Sau khi ra trường, một trong những thách thức lớn dành cho người trẻ là phải đỗ qua vòng phỏng vấn. Một chiếc CV với vô số thành tích chỉ thể hiện đôi nét khía cạnh về con người bạn. Điều công ty thực sự muốn là những con người vừa tài lại có khả năng ứng xử khéo léo trong công việc. Do đó, rất đông sinh viên vừa tốt nghiệp đã bị trả lại hồ sơ vì hành động quá thiếu kinh nghiệm và máy móc.
Ngày nay, một trong những cách kiểm tra tốt nhất là đặt ra các tình huống oái ăm để thử thách ứng viên. Trả lời những câu hỏi này cần dự khéo léo, nhanh nhạy và biết cách làm cho những kỹ năng bạn tích lũy được ở công việc cũ trở nên có ích với vị trí bạn đang muốn ứng tuyển.
1. Mời ứng viên uống cà phê
Gần đây, phương pháp đánh giá ứng viên mang tên "ly cà phê thử nghiệm" được sử dụng phổ biến. Khi bắt đầu phỏng vấn, nhà tuyển dụng sẽ đưa ứng viên vào bếp và mời họ một tách cà phê. Sau cuộc phỏng vấn, nhà tuyển dụng sẽ theo dõi cách ứng viên xử lý chiếc cốc. Có người sẽ hỏi nơi đặt nó, có người chỉ để chiếc cốc trên bàn và có người sẽ tự rửa rồi mang lại vào bếp.
Trent Innes, nhà sáng lập công ty phần mềm Xero Australia, người sáng tạo ra phương pháp này cho biết cách ứng viên xử lý chiếc cốc có thể nói lên rất nhiều về tính cách và cách ứng xử của họ. Điều này cũng thể hiện phản ứng nhanh nhạy của ứng viên khi đặt trong những tình huống đòi hỏi phải làm việc tập thể. Quyết định tốt nhất là quay trở lại quầy pha chế sau khi phỏng vấn và tự rửa cốc.
2. Cố tình để ứng viên chờ đợi hàng tiếng đồng hồ
Phương pháp "ly cà phê thử nghiệm" là phép thử hoàn toàn vô hại nhưng sẽ khó khăn hơn nhiều nếu ứng viên phải chờ đợi nhà tuyển dụng. Ví dụ như lịch hẹn phỏng vấn là 9 giờ sáng thì họ sẽ yêu cầu ứng viên đợi thêm 10 phút, 15 phút rồi lại thêm hẳn 1 tiếng. Thậm chí có người còn bắt ứng viên đợi gần 12 tiếng đồng hồ và người duy nhất ở lại sẽ được nhận vào luôn. Phương pháp này cho thấy sự ổn định cảm xúc của ứng viên cũng như lòng ham muốn cho công việc đó.
3. Bất ngờ hét lên
Lên giọng, la hét hay thậm chí sử dụng từ xúc phạm là phương pháp mô hình hóa tình huống căng thẳng và là cơ hội để kiểm tra cách ứng viên phản ứng khi gặp tình huống sức ép. Các nhà tuyển dụng khuyên rằng tốt nhất là bạn nên giữ bình tình và trả lời câu hỏi rành mạch nhất có thể.
4. Yêu cầu nhảy ra ngoài cửa sổ
Các nhà tuyển dụng rất thích đặt ra thử thách oái ăm cho ứng viên và một trong những yêu cầu bạn có thể nhận được là nhảy ra ngoài cửa sổ. Họ không hề lập dị mà thực chất đang kiểm tra cách ứng viên đối phó và xử lý các tình huống bất ngờ. Trong tình huống này, nhà tuyển dụng mong muốn ở ứng viên những suy nghĩ độc đáo nhưng vẫn phải thực hiện được yêu cầu.
Ứng viên có thể đứng lên bệ cửa sổ và nhảy xuống sàn phòng vì nhà tuyển dụng không yêu cầu vị trí tiếp đất cụ thể. Hoặc ứng viên có thể tạo ấn tượng bằng việc đặt câu hỏi "đôi bên cùng có lợi" như: "Quý công ty sẽ hưởng lợi như thế nào từ cú nhảy của tôi?".
5. Giới thiệu ứng viên với mọi người trong công ty
Đừng vội mừng nếu nhà tuyển dụng tỏ ra hào hứng và dẫn bạn đi giới thiệu với mọi người trong công ty. Phương pháp này không chỉ là hành động lịch sự thông thường mà còn giúp nhà tuyển dụng thu được nhiều ý kiến của nhân viên khác về khả năng giao tiếp của bạn.
6. Ló ngơ ứng viên
Một phương pháp thử ứng viên khác là nhà tuyển dụng sẽ bắt đầu có những cư xử kỳ lạ dẫn đến việc họ không thể tập trung cho buổi phỏng vấn. Họ lờ ứng viên bằng việc nhìn chăm chú vào máy tính hoặc đột nhiên gọi điện thoại và rời khỏi phòng. Với phương pháp này, nhà tuyển dụng muốn kiểm tra năng lực thu hút sự chú ý, thuyết phục hoặc giải quyết tình huống của ứng viên. Một trong những lựa chọn tốt nhất là yêu cầu nhà tuyển dụng lên lịch cuộc phỏng vấn vào một ngày khác.
7. Cố tình làm rơi bút
Một trong những cách kiểm tra khác là nhà tuyển dụng sẽ cố tình làm rơi bút để kiểm tra khả năng phản ứng nhanh và thái độ của ứng viên đối với mọi người xung quanh. Nếu ứng viên theo bản năng cúi xuống và nhặt bút lên thì khả năng cao họ sẽ được nhận. Còn nếu ứng viên để nhà tuyển dụng phải tự nhặt thì người đó dễ bị mất điểm lớn.