Giữa miền đầm phá mênh mông của xứ Huế, có một người phụ nữ lặng lẽ bước chân qua từng mùa nước lớn, mùa nước cạn để gắn bó, gìn giữ và kể câu chuyện đời sống bình dị của làng Ngư Mỹ Thạnh cho những người chưa từng biết. Chị tên Hiền, một người con Xứ Thanh, dáng chị mảnh khảnh và ánh mắt lúc nào cũng rực lên thứ tin yêu rất đỗi dịu dàng với nơi này.
Chị Lường Thị Hiền, quê gốc ở Thanh Hoá nhưng khi về làm dâu ở thôn Ngư Mỹ Thạnh đã trở thành một "hướng dẫn viên" xuất sắc. Người dân trong thôn và các du khách vẫn gọi chị bằng biệt danh thân thương là "người kể chuyện Tam Giang - Hiền Lường".
Chị Hiền từng có những giấc mơ rất khác thuở còn ngồi giảng đường đại học. Tốt nghiệp ngành Quản trị Du lịch tại Đà Nẵng, chị mong mình sẽ làm việc trong các công ty lữ hành, văn phòng sáng sủa, lộ trình nghề nghiệp rõ ràng. Nhưng đời không hề đoán trước được, sau khi ra trường, chị lập gia đình và vào Huế - mảnh đất "khó khăn đủ mặt" như chị nói. Mưa thì dầm dề ngập úng, nắng thì hắt lửa lên mái nhà. Nhiều đêm chị thức trắng, vừa nhớ quê, vừa buồn vì chẳng tìm ra được công việc tử tế. Chị lăn vào làm công nhân, những ca kéo dài mười mấy tiếng, đồng lương còm cõi vẫn không đủ đắp đổi cuộc sống mới.
Một ngày năm 2009, chị nghe chuyện mấy "mệ" ở làng Ngư Mỹ Thạnh bắt đầu đón khách về trải nghiệm cuộc sống đầm phá. Thời ấy, khách tìm đến nhiều, họ tò mò về chợ nổi, về rừng ngập mặn nguyên sinh, về bữa cơm dân dã giữa sóng nước. Chị đánh liều xin theo, bắt đầu từ những việc không tên, chỉ mong được nhìn thấy ánh mắt du khách lúc họ hít căng lồng ngực mùi gió phá Tam Giang.
Chị nhớ lại lần đầu tiên đến Phá Tam Giang, đầm phá nước lợ lớn nhất Đông Nam Á, trải dài gần 25 cây số, với rừng sú mọc lên từ bãi bùn lặng lẽ, với hoàng hôn trải miên man đỏ rực mặt nước. Chị bảo, chính khoảnh khắc ấy, chị thấy mình thuộc về nơi này. Chị chia sẻ: "Tình người nơi đây níu chị lại". Những con người chất phác, hiền hậu, sống bằng nghề chài lưới nhưng lúc nào cũng hồ hởi sẻ chia, ai cũng coi chị như ruột thịt.
"Tôi đã nghĩ, mình phải làm điều gì đó để cái đẹp của vùng này không chỉ dừng lại ở vài bức ảnh mà khách mang về" - chị nói, giọng rưng rưng.
Chi Hiền kể, trước đây chính chị cùng nhiều chị em phụ nữ trong thôn tham gia trồng rừng ven phá. Khi rừng phát triển, xanh mướt trên mặt nước, chị cùng bà con bắt đầu tập tành làm quen mô hình du lịch cộng đồng."Ban đầu chỉ là những chòi nhỏ để du khách ăn uống, nghỉ chân. Sau này, mọi người mở thêm dịch vụ để khách trải nghiệm mò cua, đánh cá, trìa, chèo sup dạo mát trong rừng. Vào mùa hè, mỗi người có thêm thu nhập bình quân 300 - 500 nghìn đồng mỗi ngày. Tôi thấy vui khi được góp một phần vào việc trồng rừng, làm du lịch".
Khi quyết định bước hẳn vào con đường tổ chức tour trải nghiệm, chị biết trước sẽ đầy nhọc nhằn. Làng Ngư Mỹ Thạnh và cả Phá Tam Giang khi ấy vẫn là một góc Huế rất ít người nhắc tới. Khách tới Huế quen với lăng tẩm, đền đài, với sự trầm mặc của kinh thành. Còn Phá Tam Giang thì lặng lẽ, mộc mạc, hoang sơ. Bà con làm nghề biển rất giỏi, nhưng chưa hề có khái niệm "chuyên nghiệp" hay "dịch vụ". Mỗi ý tưởng mới chị đem ra đều phải giải thích hàng chục lần để họ tin rằng, nếu làm cùng nhau, ai cũng có phần, ai cũng là "đại sứ" gìn giữ hồn phá.
Không ít đêm, chị lo lắng đến mất ngủ. Tiền vốn chẳng nhiều, mùa du lịch lại ngắn ngủi, mỗi năm chỉ có ba, bốn tháng thời tiết thuận lợi để khách trải nghiệm hết vẻ đẹp đầm phá. Chỉ cần mưa gió kéo dài, tour lập tức hủy, chi phí bù lỗ lại đè lên vai. Nỗi sợ lớn nhất của chị không phải mất khách, mà là bà con sẽ nản chí, bỏ cuộc.
Nhưng bằng sự kiên trì, chị lần lượt thuyết phục được nhiều hộ gia đình cùng tham gia, cùng học cách đón khách với nụ cười chân thành. Làng Ngư dần trở thành điểm hẹn cho những người muốn tìm về một "Huế khác".
