Những đứa trẻ thích nói 3 câu này thường có EQ thấp khi lớn lên

Nguyệt, Theo Phụ nữ số 10:00 20/05/2024

Tuyệt đối không nuông chiều trẻ nếu bạn muốn nuôi dưỡng đứa trẻ có EQ cao.

Chỉ số trí tuệ cảm xúc (EQ) ảnh hưởng trực tiếp đến sự tự đánh giá của trẻ và cách con tương tác với thế giới bên ngoài. Ở góc độ nhỏ, nó liên quan đến mô hình giao tiếp giữa cha mẹ và con cái; ở góc độ lớn, nó ảnh hưởng đến cuộc sống của trẻ về lâu dài.

IQ là chỉ số được hình thành bẩm sinh; trong khi EQ lại bị ảnh hưởng rất nhiều bởi sự nuôi dưỡng. Trẻ EQ thấp có thể được nhận biết chỉ qua vài câu nói. Và nếu một đứa trẻ dù có EQ thấp thì chúng vẫn có thể cải thiện được, miễn là cha mẹ và con cái cùng đồng hành đúng cách.

Dưới đây là 3 câu nói phổ biến của trẻ EQ thấp, cha mẹ có thể theo dõi, từ đó tự đánh giá con cái và đưa ra cách giáo dục định hướng kịp thời.

Những đứa trẻ thích nói 3 câu này thường có EQ thấp khi lớn lên - Ảnh 1.

Những đứa trẻ EQ thấp khi lớn lên thường khó kiểm soát cảm xúc và đạt được thành công trong công việc và cuộc sống (Ảnh minh hoạ)

3 câu nói phổ biến của trẻ EQ thấp

1/ "Con không muốn, mọi người phải nghe con"

Những đứa trẻ nghịch ngợm và phá bĩnh thường thích nằm lăn lộn trên sàn nhà, hét lên với những người xung quanh đòi thỏa hiệp cho sở thích cá nhân của chúng. Tiếp đó, khi người lớn muốn khiển trách đứa trẻ, nhưng vì thương con nên lại chuyển sang nuông chiều sở thích của chúng.

Sâu bên trong, trẻ có hành vi này là do không thể kiểm soát tốt cảm xúc của mình. Khi gặp phải điều gì đó không đúng với mong đợi, chúng sẽ đánh mất sự bình tĩnh và lý trí, trở nên cáu kính, thậm chí bộc lộ qua ngôn ngữ cơ thể như khóc lóc, mắng chửi người xung quanh.

Về lâu dài, những đứa trẻ không biết kiểm soát tốt cảm xúc của mình sẽ bị người xung quanh xa lánh, khó khăn để tìm chỗ đứng trong xã hội.

2/ "Con sợ, con không thể"

Mẹ của Tiểu Dương gần đây rất lo lắng. Nguyên nhân là bởi con của cô đã trở thành đứa trẻ nhút nhát. Tiểu Dương mới chỉ 3 tuổi và vẫn sợ ra ngoài cùng mọi người, thậm chí không dám phản kháng lại khi bị bắt nạt. Trong một vài trường hợp, khi được cha mẹ giao thực hiện một số nhiệm vụ nhỏ nhặt thì thay vì tìm cách giải quyết, Tiểu Dương liền đáp ngay: "Con không thể làm được. Con sợ lắm".

Những đứa trẻ EQ thấp và nhút nhát thường ít nói, nhạy cảm, sợ rủi ro. Chúng chỉ thích sống trong môi trường quen thuộc và khó chấp nhận những điều mới mẻ. Mối quan hệ giữa các cá nhân và trách nhiệm trở thành áp lực và khó khăn với những đứa trẻ nhút nhát. Về lâu dài, con khó đạt được thành tựu lớn, dần ít chia sẻ nhu cầu cá nhân bởi loại tính cách này.

Những đứa trẻ thích nói 3 câu này thường có EQ thấp khi lớn lên - Ảnh 2.

Trẻ EQ thấp sợ hãi khi nghe nhắc đến 2 từ "trách nhiệm" (Ảnh minh hoạ)

3/ "Lỗi của nó là khiến con không vui"

Ở trường mẫu giáo, bạn có thể bắt gặp những đứa trẻ bắt nạt bạn học. Sau đó, khi giáo viên và phụ huynh hỏi thăm, cô cậu nhóc đó lại quay sang đổ lỗi cho nạn nhân: "Lỗi của nó là khiến con không vui".

