Trách nhiệm thuộc về ai khi để trẻ tử vong trên xe đưa đón?
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố đã ra Quyết định khởi tố vụ án “Vô ý làm chết người” quy định tại Điều 128 Bộ luật hình sự để điều tra làm rõ vụ việc cháu T.G.H (sinh ngày 20/9/2019), là học sinh Trường Mầm non Hồng Nhung, địa chỉ tại xã Phú Xuân, thành phố Thái Bình bị bỏ quên trên xe đưa đón của nhà trường dẫn đến tử vong.
Bước đầu Công an xác định: Khoảng 6h20’ ngày 29/5/2024, anh N.V.L (1965), trú tại phường Quang Trung, thành phố Thái Bình điều khiển xe ô tô 29 chỗ cùng 01 giáo viên Trường Mầm non Hồng Nhung đón cháu H và 09 học sinh khác đi học. Khi đến trường, anh L. mở cửa xe ô tô cho giáo viên và các cháu học sinh tự đi vào lớp.
Chiếc xe đưa đón của Mầm non Hồng Nhung đã nhốt cháu bé suốt 11 tiếng cho đến khi tử vong. Ảnh: PNVN
Sau đó, điều khiển xe ô tô đỗ ở cổng trường rồi ra về. Khi vào lớp, giáo viên lớp có chụp ảnh điểm danh học sinh gửi lên phần mềm của nhà trường để theo dõi, quản lý thì phát hiện vắng cháu H nhưng không thông báo cho gia đình. Đến khoảng 17 giờ cùng ngày, anh T.Đ.A - là cậu ruột của cháu đến đón và phát hiện sự việc cháu H bị bỏ quên trên xe đưa đón của nhà trường dẫn đến tử vong.
Công an khám nghiệm hiện trường vụ việc. Ảnh: VTC News
Nhìn nhận vụ việc dưới góc độ pháp lý, TS. Luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp – Đoàn luật sư TP Hà Nội) bày tỏ quan điểm trên tờ Gia đình & Xã hội rằng: Bỏ quên trẻ mầm non trên xe dẫn đến cháu bé tử vong là hành vi nguy hiểm cho xã hội.
Luật sư Cường đã nêu ra những vấn đề quan trọng mà cơ quan điều tra cần làm rõ để xử lý, giải quyết vụ việc tới tận gốc rễ gồm: Quy trình đưa đón học sinh của cơ sở giáo dục này được thực hiện ra sao? Trách nhiệm của tài xế xe đưa đón, giáo viên đi cùng thực hiện tới đâu? Khi phát hiện cháu bé không có mặt tại lớp, giáo viên có biết hay không, có báo cho nhà trường và phụ huynh? Ngoài ra, cũng cần làm rõ nguyên nhân cháu bé tử vong là gì, có phải là suy kiệt khi bị bỏ quên trên xe?...
TS. Luật sư Đặng Văn Cường. Ảnh: VPLS Chính Pháp
Bên cạnh đó, TS. Luật sư Đặng Văn Cường còn chia sẻ ý kiến với báo Công Lý và cho hay trong trường hợp công an xác định hành vi có lỗi vô ý dẫn đến cháu bé tử vong thì người có lỗi sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trường hợp khác là nhiều người cùng có lỗi dẫn đến cháu bé tử vong thì “tất cả” những người có lỗi dẫn đến hậu quả cháu bé tử vong đều có thể bị xử lý về tội vô ý làm chết người hoặc tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc hành chính, quy tắc nghề nghiệp và có thể xử lý người quản lý về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Tội vô ý làm chết người theo Điều 128 Bộ luật Hình sự 2015:
Khung 1: Người nào vô ý làm chết người, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
Khung 2: Phạm tội làm chết 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.
Vụ việc tương tự từng xảy ra ở Hà Nội đã được xử lý thế nào?
Hồi tháng 8/2019, tại Hà Nội cũng xảy ra vụ việc đau lòng tương tự khi học sinh lớp 1 Trường tiểu học Gateway bị bỏ quên trên xe đưa đón của trường dẫn đến tử vong.
Đến 11/8/2020, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã đưa vụ án ra xét xử và tuyên án các bị cáo liên quan như sau:
Bị cáo Nguyễn Bích Quy (nhân viên giám sát trên xe của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Vận tải và Du lịch Ngân Hà - Công ty Ngân Hà) 21 tháng tù về tội "Vô ý làm chết người".
Bị cáo Doãn Quý Phiến (lái xe đưa đón học sinh Trường tiểu học Gateway) 10 tháng tù về tội "Vô ý làm chết người".
Bị cáo Nguyễn Thị Thủy (giáo viên chủ nhiệm lớp 1 Tokyo, Trường tiểu học Gateway) 12 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".
Vụ việc xảy ra tại trường Gateway khiến dư luận bàng hoàng. Ảnh: NLĐ
Theo bản án phúc thẩm, trong vụ án này, hành vi của bị cáo Quy có vai trò chính nên bị cáo phải chịu trách nhiệm chính về cái chết của cháu Lê Hoàng L..
Cụ thể, bị cáo Quy đã vô ý, cẩu thả nên không phát hiện bé L. ngủ trên xe vào sáng 6/8/2019. Ngoài ra, bà Quy cũng không kiểm tra lại khi xe đến trường, không thực hiện nhiệm vụ giám sát học sinh dẫn đến việc bỏ quên học sinh trên ôtô.
Tài xế Phiến không kiểm tra bên trong xe sau khi bà Quy đưa học sinh vào trường, do đó không phát hiện cháu L. ở hàng ghế phía sau mà vẫn lái xe về bãi đỗ.
Ngoài ra, giáo viên chủ nhiệm Nguyễn Thị Thủy phát hiện cháu L. vắng mặt không lý do nhưng không liên hệ với phụ huynh và thông báo nhà trường. Cùng với bà Quy và ông Phiến, hành vi của bị cáo Thủy dẫn đến việc cháu L. tử vong do bị bỏ quên trên ôtô.
Tổng hợp