Cũng theo ông, sự trỗi dậy mạnh mẽ của du lịch Việt Nam là kết quả tổng hòa từ nhiều yếu tố: từ chính sách thị thực linh hoạt, mở rộng đường bay quốc tế, đến sự gia tăng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu và nhu cầu du lịch mang tính trải nghiệm cao.
Nửa đầu năm 2025, Việt Nam đã chào đón 10,7 triệu lượt khách quốc tế, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước và cao hơn 26% so với năm 2019, thời điểm trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Đáng chú ý, con số này đã tiệm cận mốc 50% mục tiêu đón 22 - 23 triệu lượt khách quốc tế trong cả năm nay, cho thấy đà tăng trưởng mạnh mẽ và ổn định.
Không dừng lại ở đó, du lịch nội địa cũng bùng nổ với 77,5 triệu lượt khách trong 6 tháng đầu năm, tăng 16,5% so với cùng kỳ 2024. Dự kiến, Việt Nam sẽ cán mốc 120 triệu lượt khách nội địa trong năm nay, vượt xa mức kỷ lục 110 triệu lượt của năm 2019. Điều này minh chứng cho sức bật nội sinh của thị trường và sự hồi phục toàn diện của ngành.
Đáng chú ý, Việt Nam hiện là điểm đến có tốc độ phục hồi du lịch mạnh nhất khu vực Đông Nam Á, với mức phục hồi đạt 98% so với năm 2019, cao hơn hẳn Thái Lan (87,5%) và Singapore (86%). Trong năm 2024, Việt Nam xếp thứ ba về lượng khách quốc tế trong khu vực, chỉ sau Thái Lan (35 triệu) và Malaysia (25 triệu), với mức tăng gần 40% so với 2023. Tất cả những số liệu này khẳng định Việt Nam không còn là "ngôi sao đang lên" mà thực sự đã là một cường quốc du lịch mới nổi tại châu Á.
Chia sẻ trong cuộc trò chuyện với báo chí, ông Vivek Bhalla - Giám đốc Điều hành khu vực Đông Nam Á & Hàn Quốc của IHG Hotels & Resorts nhận định rằng sự trỗi dậy mạnh mẽ của du lịch Việt Nam là kết quả tổng hòa từ nhiều yếu tố: từ chính sách thị thực linh hoạt, mở rộng đường bay quốc tế, đến sự gia tăng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu và nhu cầu du lịch mang tính trải nghiệm cao.
" Việt Nam đang thu hút nhu cầu du lịch mạnh mẽ không chỉ từ các thị trường truyền thống như Trung Quốc và Hàn Quốc mà còn từ các thị trường xa như Mỹ, châu Âu, Ấn Độ, Úc… Trong đó, lượng khách Trung Quốc quay trở lại du lịch giải trí đã tăng 47%, chủ yếu tập trung tại Hà Nội và TP.HCM," ông Bhalla cho biết.
Theo ông, nhu cầu bay đến Việt Nam được thúc đẩy bởi hàng loạt tuyến bay mới kết nối trực tiếp với Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Singapore, Hoa Kỳ… Những thay đổi này không chỉ giúp Việt Nam tăng cường sức hút trên bản đồ du lịch toàn cầu mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho du lịch dài ngày, hiện đã tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái.
Với vai trò là một trong những tập đoàn khách sạn lớn trên thế giới, IHG Hotels & Resorts đã có mặt tại Việt Nam từ năm 2007, khởi đầu với InterContinental Hanoi West Lake. Đến nay, tập đoàn đã vận hành 20 khách sạn trên cả nước và đang trong quá trình phát triển thêm 22 khách sạn mới, nâng tổng số thương hiệu hiện diện tại Việt Nam lên con số 8.
" Chúng tôi đã ra mắt các thương hiệu cao cấp như Vignette Collection ở Hội An, Hotel Indigo tại TP.HCM, và gần đây nhất là khu nghỉ dưỡng InterContinental Halong Bay Resort & Branded Residences - một dự án tọa lạc tại Vịnh Hạ Long, " ông Bhalla chia sẻ.
Hiện IHG đã có mặt tại 11 điểm đến lớn: Hà Nội, Vĩnh Yên, Quảng Bình, Đà Nẵng, Hội An, Nha Trang, Hồ Tràm, TP.HCM, Côn Đảo, Phú Quốc và Hạ Long. Trong đó, voco Quảng Bình là khu resort voco đầu tiên trên toàn cầu, đánh dấu bước tiến quan trọng trong chiến lược toàn cầu hóa thương hiệu tại các thị trường mới nổi.
voco Quảng Bình Resort
Theo ông Bhalla, điều làm nên sự khác biệt của IHG không chỉ nằm ở tốc độ mở rộng mà còn ở chiến lược đầu tư bền vững vào con người và cộng đồng địa phương. " Từ năm 2022, chúng tôi đã thiết lập đội ngũ vận hành ngay tại Việt Nam. Hiện chúng tôi có hơn 3.500 nhân sự và dự kiến tuyển thêm 1.000 người trong năm nay."
Những nhân sự mới sẽ được tiếp cận các chương trình đào tạo quốc tế, bao gồm hệ thống học trực tuyến IHG University, chương trình "Hành trình trở thành Tổng quản lý" và nhiều chương trình phát triển nghề nghiệp khác. Đáng chú ý, hơn 50 tổ chức phi lợi nhuận tại Việt Nam đã trở thành đối tác của IHG trong các hoạt động cộng đồng – tiêu biểu như Blue Dragon Children's Foundation và VietHarvest.
Phát triển bền vững là một trụ cột trong chiến lược của IHG. " Chúng tôi áp dụng chuẩn mực tiết kiệm năng lượng ngay từ khâu thiết kế, sử dụng nước hiệu quả, hệ thống chiếu sáng thông minh, quy trình mua sắm thân thiện với môi trường, ưu tiên nguồn cung ứng địa phương. Đây không chỉ là xu hướng – mà là cam kết lâu dài", ông Bhalla nói.
IHG cũng tích cực giảm thiểu khí thải carbon, yếu tố đang được yêu cầu ngày càng nhiều bởi khách hàng doanh nghiệp lớn. Toàn bộ các hoạt động này được đặt trong khuôn khổ chương trình "Journey to Tomorrow" của tập đoàn, thể hiện trách nhiệm với cộng đồng và môi trường sống bền vững.
Không chỉ phát triển về quy mô, IHG còn chú trọng vào việc mang đến những trải nghiệm đặc trưng bản địa tại từng điểm đến. " Tại InterContinental Danang, chúng tôi tổ chức các chuyến tham quan rừng nhiệt đới bán đảo Sơn Trà cho cả người lớn lẫn trẻ em. Tại Hạ Long, du khách có thể khám phá vịnh biển, văn hóa địa phương, ẩm thực hải sản…"
Sắp tới, voco Scenia Bay Nha Trang và một khách sạn mới tại Quận 1 (TP.HCM) được định vị trong phân khúc sang trọng & phong cách sống sẽ là hai điểm đến mới góp phần mở rộng danh mục sản phẩm cao cấp của IHG tại thị trường Việt Nam.
Khu nghỉ dưỡng InterContinental Halong Bay Resort & Branded Residences
Đáng chú ý, trong cuộc trò chuyện, khi chia sẻ về định hướng của IHG tại TP.HCM, đặc biệt sau khi thành phố được mở rộng sáp nhập địa giới hành chính, ông Bhalla nhìn nhận đây là cơ hội để tái định vị thành phố như một trung tâm "blended travel" (kết hợp công tác – nghỉ dưỡng) hàng đầu trong khu vực.
" TP.HCM có lợi thế lớn khi hội tụ đa dạng công năng – từ nhà máy, văn phòng đến bãi biển và trải nghiệm văn hóa – phù hợp với xu hướng khách hàng hiện đại," ông nói. Cùng với hạ tầng giao thông ngày càng hoàn thiện, việc quảng bá điểm đến hiệu quả sẽ giúp thành phố cạnh tranh tốt hơn với các đô thị như Bangkok, Kuala Lumpur hay Jakarta.
Ở khía cạnh vĩ mô, theo ông Bhalla, chìa khóa để du lịch Việt Nam tiếp tục duy trì đà tăng trưởng là đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng đặc biệt là giao thông và hàng không. " Việc hoàn thiện sân bay Long Thành, mở rộng các sân bay hiện hữu, và tăng số lượng đường bay quốc tế – đặc biệt với các thị trường như Ấn Độ và Trung Quốc sẽ mở ra đòn bẩy lớn."
Ông cũng nhấn mạnh vai trò của chính sách visa và khả năng phối hợp giữa Chính phủ - địa phương - doanh nghiệp trong việc thúc đẩy mô hình phát triển bền vững, từ đó tạo ra một hệ sinh thái du lịch toàn diện, bền vững và có chiều sâu.
Khép lại cuộc trò chuyện, ông Vivek Bhalla chia sẻ đầy lạc quan: " Việt Nam đã, đang và sẽ là một trong những thị trường chiến lược của IHG trong khu vực. Với nền tảng phát triển mạnh mẽ, tầm nhìn du lịch quốc gia rõ ràng và dân số trẻ, có học vấn, Việt Nam có mọi điều kiện để trở thành điểm đến đẳng cấp thế giới trong thập kỷ tới."