Trước khi lên tàu
Các chuyên gia du lịch cho biết, căn cứ Công ước quốc tế về an toàn sinh mạng trên biển (SOLAS), trước khi tàu khởi hành, du khách cần tìm hiểu một số thông tin về tàu mình chuẩn bị đi, ví dụ, tàu cất giữ xuồng cứu sinh và bè cứu sinh ở đâu, tàu có các lối thoát hiểm trong trường hợp khẩn cấp nào. Đối với các điểm đến trên hành trình, du khách cần kiểm tra thông tin về tình hình thời tiết và khuyến cáo của địa phương.
"Trước khi lên tàu, thuyền, hãy chắc chắn đơn vị cung cấp gói du lịch đã chuẩn bị áo phao cho bạn. Trong suốt chuyến đi, phải luôn giữ áo phao bên cạnh mình, để nếu xảy ra sự cố thì bạn có thể mặc ngay", chuyên gia TTW nhấn mạnh.
Lúc trên tàu
Khi lên tàu, nhân viên thường phổ biến các quy tắc an toàn cơ bản. Du khách phải lắng nghe kỹ và ghi nhớ vị trí các thiết bị cứu sinh, đường thoát hiểm và khu vực cấm ra vào. Thông thường, phao bè cứu sinh được đặt tại các trạm tập trung, ở mạn trái và phải gần khu vực xuồng cứu sinh, cũng như ở phần sau đuôi tàu. Vị trí lắp đặt sẽ được điều chỉnh linh hoạt tùy theo quy mô tàu.
Phao bè cứu sinh được đặt tại mạn trái và phải gần khu vực xuồng cứu sinh, cũng như ở phần sau đuôi tàu. Ảnh: Lộc Liên.
Nếu gặp sóng to, gió lớn, du khách cần bám chắc vào tay vịn hoặc vật cố định để tránh va đập, giữ bình tĩnh và tỉnh táo.
Cố gắng giữ bình tĩnh khi tàu chìm
Nếu chẳng may tàu chìm, cần cố gắng giữ bình tĩnh để đưa ra hành động tiếp theo. Nếu đang đi tàu lớn, thời gian chìm tàu sẽ khá chậm nên du khách cần nhanh chóng tìm và chuẩn bị các thiết bị cần thiết như bè cứu sinh, phao, lương thực, ván gỗ (nếu có), can nhựa...
Hãy tuân theo hướng dẫn của nhân viên trên tàu bởi họ là người đã được huấn luyện xử lý tình huống trong những trường hợp cấp bách. Du khách chỉ nên tự mình hành động khi không có ai đưa ra hướng dẫn cụ thể.
Du khách nên đứng đối lập với bên tàu chìm, nếu tàu nghiêng sang trái thì phải đứng sang phải để giữ thăng bằng cho tàu thuyền, kéo dài thời gian nước tràn vào thân tàu. Nếu đang ở trong phòng bên dưới tàu, tìm mọi cách để thoát ra ngoài , có thể phá cửa nếu cần thiết.
Nếu chẳng may tàu chìm, cần cố gắng giữ bình tĩnh để đưa ra hành động tiếp theo. Ảnh: Getty.
Khi nhảy xuống nước, nên nhảy theo phương thẳng và theo chiều xuôi gió, đừng nhảy theo chiều ngược gió và đừng nhảy ở phía con tàu đang bị chìm.
Sau khi xuống nước, cần nhanh chóng bơi ra xa khu vực tàu chìm để tránh bị cuốn vào dòng xoáy, nhưng phải quanh quẩn khu vực tàu để tiện cứu hộ. Cố gắng bám vào bất cứ thứ gì nổi được, nhưng tốt nhất là bám vào vật liệu như gỗ hoặc những thứ không bị mất độ nổi khi ngập nước.
Nếu bạn không có bất kỳ thiết bị nổi nào, bạn có thể tự chế một chiếc phao tạm thời từ quần. Theo đó, hãy cởi quần ra, buộc chặt từng ống quần, giơ lên cao và kéo xuống nước sao cho chân nổi lên để giữ được càng nhiều không khí càng tốt.
Nếu không có áo phao khi rơi xuống nước, hãy cởi quần dài ra, buộc chặt từng ống quần và giơ lên cao rồi kéo xuống để tạo thành phao cứu sinh. Ảnh: Chụp màn hình.
Hãy phát tín hiệu cầu cứu từ thuyền hoặc tàu càng sớm càng tốt. Nếu không có còi cứu hộ, hãy dùng giọng nói. Ban ngày, du khách cũng có thể dùng bất kỳ vật sáng bóng nào, như kính hoặc gương, để bắt ánh sáng mặt trời và tạo ra một tia sáng có thể nhìn thấy từ tàu.
Hãy làm mọi cách có thể để giữ nhiệt cơ thể bằng cách nổi ở tư thế giảm thoát nhiệt (help ). Theo đó, hãy khoanh tay trước ngực, co đầu gối lên sát cánh tay và ngả người ra sau để giữ đầu nổi trên mặt nước.
Tuyệt đối không vùng vẫy nếu đã tiếp nước vì bạn càng sợ và vùng vẫy thì càng mau bị chìm vì tốn nhiều sức lực. Du khách hãy hít những hơi thật dài, nằm ngửa và thả nổi để cầm cự, chờ người đến cứu.
Kỹ năng sinh tồn khi bị mắc kẹt trên biển, đảo hoang
Khi bị mắc kẹt trên biển, du khách nên cố gắng bình tĩnh định hướng, quan sát để tìm hướng về đất liền. Hãy quan sát các loài chim biển, nếu gặp chim biển đang bay, hướng bay của nó sẽ là đất liền, nhất là vào các buổi chiều.
Nếu bị dạt vào đảo hoang mà không có nước ngọt, du khách có thể sử dụng bất kỳ loại vải nào để hứng nước mưa và vắt kiệt nước để uống. Nếu bạn có dự trữ thực phẩm, tốt nhất là tránh ăn cho đến khi có nước.
Du khách có thể dùng trang sức, dây giày, mảnh nhựa để làm cần câu và lưỡi câu; dùng buồm, bạt, lưới, hay thậm chí quần áo để bắt chim hoặc cá. Ngoài ra, du khách cũng có thể ăn rong biển.
Cần tìm cách để bất kỳ tàu thuyền nào đi ngang qua cũng có thể nhận ra bạn đang bị mắc kẹt trên đảo. Nếu có pháo sáng, hãy dùng chúng khi bạn định vị tàu thuyền. Nếu không, hãy dùng gương, kính hoặc màn hình điện thoại để tạo ra ánh sáng mạnh nhằm báo hiệu cho tàu thuyền hoặc thậm chí là máy bay.
Như Tiền Phong đã đưa tin, lúc 12h55 ngày 19/7, tàu Vịnh Xanh 58 xuất bến chở 48 du khách và 5 thuyền viên tham quan tuyến 2 vịnh Hạ Long, dự kiến trở về cảng vào chiều cùng ngày. Đến 13h30, khi tàu đến phía đông của hang Đầu Gỗ, trời đang nắng gắt chuyển tối đen, giông gió nổi lên kèm sấm sét, mưa đá. Sau đó, gió mạnh xô nghiêng rồi đẩy tàu lật úp.
Tính đến 8h sáng nay (20/7), lực lượng cứu hộ cứu nạn đã tìm thấy 45 người, trong đó có 10 người còn sống, 35 người chết và 4 người đang mất tích.