Khi màn đêm buông xuống cũng là lúc những con đường dốc quận Dogenzaka thành phố Shibuya, Tokyo đông đúc dần. Quan sát kĩ một chút, ta có thể thấy trong dòng người qua lại, có những bóng người lặng thinh đi vào con đường khuất và biến mất sau tòa nhà màu hồng nhạt, với cánh cửa được ngụy trang khéo léo và rất ít cửa sổ. Đó là một trong khoảng 7.000 khách sạn tình yêu tại Nhật Bản, được gọi theo chính tên gốc, "Khách sạn Tình yêu", được mở đầu tiên tại Osaka năm 1968.
Một cặp đôi đi qua con phố của những khách sạn tình yêu.
Loại hình này phục vụ những đôi tình nhân tìm kiếm không gian riêng để “thân mật”. Nhưng thị trường ngày nay đã thay đổi. Cùng với sự sụt giảm dân số trẻ tại Nhật Bản, và quan trọng hơn, ngày càng ít những cặp đôi có nhu cầu yêu đương, những khách sạn tình yêu này đã phải tìm kiếm những đối tượng khách hàng mới. Dần dần, tên gọi “khách sạn tình yêu” không còn được hiểu theo nghĩa ban đầu.
Tình yêu cũ, khách hàng mới
Những khách sạn tình yêu ngày nay triển khai những dịch vụ mới cho khách nước ngoài và xây dựng hình ảnh của mình như những “boutique hotel” – nơi ở nhỏ nhưng sang trọng. Một điểm hấp dẫn của chúng là giá cả phải chăng. Giá thuê theo giờ khoảng 3.000 yên (khoảng 610.000 đồng), trong khi giá qua đêm từ 10 giờ tối đến 10 giờ sáng hôm sau khoảng 6.000 đến 9.000 yên (1.2 triệu đến 1.8 triệu đồng).
Cũng dễ hiểu khi chủ những khách sạn này thay đổi xu hướng kinh doanh của họ sang phục vụ khách du lịch. Thực tế là hiện tượng này đã từng xảy ra ở Seoul, Hàn Quốc 5, 6 năm trước, khi Seoul tấp nập du khách Trung Quốc.
Các khách sạn ngày càng được trang bị những tiện nghi hiện đại, cũng như triển khai dịch vụ đặt phòng online nhằm thu hút những cặp đôi nước ngoài đến thăm Nhật Bản. Họ tạo điều kiện để du khách tận hưởng tốt nhất những tiện nghi của một khách sạn nghỉ dưỡng thượng hạng.
Những khách sạn này triển khai cả dịch vụ đặt phòng online cho khách nước ngoài
Thăng trầm của một loại hình đặc biệt
Số lượng khách sạn tình yêu tăng cao đỉnh điểm vào cuối những năm 2000, đạt khoảng 30.000, nhưng con số đó đang giảm dần những năm gần đây. Năm 2009, doanh thu của ngành công nghiệp này ước tính đạt 4 nghìn tỉ yên, với hơn 2 triệu lượt khách mỗi ngày.
Hiện nay, nhu cầu tìm không gian riêng tư đã ít đi đáng kể. Số lượng khách sạn tình yêu đã giảm còn khoảng 7.000, dù thực tế có vẻ cao hơn vì một số không đăng kí kinh doanh chính thức.
Một khách sạn tình yêu ở Osaka.
Sự thay đổi về nhân khẩu và hành vi là nguyên nhân của sự sụt giảm này. Dân số trẻ Nhật Bản – những người từ 20 đến 29 tuổi, những người có xu hướng có quan hệ tình dục nhiều nhất – đã giảm hơn 1/3 trong 20 năm qua. Nhu cầu quan hệ ít dẫn đến thị trường của những khách sạn tình yêu cũng thu hẹp.
Không những dân số trẻ tuổi ngày càng ít, họ còn dường như không mặn mà chuyện yêu đương như những thế hệ trước. Theo một cuộc khảo sát, 42% đàn ông độc thân và 44% phụ nữ độc thân ở độ tuổi 18 đến 34 cho biết họ chưa từng quan hệ với người khác giới.
May mắn thay, đó chưa phải là ngày tàn của loại hình kinh doanh này. Lỗ hổng dần được lấp đầy bởi sự gia tăng khách hải ngoại đến Nhật Bản.
Năm 2016, quốc gia này đón 24 triệu khách nước ngoài đến thăm. Nếu sự gia tăng này tiếp tục với tỉ lệ 14% một năm, lượng du khách sẽ đạt mục tiêu đề ra của thủ tướng Shinzo Abe – 40 triệu người trước Thế vận hội Olympics Tokyo năm 2020. Những đợt sóng khách du lịch gây nên tình trạng thiếu nơi ăn chốn ở, khuyến khích cả nhà nước và tư nhân phát huy hết khả năng để đáp ứng nhu cầu.
Chỗ đứng của Khách sạn tình yêu trong tương lai
Khách sạn tình yêu đã trở thành một xu hướng toàn cầu, với sự xuất hiện của những loại hình tương tự ở Cuba, Hong Kong, Hàn Quốc và New Zealand.
Ranh giới giữa một khách sạn tình yêu và một “boutique hotels” – khách sạn sang trọng là rất mong manh. Pháp luật từ năm 1984 đã đặt khách sạn dưới sự quản lí nghiệm ngặt của cảnh sát, gây khó khăn cho việc đăng kí kinh doanh của các khách sạn tình yêu, giảm thiểu vẻ ngoài hào nhoáng và các tiện nghi của chúng. Ở một số nơi loại hình này bị cấm, họ phải đăng kí dưới hình thức những khách sạn hoặc quán trọ thông thường.
Điểm khác biệt lớn nhất giữa khách sạn tình yêu và khách sạn thông thường là nơi đây thường không có cửa sổ.
Để tồn tại, những khách sạn tình yêu phải liên tục cập nhật và nâng cấp dịch vụ, vật chất thiết bị để đáp ứng những thay đổi trong xu hướng của khách hàng. Nhưng liệu họ có làm được?
Du khách ưa thích loại hình này vì giá cả phải chăng. Lượng du khách ghé đến những khách sạn này tăng đáng kể từ năm 2015 đến 2016, và lợi nhuận của ngành công nghiệp này cũng vậy.
Liệu loại hình này có thể thay đổi để thích nghi với xu hướng xã hội hay không, hiện vẫn chưa thể khẳng định. Nhưng bầu không khí lén lút trong những con hẻm ở Dogenzaka, Shibuya dường như trái ngược với hình ảnh mà những khách sạn tình yêu muốn quảng bá. Cũng giống như những chiếc bóng im lặng ra vào những tòa nhà trong ngõ hẹp, loại hình kinh doanh này đến giờ vẫn còn phải ẩn dật và im hơi lặng tiếng đến vậy do tính chất đặc biệt của mình.