Mô hình tour trải nghiệm do chị xây dựng không cần nhiều tiền khởi sự, nhưng lại rất cần niềm tin và kỹ năng xoay vòng dòng tiền. Với mùa du lịch chỉ kéo dài 3–4 tháng mỗi năm, chị phải tính toán tỉ mỉ: làm sao để mùa cao điểm đủ bù mùa thấp điểm, làm sao để bà con vẫn có thu nhập và không nản chí khi tour bị hủy vì mưa gió.
Chị kể: “Mình không thể vay nhiều vì không đủ tài sản thế chấp. Thế là tôi chọn cách xoay vốn nhỏ, chia đều lợi nhuận theo nhóm, ai làm được việc gì thì nhận phần ấy. Khách ăn cá của nhà nào, nhà đó có phần. Người chèo đò thì nhận thù lao theo tour. Mỗi người kiếm thêm 300–500 nghìn mỗi ngày vào mùa hè, có khi còn hơn làm công”.
Tài chính không chỉ là con số – với chị Hiền, đó là nghệ thuật phân phối nguồn lực hợp lý giữa rủi ro thiên nhiên và sức người. Dù chưa từng học quản trị tài chính, chị vẫn tìm ra cách để giữ dòng tiền chảy đều trong cộng đồng, giúp mô hình du lịch “không ai bị bỏ lại phía sau”.
Người ta đến đây để ngắm bình minh rực rỡ trên phiên chợ nổi duy nhất ở xứ Huế - nơi những chiếc ghe nhỏ chở đầy tôm cá họp thành một chợ nổi liêu xiêu từ tờ mờ sáng. Khi mặt trời nhô lên khỏi rặng sú, cả đầm nước sáng bừng, in bóng những người dân đang cúi lưng gỡ lưới, những đứa trẻ thì chạy lon ton trên cầu gỗ. Buổi trưa, khách được đưa qua rừng ngập mặn xanh thẫm, rồi tấp vào một chiếc chòi nhỏ giữa phá thưởng thức bữa cơm giản dị: Cá kình nướng, tôm đất hấp, bánh khoái.
Buổi chiều, hoàng hôn buông xuống mặt nước, nhuộm vàng từng mái thuyền, trong cái tĩnh lặng rất lạ ấy, người ta tự dưng thấy lòng mình chùng xuống. Chị bảo, không cần diễn giải nhiều, ai từng ngồi nhìn hoàng hôn trên phá Tam Giang một lần, sẽ hiểu vì sao chị chọn ở lại đây đến tận bây giờ.
"Huế rất đẹp, và càng đẹp hơn khi có chúng tôi và các bạn" chị cười nói - câu nói vừa như một lời mời, vừa như một lời tự nhắc nhở về sứ mệnh mà chị Hiền đang đeo đuổi.
Những tour mà chị và bà con thiết kế không phải để khách "check-in" rồi vội vã rời đi. Mỗi hành trình là cơ hội để du khách chạm vào đời sống thật: chèo sup giữa phá, đạp trìa mò sò trong bùn, nghe chuyện người dân về cách họ gắn bó với đầm phá suốt nhiều thế hệ. Chị gọi đó là một cách tôn trọng, nâng niu từng mảnh ký ức của vùng đất.
Chị cũng trải lòng về những khó khăn, khi mà đến bây giờ, mọi thứ vẫn chưa thật hoàn hảo. "Mình vẫn làm nhiều thứ theo bản năng. Vẫn chưa đủ kinh phí để làm thêm chòi đón khách, sắm thuyền mới hay đào tạo bài bản cho bà con". Qua những lời chia sẻ, có thể thấy sự đồng lòng và tình cảm trân quý của bà con nơi đây là tài sản quý nhất mà chị có. Nhiều người còn gọi chị bằng cái tên dí dỏm: Người phụ nữ "giàu nhất" Phá Tam Giang.
Hơn mười năm kể từ lần đầu bước chân đến Phá Tam Giang, chị chưa từng nghĩ mình sẽ thành "người giữ hồn phá". Chị chỉ nghĩ, mỗi ngày được làm điều mình tin là đúng, được nhìn thấy sự đổi thay trong cách cộng đồng đối đãi với nghề, được chứng kiến vùng đất này bớt nghèo hơn, lòng chị đã đủ bình yên.
Và trong cái êm đềm của sóng nước nơi này, câu chuyện của người đàn bà nhỏ bé ấy vẫn âm thầm lan xa, như một lời nhắc nhở dịu dàng. Đằng sau những bức ảnh đẹp là biết bao nhẫn nại, yêu thương và lòng tin bền bỉ rằng: Mọi vùng đất, dù lặng lẽ đến đâu, vẫn có thể trở thành một điểm đến được nâng niu, khi có người dám chọn gắn bó trọn đời.
Năm 2023, làng Ngư Mỹ Thạnh được công nhận là Điểm du lịch cộng đồng của tỉnh Thừa Thiên Huế. Lượng khách tìm đến tăng lên. Những bài báo, chương trình truyền hình bắt đầu kể về nơi này như một ví dụ cho mô hình du lịch bền vững. Nhưng với chị Hiền, giá trị lớn nhất không nằm ở danh hiệu hay con số, mà ở ánh mắt của bà con khi thấy công sức của mình được ghi nhận, ở nụ cười của khách lúc rời đi vẫn còn lưu luyến.
Từ góc nhìn tài chính – kinh doanh
Hành trình của chị Hiền cho thấy một mô hình kinh tế – du lịch mang tính tự thân và bền vững: bắt đầu từ nguồn lực có sẵn (thiên nhiên, con người), khai thác dựa trên sự hiểu biết bản địa, phân phối lợi nhuận cộng đồng, và không đặt nặng "tăng trưởng bằng mọi giá". Đây chính là hình mẫu kinh doanh nhân văn đang được nhiều địa phương học hỏi: nhỏ, chậm, chắc, và sâu.