Những điểm sáng hiếm hoi giữa bức tranh Covid-19 ảm đạm trên toàn cầu

Phạm Hà, Theo VOV 22:52 10/08/2020

Thế giới hôm nay (10/8) ghi nhận hơn 20 triệu ca mắc Covid-19 với hơn 733. 600 ca tử vong.

Trong bức tranh Covid-19 ảm đạm trên toàn cầu vẫn có những điểm sáng hiếm hoi về hình mẫu thành công đánh bại Covid-19, là ngọn hải đăng cho nhiều quốc gia vẫn đang chật vật đối phó với làn sóng lây nhiễm thứ hai, thứ ba, thậm chí chưa kiểm soát được làn sóng lây nhiễm thứ nhất.

New Zealand hôm qua (9/8) đánh dấu 100 ngày không có ca lây nhiễm trong nước và cuộc sống gần như đã trở lại bình thường với 5 triệu dân tại quốc đảo này. Giờ đây, người dân New Zealand có thể đến các quán bar, nhà hàng hoặc tham gia các sự kiện thể thao và văn hóa.

Những điểm sáng hiếm hoi giữa bức tranh Covid-19 ảm đạm trên toàn cầu - Ảnh 1.

Khách hàng tại một quán cà phê ở Christchurch, New Zealand, hôm 9/8. Ảnh: AP.

Gọi đây là một dấu mốc đặc biệt nhưng Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern vẫn cảnh báo người dân không nên chủ quan trước nguy cơ làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ hai: “100 ngày là một cột mốc quan trọng nhưng cũng phải nói rằng chúng ta không nên chủ quan. Khó có quốc gia nào đạt được kết quả như của New Zealand hiện nay và có thể tiếp tục duy trì nó. Điều này sẽ là một lời nhắc nhở chúng ta cần phải tiếp tục nâng cao cảnh giác”.

Mặc dù hiện tại Covid-19 chưa bị đánh bại hoàn toàn tại Hàn Quốc song quốc gia châu Á này cũng là một điểm sáng khác trong chiến lược đối phó hiệu quả với Covid-19. Vốn từng là tâm dịch của thế giới, Hàn Quốc nổi lên là một hình mẫu thành công của thế giới trong việc kiểm soát làn sóng lây nhiễm thứ nhất.

Tuy nhiên, Hàn Quốc lại tiếp tục đối mặt với làn sóng dịch bệnh quay trở lại vào tháng 5 vừa qua, với các chùm lây nhiễm mới xuất phát từ một câu lạc bộ ban đêm. Sau những nỗ lực quyết liệt, hiện số ca mắc Covid-19 tại quốc gia này ở mức dưới 30 ca một ngày, cho thấy chiến lược làm phẳng đường cong dịch bệnh hiệu quả của Hàn Quốc.

Đánh giá về những chiến lược đánh bại Covid-19, nhiều chuyên gia nhận định khả năng lãnh đạo chính trị tốt và áp dụng khoa học công nghệ đã tạo nên sự khác biệt trong cuộc chiến chống dịch bệnh ở những quốc gia này.

Với phương châm “càng mạnh tay càng sớm đẩy lùi dịch bệnh”, Thủ tướng New Zealand ngay từ đầu đã theo đuổi chính sách quyết liệt nhằm “xóa sổ” virus SARS-CoV-2 hơn là chỉ ngăn chặn tốc độ lây lan của dịch bệnh như thiết lập tình trạng khẩn cấp, tăng cường kiểm soát biên giới...

Trong khi đó, Hàn Quốc mặc dù cho phép phần lớn người dân tiếp tục cuộc sống và làm việc bình thường nhưng lại quyết liệt tập trung xử lý các điểm nóng dịch. Ví dụ từ một ổ dịch ban đêm tại Seoul, chỉ trong một thời gian ngắn, hàng nghìn F1, F2 và F3… đã được khoanh vùng, cách ly, điều tra dịch tễ và xét nghiệm.

Có được những kết quả này cũng một phần nhờ vào các ứng dụng khoa học tiên tiến trong cuộc chiến chống Covid-19. Việc New Zealand sử dụng ứng dụng công nghệ trên điện thoại thông minh có tên là "NZ Covid-19 Tracer" nhằm truy dấu các trường hợp lây nhiễm virus đã phát huy hiệu quả rõ rệt, cho phép người dùng có thể tự báo cáo khi xuất hiện các triệu chứng của bệnh để sớm được xét nghiệm.

Hàn Quốc đã thực hiện hàng loạt các ứng dụng, thiết bị giám sát để truy vết các tiếp xúc. Máy quay giám sát rất phổ biến và được lắp đặt ở gần như tất cả các tuyến phố cũng như nơi làm việc tại Hàn Quốc. Nhờ vậy mà so với những quốc gia khác, Hàn Quốc có tỷ lệ ca mắc không biết rõ nguồn lây thấp nhất thế giới, chỉ đạt mức 8%.

Còn nhiều lý do góp phần cho câu chuyện thành công của New Zealand hay Hàn Quốc như New Zealand có dân số ít, thưa thớt hay Hàn Quốc các ca nhiễm chủ yếu tập trung thành chùm, cụm nên khả năng khoanh vùng và dập dịch hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, trong bối cảnh diễn biến dịch Covid-19 trên toàn cầu vẫn hết sức phức tạp, chiến lược chống dịch quyết liệt và hiệu quả của các quốc gia này có thể coi là bài học quý cho các nước trong cuộc chiến ngăn chặn "vòi bạch tuộc" của virus SARS-CoV-2./.