Thế nhưng, không ít nhân viên văn phòng thừa nhận họ đã rơi vào tình cảnh hoang mang, do dự khi đọc được bản tin tuyển dụng “đặc biệt”. Dù rằng cảm thấy khả năng của bản thân có thể đáp ứng được hầu hết các yêu cầu, nhưng, phía bên kia lại chính là công ty từng gắn bó một thời gian.
Ảnh minh họa: Pexels.
Trong 8 năm, anh Việt Lâm đã hơn 10 lần chuyển chỗ làm, chưa tính những nơi chỉ thử việc một vài ngày. Tuy nhiên, nơi anh đang làm lại chính là công ty đầu tiên từng tuyển anh ở vị trí lập trình viên sơ cấp, thuở chân ướt chân ráo “gia nhập” thị trường lao động. Nói về quyết định quay lại và gắn bó với công ty, anh cho biết:
“Lúc đầu, tôi đi làm với tinh thần học hỏi là chính và quả thật, tôi đã được các anh chị, chỉ bảo rất nhiều điều. Tuy nhiên, lúc ý quy mô công ty còn nhỏ, mà tôi cần trau dồi kinh nghiệm thêm ở nhiều mảng khác trong ngành lập trình. Thế nên chính anh sếp đã giới thiệu tôi sang một công ty khác”.
“Sau quãng thời gian chinh chiến, kinh qua nhiều công ty, thử sức ở đa dạng các mảng, song tôi thấy bản thân vẫn là thích hợp với lựa chọn ban đầu nhất. Cho nên đợi đợt tuyển dụng thì tôi nộp hồ sơ xin việc lại. Cũng hơi ngại với một số đồng nghiệp cũ nhưng nếu xét trong tình hình hiện tại, văn phòng công ty vừa gần nhà, lương, thưởng lại ổn định nhất so với các lựa chọn khác”, anh nói.
Minh Thúy, nhân viên nội dung cho một công ty truyền thông ở TP. Hồ Chí Minh cho hay: “Mình từng rời mảng giải trí, điện ảnh vì cảm thấy công việc quá mệt mỏi và áp lực bủa vây. Trong khi một người bạn làm ở bên công ty khác kể có vẻ nhàn hơn, mà so ra mức lương vẫn như vậy. Tuy nhiên, khi sang bên đó làm mình mới thấy, “ở trong chăn mới biết có rận”, tuy rằng công việc ít hơn nhưng đối phó với các đồng nghiệp thích thị phi còn mệt mỏi hơn”.
“Sau 3 lần chuyển việc trong vòng 1 năm, mình đã có bài học, làm công việc mình thích, trong môi trường vui vẻ, thì dù có mệt một chút cũng vẫn hạnh phúc”, cô nói về lựa chọn quay lại công ty cũ làm việc.
Sau khi cập nhật công việc mới trên trang cá nhân, anh Duy Long nhận được không ít câu hỏi của bạn bè tại sao lại quay về công ty cũ dù đã xin nghỉ hơn 3 năm.
“Đơn giản thôi, trước kia chỉ là nhân viên, giờ được các sếp tin tưởng mời về làm giám đốc nội dung, điều này chứng tỏ cho những nỗ lực khẳng định thương hiệu cá nhân của mình. Thấy phù hợp với định hướng sự nghiệp thì mình nhận”, anh vui vẻ trả lời.
Ảnh minh họa: Pexels.
Tuy nhiên, anh Long cũng khuyên mọi người cần cân nhắc thật kỹ trước khi đặt bút ký vào bản hợp đồng với công ty “từng quen”: “Ngoài mức lương cao hơn trước kia, chúng ta cần đánh giá tình hình của công ty, đồng nghiệp. Trong khoảng thời gian bạn rời đi, chắc hẳn công ty cũng có nhiều thay đổi mà bạn chưa nắm bắt được ngay. Thậm chí, những cộng sự ăn ý với bạn trước kia cũng không còn ở đó”.
“Cho nên muốn sớm hòa nhập lại, hãy giảm lòng tự trọng của bản thân đi một chút, đảm bảo có lợi chứ không hại. Hay đôi khi cũng cần chuẩn bị sẵn cho tình huống lịch sử lặp lại, bạn sẽ rời đi một lần nữa”, anh Duy Long nói thêm.
Cũng nhận được thư mời từ công ty cũ, trở về phụ trách mảng đối ngoại, chức vị tương đương phó giám đốc, song, chị Thu Thủy lại có quan điểm khác:
“Mình luôn rõ ràng, mặc dù vẫn giữ mối quan hệ khá tốt với mọi người ở công ty cũ nhưng chỉ nằm ngoài công việc. Còn mình cho rằng “không ai tắm hai lần trên một dòng sông”, đã dứt áo ra đi rồi, giờ trở về coi như phải bắt nhịp từ bước đầu tiên, chắc chắn sẽ có muôn vàn rắc rối mà ta không thể nào ngờ được. Thay vì phải đối mặt với những chuyện đó, tại sao chúng ta không chọn một phương án dễ thở hơn”.
Ảnh minh họa: Pexels.
Vậy nhưng, còn một trường hợp ngoại lệ như thế này thì chị Thủy cho rằng chẳng còn con đường nào khác ngoài trở về công ty cũ: “Mình từng chứng kiến một bạn nhân viên ở công ty cũ, sau khi thử sức với nhiều công việc, sẵn sàng nhảy việc từ Bắc vào Nam, ở mọi vị trí khác nhau. Sau đó, bạn ấy quyết định quay lại, làm giám đốc nhân sự. Hỏi ra mới biết đây là công ty của gia đình bạn ấy. Như này thì chỉ biết cười mà chấp nhận chứ sao nữa”.