Đôi khi, ta chỉ cho thức ăn vào mồm rồi thưởng thức mà chẳng hề mảy may quan tâm điều gì khác. Dù vậy, cuộc sống luôn ẩn chứa nhiều điều thú vị mà con người chưa thể nào khám phá hết, đặc biệt là trong thế giới đồ ăn thức uống.
Hôm nay, hãy cùng tiếp tục khai phá các bí mật mà nhiều loại thực phẩm quen thuộc còn giấu giếm chúng ta bấy lâu nay!
Wasabi là một thành viên thuộc họ Cải, có họ hàng với các loại cải ngồng, cải ngựa và cải dầu. Nó còn được gọi là "cải ngựa của Nhật Bản". Thông thường, phần rễ của wasabi được dùng làm gia vị và có vị cay cực mạnh. Tuy nhiên chúng thực sự rất khó trồng và có giá thành đắt, bảo quản được không lâu. Vì vậy trên thế giới, người ta thường dùng rễ của cây cải ngựa xay ra, sau đó thì… nhuộm màu xanh lá cây cho giống với wasabi.
Về hương vị, wasabi thật sẽ không có vị cay mạnh đến nỗi "xộc thẳng" lên mũi như loại làm từ rễ cây cải ngựa đâu!
Wasabi thật
Wasabi "giả"
Quả đào (peaches) và đào trơn (nectarines) gần như giống y nhau về mặt di truyền, chỉ có điều đào thường mang gen trội, còn đào trơn mang gen lặn. Đó là lý do vì sao phần vỏ của quả đào bình thường sẽ không nhẵn mịn bằng "người anh em" còn lại.
Pizza Hawaii nổi bật với topping dứa bên trên, là chiếc bánh pizza gây tranh cãi nhiều nhất trên thế giới. Dù mang danh một hòn đảo nổi tiếng nhất nước Mỹ, thế nhưng món ăn này thực sự là một sáng tạo của người Canada. Cụ thể, đó chính là ông Sam Panopoulos - một đầu bếp đã nghỉ hưu từng làm việc tại nhà hàng Satellite ở Chatham, tỉnh Ontario, Canada.
Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng có suy nghĩ rằng các loại cam, chanh mới có nhiều vitamin C. Tuy nhiên, trên thực tế thì ớt mới chứa nhiều chất này nhất. Trung bình, một chén ớt chuông cắt nhỏ chứa nhiều vitamin C hơn gần 3 lần so với một quả cam nặng 190mg.
Ở nước ngoài, chanh vàng (lemon) và chanh xanh (lime) là 2 định nghĩa hoàn toàn khác nhau. Chanh xanh lúc nào cũng có vị chua hơn, và khi cho vào một ly nước thì nó sẽ chìm xuống đáy. Trong khi đó, chanh vàng sẽ nổi lên trên. Điều này được lý giải là vì mật độ (hay khối lượng) trên một đơn vị thể tích của chanh xanh lớn hơn.
Cà rốt màu cam như ngày nay chỉ xuất hiện vào cuối thế kỷ 17, khi những nông dân ở Hà Lan đã nghiên cứu và tạo ra giống đột biến gen từ loại cây màu tím nguyên thuỷ.
Nguồn: Tổng hợp