Mới đây, hình ảnh về những hộp cơm với lời nhắn nhủ yêu thương nhưng không kém phần lầy lội đã thu hút không ít sự chú ý của cộng đồng mạng. Được biết, đây là những suất cơm của quỹ Sài Gòn Thương và được trao đến tay những người có hoàn cảnh khó khăn và bệnh nhân tại Bệnh viện dã chiến số 7.
Những hộp cơm chữ gây bão mạng xã hội trong những ngày qua
Bên trên những hộp cơm được đóng gói cẩn thận là những lời nhắn nhủ yêu thương nhưng cũng không kém phần hài hước như “Cơm ngon như người yêu cũ”, “Cơm này cơm nghĩa, cơm tình - Ăn vào một miếng là mình lấy nhau”, “Chả mực ăn hết bực”, “Cơm này đi khắp muôn nơi - Ai mà nhận được cả đời thương tôi” cùng nhiều lời nhắn thú vị khác.
Loạt lời chúc dí dỏm, duyên dáng trên các hộp cơm nhận được nhiều phản hồi tích cực từ phía cộng đồng mạng
Trên bài đăng tại facebook cá nhân của mình, anh Phạm Phúc Lợi (Kiếng Cận) - một thành viên của quỹ Sài Gòn Thương cho biết sẽ cố gắng viết thêm những điều dễ thương và ý nghĩa nhất đến những người cần sự chia sẻ bởi anh thấu hiểu được giá trị của tinh thần lạc quan trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay.
Hộp cơm chữ cưng xỉu như vậy ai mà nỡ ăn!
Những lời nhắn nhủ chân thành nhưng không kém phần hài hước của các thầy cô trong quỹ Sài Gòn Thương đã khiến nhiều người không khỏi xúc động. Bên cạnh đó, cộng đồng mạng cũng đã dành nhiều lời khen và cho rằng hành động này đã giúp lan truyền sự tích cực và lan tỏa tình yêu thương, sự tử tế trong mùa dịch.
“Thấy cưng ghê!”
“Dễ thương quá mọi người ơi”
“Chân thành rồi sẽ gặp chân thành. Chúc thầy cô nhiều sức khỏe và bình an để tiếp tục cống hiến những điều ý nghĩa cho đời.”
“Tuyệt vời và ý nghĩa. Chúc thầy cô trong bếp thiện nguyện thật nhiều sức khỏe để mang lại những suất cơm ngon tuyệt vời.”
Các thành viên trong căn bếp tình thương và quỹ Sài Gòn Thương
Quỹ Sài Gòn Thương và chiến dịch “bếp yêu thương” là tâm huyết của tập thể các giảng viên thuộc khoa Du lịch và Việt Nam học thuộc trường Đại học Nguyễn Tất Thành, mà cô phó khoa Phan Thị Ngàn khởi xướng.
Được biết, ban đầu quỹ này được lập ra nhằm hỗ trợ và giúp đỡ các sinh viên gặp khó khăn vì dịch nhưng hiện chuyển đối tượng phục vụ sang các lực lượng tuyến đầu chống dịch cùng các bệnh nhân Covid-19 tại bệnh viện dã chiến số 7.
Thầy giáo Lợi tranh thủ từng phút nghỉ ngơi để có thể tạo nên những hộp cơm chữ ấn tượng
Với quan niệm “của cho không bằng cách đem cho”, anh chàng nhiếp ảnh gia Kiếng Cận đã nảy ra ý tưởng “hộp cơm chữ” nhằm giúp lan tỏa tinh thần yêu thương và sự tích cực đến với nhiều người hơn.
Sau khi bận rộn nấu nướng và giảng dạy, anh dành ra 45 phút nghỉ trưa để tỉ mẩn viết từng câu chúc dí dỏm, dễ thương lên từng hộp cơm. “Tôi hi vọng rằng những câu chúc này sẽ mang đến nhiều giá trị tinh thần dành các bệnh nhân và những người ở tuyến đầu chống dịch”, anh chia sẻ.
Ban đầu anh chỉ viết những câu chúc hài hước, dí dỏm đôi lúc có phần “lém lỉnh” nhưng dần dần anh bắt đầu gửi gắm nhiều thông điệp ý nghĩa như “cơm ngon không chua không chát, ăn cơm rồi nhớ để rác đúng nơi!” giúp tăng ý thức vì cộng đồng. Những “hộp cơm chữ” của anh và các thầy cô không chỉ giúp người nhận “no cái bụng” mà còn tạo ra những giá trị tinh thần, sự lạc quan để có thể đánh bại được dịch bệnh.
Liên tục trong vòng 2 tháng qua, gian bếp của Sài Gòn Thương đã hoạt động liên tục và không ngừng nghỉ với hàng trăm suất cơm được trao đi mỗi ngày. Với quân số chỉ có 10 người và đa số là các thầy cô trong khoa cùng người thân, gian bếp này cũng đã gặp không ít khó khăn. Từ những người chỉ quen cầm bút, cầm phấn hay hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, sáng tạo, các thầy cô giờ đây lại trở thành những đầu bếp chính nhưng vẫn phải đảm bảo được công việc dạy học của mình.
Có những thầy, cô buộc phải xa gia đình mình trong suốt 2 tháng qua để có thể đứng bếp. Vượt qua những cơn đau mỏi, “tai nạn” trong quá trình nấu nướng và chuẩn bị, các thành viên trong gian bếp vẫn cố gắng hỗ trợ nhau:“Có những lúc chúng tôi muốn dừng lại nhưng khi nhận được sự ủng hộ và san sẻ từ phía cộng đồng, chúng tôi lại tiếp tục nổi lửa và nối tiếp những suất cơm tình thương”.
Hộp cơm chữ và căn bếp yêu thương của các thầy cô giúp lan tỏa những điều tích cực trong thời điểm dịch bệnh
Không chỉ góp người, góp sức, các thầy cô còn tự bỏ tiền túi của mình để có thể duy trì hoạt động của căn bếp yêu thương trong thời gian đầu. Tuy nhiên, “may mắn là hiện đã có nhiều mạnh thường quân cùng chung tay góp sức giúp anh, em phần nào bớt đi những khó khăn, nhọc nhằn”, anh Kiếng Cận cảm kích.
Không chỉ vậy, những thành viên trong căn bếp yêu thương cũng nhận được nhiều cảm tình từ phía những người nhận được “hộp cơm chữ”. Nhiều bệnh nhân tỏ ra thích thú với các lời nhắn nhủ và gửi lời cảm ơn đến các thành viên. Thậm chí, các bác sĩ ở bệnh viện dã chiến số 7 còn khuyến khích và động viên mọi người tiếp tục lan tỏa những giá trị tích cực đến cộng đồng.
Các suất cơm chữ mang lại giá trị tinh thần, sự động viên vô cùng to lớn cho người nhận
Mặc dù giúp lan tỏa được sự tích cực cũng như những giá trị tinh thần lớn lao trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp nhưng anh Kiếng Cận vẫn khiêm tốn rằng “ở đây chúng tôi chỉ lan tỏa được những điều tích cực nhỏ bé trong khi xã hội có nhiều người làm nhiều điều vĩ đại hơn”.
Với Kiếng Cận, điều anh cảm thấy hạnh phúc nhất là giá trị thiện nguyện được nhân rộng và lan tỏa. “Nếu chúng ta chưa đủ mạnh mẽ để đấu tranh với cái tiêu cực thì chúng ta hãy tạo ra những điều tích cực và lan tỏa chúng để mảnh đất tích cực ngày càng màu mỡ hơn trong cộng đồng”.