Thuỵ Ân (28 tuổi) đã rút tài khoản tiết kiệm, không cần vay nợ để xây nhà cho bố mẹ. Thuỵ Ân đã chi 1,3 tỷ đồng xây căn nhà 2 tầng trên mảnh đất 90m2 của bố mẹ.
Cô bạn chia sẻ rằng nhà trước khá cũ bị tràn nước và bố mẹ cũng đã lớn tuổi, do vậy, Thuỵ Ân đã dồn sức cũng như tiền bạc để xây nhà mới, bố mẹ mùa mưa không còn lo dột ướt. Được biết đây là khoản tiền tích lũy được sau 3 năm làm hướng dẫn viên du lịch của Thuỵ Ân.
Thuỵ Ân
Trong khi nhiều người cho rằng vay nợ sẽ tạo động lực hơn khi mua nhà, Thuỵ Ân lại cho rằng điều này không phù hợp với bản thân ở thời điểm hiện tại. “Mình làm công việc khá bấp bênh về thu nhập, đặc biệt sau Covid, đó là hướng dẫn viên du lịch, cho đến hiện tại nghề của mình vẫn chưa đi vào hoạt động ổn định. Hơn nữa, mình vẫn đang loay hoay tìm hướng đi mới, công việc mới. Do vậy, vào thời điểm này, vay vốn để làm nhà với mình đó chính là áp lực vì không đủ khả năng chi trả tiền gốc lẫn lãi cho ngân hàng hàng tháng. Nếu nguồn thu nhập được như trước đây, mình mới đủ tự tin để vay, lúc đó thì đúng là sẽ có nhiều động lực kiếm tiền hơn”.
Bên cạnh đó, bí kíp để Thuỵ Ân có thể xây nhà khi còn trẻ như vậy là vì cô bạn luôn dành 70% số tiền kiếm được để tiết kiệm, 30% còn lại cho việc chi tiêu các vấn đề lặt vặt cũng như phụ giúp thêm sinh hoạt phí cho gia đình.
“Nói là tiết kiệm nhiều vậy nhưng mình vẫn có khoản tiền dành riêng để "tự thưởng" cho bản thân. Mình rất thích đi du lịch để được biết thêm nhiều điều mới mẻ, vì vậy mình đặt ra mục tiêu mỗi năm trích ra một khoản để đi nước ngoài. Với mình đó như là phần thưởng, cũng là quãng thời gian mình tận hưởng sau những ngày làm việc có khi hơn 16 tiếng đồng hồ miệt mài cũng như để bản thân được trau dồi thêm nhiều điều mới mẻ về những nơi mình đã đến. Mình nghĩ phải có những khoảng thời gian "xả hơi", tích luỹ mới có ý nghĩa”, quan điểm của Thuỵ Ân trong câu chuyện tích lũy tiền bạc.
Căn nhà của Thuỵ Ân
Sau 8 năm cố gắng, làm nhiều công việc, Lý (29 tuổi) cuối cùng cũng đã dành dụm mua được cho mình 1 căn hộ 65m2, giá 2 tỷ 230 triệu đồng ở TP Hồ Chí Minh. Khi mua căn nhà này, cô bạn 29 tuổi được người thân hỗ trợ 1 ít, còn lại vay người quen tầm 300 triệu đồng. Chủ yếu toàn bộ số tiền đều tự cô bạn làm ra từ công việc chính, làm thêm.
Lý
Lý đã tự lập từ sớm, ngày trước cũng đi ở trọ nhiều nơi nên cô bạn hiểu được đi thuê mãi bất tiện như thế nào, và có nhà riêng sẽ thoải mái thuận tiện ra sao. Do vậy, từ năm 21 tuổi, Lý đã có ước mơ mua nhà. Cô bạn tập trung học hành, kiếm tiền, tìm thêm cách để "tiền đẻ ra tiền".
“Đành rằng nó cực, nhưng mình nghĩ đến sẽ có 1 ngôi nhà lại cảm thấy vui hơn. Có lúc bận nhất, mình làm 3 công việc cùng 1 lúc. Đi làm công ty trong giờ hành chính, tối về mở lớp dạy tiếng Anh đến 9 giờ, cuối tuần cũng dạy thêm, và làm công việc tự do như sáng tác cho các bạn nghệ sĩ trẻ,...”, Lý chia sẻ.
Căn nhà ấm cúng của Lý
Bên cạnh đó, để có nền tảng tài chính vững vàng đủ để mua nhà, Lý cho rằng những người trẻ nên học về bộ môn quản lý tài chính. “Càng thực hiện được kỹ năng này càng sớm, thì các bạn sẽ có thể tiết kiệm được khoản tiền mong muốn”.
Như Ngọc (sinh năm 1989) sau 8 năm nỗ lực, vào năm 30 tuổi khi đã có 1,7 tỷ đồng trong tay, cô quyết định mua nhà. Căn nhà của Ngọc rộng 60m2, không quá xa công ty và có giá bán phù hợp với tình hình tài chính. Sau khi mua và cải tạo hết gần 2 tỷ, vay ngân hàng 200 triệu, còn lại thì vay người thân để mua những nội thất cần thiết trước.
Như Ngọc
Như Ngọc chia sẻ rằng khi còn ở trọ, giờ giấc sinh hoạt khá bất tiện, điều kiện ăn ở cũng không tốt vì cô bạn không muốn bỏ một khoản lớn để thuê căn hộ dịch vụ. Sau đó, cũng có vài lý do đột xuất mà mình phải chuyển trọ, lúc dọn đồ đi Như Ngọc cũng khá mệt mỏi. Cảm thấy lười chuyển trọ nên bắt đầu suy nghĩ đến lúc phải mua nhà. “Khi có trong tay gần 1,7 tỷ mà vẫn không có nổi một mảnh tình vắt vai, gần sinh nhật tuổi 30, mình tất tay quy hết tài sản về thành một tài khoản rồi mua nhà”.
Căn nhà của Như Ngọc
Về câu chuyện tại sao lại không dùng đòn bẩy khi mua 1 tài sản lớn như nhà cửa, Như Ngọc chia sẻ rằng: “Bản thân 1 mình xa quê lập nghiệp, mình luôn muốn phải thử xem giới hạn của bản thân đến đâu dù sẽ rất vất vả đối với một cô gái còn độc thân. Số tiền tiết kiệm cũng không có quy chuẩn, hay mức lương của nhân viên kinh doanh cũng không phải là con số cố định. Vốn dĩ khi có được số tiền đó mình đã trải qua nhiều sự liều lĩnh để đầu tư rồi, đến một lúc tự nhiên cảm thấy muốn “an toàn”, không muốn áp lực từ đầu tư và cả nợ nần dù đó là nợ ngân hàng”.
Ảnh: NVCC