụ trên thị trường hiện nay cũng phần lớn giết mổ tại các hộ dân, không đưa vào các cơ sở giết mổ, không qua kiểm tra giám sát của cơ quan chuyên môn nên tồn tại nhiều nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm.
Năm mới, ai cũng mong muốn tiền tài rủng rỉnh, vì vậy đêm giao thừa nhất định không được bày món ăn có củ sen. Theo quan niệm người xưa, củ sen có rất nhiều lỗ rỗng, những chỗ rỗng này tượng trưng cho việc rò rỉ tiền bạc.
Dân gian quan niệm nếu không muốn "hao tài tốn lộc" thì không nên để củ sen xuất hiện trên mâm cơm ngày lễ.
Khi nấu cỗ đêm giao thừa, nhiều người quan niệm không nên dùng đậu phụ nấu chung với thịt, vì màu của đậu phụ là màu trắng, mà trong quan niệm của văn hóa phương Đông, bao gồm Việt Nam, màu trắng là một màu không may mắn.
Trên thực tế, quan niệm dân gian thường không có đúng, cũng chẳng có sai. Nhiều khi chúng chỉ bắt nguồn từ những câu chuyện thực thực, hư hư trong quá khứ rồi cứ thế truyền từ đời này sang đời khác. Song việc duy trì tín ngưỡng trong ngày đầu xuân năm mới là một nét văn hóa đặc trưng thú vị, trở thành sợi dây gắn kết giữa truyền thống và hiện đại, giữa Tết nay và Tết xưa.