Những đứa trẻ này là điển hình của việc coi bản thân là trung tâm vũ trụ, thích đổ lỗi cho người khác. Bên cạnh đó, trẻ chỉ thích tập trung vào vấn đề của riêng mình, thiếu khả năng đồng cảm với đối phương.

Sự đồng cảm là nền tảng của trí tuệ cảm xúc cao. Nếu trẻ có thể hiểu được cảm xúc của người khác, thậm chí dự đoán được người khác sẽ phản ứng như thế nào thì con mới có thể điều chỉnh lời nói, hành động của mình kịp thời, nhờ đó đưa ra cách xử lý phù hợp và có lợi cho bản thân.

Làm sao để nuôi dạy đứa trẻ EQ cao?

Chuyên gia chỉ ra rằng, trí tuệ cảm xúc thực chất là khả năng hiểu và kiểm soát cảm xúc của chính mình, cũng như nhận thức được cảm xúc của người khác. EQ cao là kết quả của khả năng rèn luyện, không phải đến từ thiên bẩm. Điều quan trọng để hình thành một đứa trẻ EQ cao từ nhỏ là cha mẹ định hướng giáo dục con đúng cách.

Nếu nhận thấy con bạn EQ thấp, đừng bỏ qua 3 cách làm dưới đây giúp cải thiện trí tuệ cảm xúc của con.

- Khi nuôi dạy con, hãy lấy cha mẹ làm gương

Thời điểm xung đột xảy ra, cha mẹ không kiềm chế được cảm xúc của mình, trở nên tức giận và nóng nảy. Vậy làm thế nào để đứa trẻ nhìn vào bạn, noi gương cha mẹ để có thể hành xử thông minh với trí tuệ cảm xúc cao?

Nói cách khác, trong quá trình nuôi dạy đứa trẻ, cha mẹ cần là những tấm gương tốt. Bởi mọi hành động, cử chỉ, lời nói của bạn đều được con quan sát và bắt chước cẩn thận. Hãy nhớ rằng, cha mẹ có EQ cao thì sẽ rèn luyện nên những đứa trẻ có trí tuệ cảm xúc cao và ngược lại.

Những đứa trẻ thích nói 3 câu này thường có EQ thấp khi lớn lên - Ảnh 3.

Đừng nuông chiều con cái nếu bạn muốn dạy dỗ nên một đứa trẻ EQ cao (Ảnh minh hoạ)

- Giúp con hiểu được cảm xúc từ sâu bên trong

Đây cũng là bước đầu tiên và cơ bản để con nâng dần chỉ số EQ. Chẳng hạn khi con cười, cha mẹ hãy giải thích cho trẻ rằng con đang hạnh phúc. Điều này giúp con liên kết được tiếng cười với cảm xúc hân hoan,...

Trong cuộc sống hàng ngày, cha mẹ hãy cùng con đọc một số truyện tranh về cảm xúc và tìm hiểu những cung bậc khác nhau như buồn, thất vọng, giận dữ, phấn khích... Song song với đó, bạn hãy cho con tham gia những thử thách mà tại đó, trẻ cần bộc lộ cảm xúc và cách xử lý dựa trên những cung bậc đó. Đồng thời, bạn hãy thử dạy trẻ phân biệt cảm xúc của mình và đặt trường hợp con sẽ phản ứng như thế nào trước những cảm xúc của người khác.

- Hướng dẫn trẻ quản lý tốt cảm xúc là chìa khóa nâng cao EQ

Khi con khóc hoặc quấy khóc, cha mẹ không thể ép trẻ kìm nén. Nếu những cảm xúc tiêu cực này không được bộc lộ, trẻ sẽ chỉ phản ánh chúng một cách mãnh liệt hơn.

Do đó, khi trẻ có phản ứng dù tích cực (như vui cười) hay tiêu cực (chẳng hạn quấy khóc),... cha mẹ cần dạy con chấp nhận cảm xúc của mình và ở bên con. Sau đó, bạn chỉ nên can thiệp khi cảm xúc của con dịu đi đôi chút, bằng cách cho con thấy cha mẹ thông cảm với cảm xúc của trẻ và dạy con cách hành xử khi rơi vào trạng thái mất kiểm soát cảm xúc.

Cuối cùng, sau khi trẻ đã hoàn toàn bình tĩnh lại, cha mẹ có thể cùng trẻ xem lại quá trình đó để xem liệu có cách nào tốt hơn để diễn đạt cảm xúc và cách giải quyết những vấn đề như vậy trong tương lai.

Nguồn: 163.com

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày