Đừng "nhìn mặt mà bắt hình dong", điều này đúng luôn với cả thế giới động vật. Bởi lẽ, có những sinh vật mang vẻ ngoài yếu đuối, dễ thương, nhưng đồng thời lại sở hữu một cơ chế tự vệ độc nhất vô nhị.
Mà xét trên một số góc độ, chúng còn có phần ghê rợn đến buồn nôn nữa.
1. Chuột sóc: Tự dâng đuôi để chạy, chẳng khác gì thằn lằn
Chuột sóc có tên khoa học là Gliridae, chủ yếu sống ở Châu Âu. Ngoài ra cũng có một số nhóm tồn tại ở châu Phi và châu Á.
Kích thước của chuột sóc khá nhỏ, chỉ từ 6-19cm. Nó có cái mặt của họ nhà chuột nhưng cái đuôi lông bông lại thuộc về nòi nhà sóc. Tuy nhiên, cái đuôi ấy đặc biệt hơn nhiều. Khi không may bị kẻ thù tóm, nó sẽ giơ đuôi ra. Kẻ thù tóm được đuôi và... ơ kìa, cái đuôi rụng mất, còn con chuột sóc cũng mất dạng.
Đó là cơ chế tự vệ hết sức đặc biệt của loài vật này: tự rụng đuôi. Cái đuôi sau đó cũng sẽ mọc lại, giống như loài thằn lằn vậy.
2. Chồn khoang: hơi độc "ngửi là ngất"
Chồn khoang (Mephitidae) còn được gọi bằng cái tên chồn hôi sọc. Chúng là một động vật có vú, chủ yếu sống ở Bắc và Nam Mỹ.
Ngoại hình chồn khoang nhỏ nhắn, đáng yêu đến nỗi nhìn thấy là muốn cưng nựng liền. Tuy nhiên, bạn sẽ phải đấu tranh tâm lý dữ dội nếu lỡ yêu và muốn có một chú chồn hôi sọc trong nhà. Bởi lẽ loài vật này khét tiếng với khả năng... chổng mông, phun hơi độc từ hai núm tuyến hậu môn.
Tín hiệu cảnh báo trước khi "xả" là hạ thấp chân xuống và dựng đuôi lên. Nếu kẻ thù đã thấy vậy rồi mà vẫn còn "nhờn", chúng sẽ lãnh trọn một luồng hơi độc nặng mùi hôi hám vào mặt, đủ để rơi vào trạng thái bất tỉnh nhân sự.
3. Vượn gấu: gồng xương cổ làm vũ khí
Vượn gấu (Perodicticus potto) thuộc họ Cu li (Lorisidae), bộ Linh trưởng, có cơ thể dài khoảng 30-39cm. Chúng khá đáng yêu nhờ sở hữu đôi mắt cực kỳ to tròn, ngơ ngác, và dáng vẻ chậm chạp như chẳng có gì mà phải vội.
Tuy nhiên, đằng sau khuôn mặt hết sức ngây thơ ấy lại là một kỹ năng phòng thủ kinh dị vô cùng. Cổ của culi có 4-6 nốt sần, và ẩn dưới những nốt sần ấy là những đốt sống cổ dài và nhọn. Mỗi khi phải đối mặt với nguy hiểm, cu li sẽ ghìm mặt xuống sát ngực, dựng các xương sống cổ lên như dãy chông rồi húc thẳng vào người kẻ thù.
4. Hải âu Fulmar: Đừng nhờn kẻo ăn một bãi nôn
Hải âu Fulmar (Fulmarus) có bề ngoài na ná mòng biển, nhưng sống mũi và lông cánh thì không giống nhau cho lắm nên khá dễ phân biệt. Chúng sống rất dai, khoảng 40 năm, thường đẻ trứng trên vách đá cao.
Chim hải âu Fulmar con nhìn rất dễ thương, y hệt như một cục bông mềm mại. Chỉ có điều "cục bông" này không dễ đụng chạm chút nào. Nó sở hữu một chiêu phòng thân hơi bị... bẩn. đó là phun thẳng vào mặt kẻ khác một bãi nôn bốc mùi cực kỳ tởm lợm.
Bãi nôn ấy thực chất là một loại dung dịch giàu dinh dưỡng, được hải âu Fulmar sử dụng làm thức ăn cho con non, hoặc là nguồn nhiên liệu cho cá thể trưởng thành khi phải di chuyển trên quãng đường dài. Nhưng khổ nỗi, nó lại có mùi cá chết, khiến cho kẻ thù khi ngửi phải chỉ còn nước cao chạy xa bay.
5. Chim đầu rìu con: bom phân
Chim đầu rìu (Upupa) là một loài lông vũ xinh đẹp trong tự nhiên. Chúng khá phổ biến, thường xuyên được thấy ở Châu Phi-Âu-Á.
Chúng thường làm tổ trong hốc cây hoặc khe tường có lối vào hẹp. Nhìn bề ngoài, tổ của chúng có vẻ là "bàn tiệc" lý tưởng cho họ nhà rắn. Tuy nhiên, con rắn nào cũng vừa hấp hửng bò vào đã lập tức kinh hãi thoái lui với một bãi uế trên đầu.
Chim đầu rìu con, nếu cảm thấy nguy hiểm, sẽ không ngần ngại phóng ngay một bãi phân vào mặt kẻ xâm nhập.
6. Bạch tuộc biến hình: Giả dạng như thần
Bạch tuộc biến hình (Thaumoctopus mimicus) còn được gọi là bạch tuộc bắt chước. Chúng khá phổ biến ở ngoài khơi Indonesia và Rạn san hô Great Barrier (Úc).
Bạch tuộc biến hình đích thực là loại yếu thể chất nhưng khôn lanh cái đầu. Nó đánh giá tình hình cực kỳ mau lẹ, nhận ra ngay nguy cơ và biết phải giả dạng thành loài đáng sợ nào thì mới dễ dàng thoát nạn nhất.
Các nguyên mẫu hay được bạch tuộc biến hình lựa chọn là rắn biển, cá mao tiên, cá thân bẹt, vì những loài này đều có độc.
Tham khảo: Ranker