Ngày 24/2, Công an vẫn đang điều tra làm rõ vụ việc anh Lê Hoài B. (28 tuổi, quê Kiên Giang) khi đưa con trai đi dạo trong công viên thị trấn Hậu Nghĩa (Đức Hòa, Long An) chiều tối 21/2 đã bị hiểu nhầm là bắt cóc trẻ con và bị đâm tử vong.
Nghi phạm Nguyễn Ngọc Hải Điền (26 tuổi, ngụ thị trấn Hậu Nghĩa) đang bị Công an tỉnh Long An tạm giữ hình sự để điều tra hành vi "Giết người".
Hiện trường vụ việc.
Theo kết quả điều tra ban đầu, vào thời điểm xảy ra vụ việc, anh B. đang đưa con đi chơi trong công viên, khi bảo con đi về thì đứa bé khóc, không chịu về nên Bà Dương Thị Gắt (86 tuổi) bán vé số cạnh đó đã hiểu nhầm là bắt cóc trẻ con nên đã yêu cầu anh B. bỏ đứa trẻ ra.
Nghe thấy tiếng của bà Gắt, Điền đã chạy đến cự cãi, sau đó cùng đám bạn hành hung anh B dù anh và người dân ra sức thanh minh. Không chịu nghe anh B. giải thích, Điền đã chạy vào quán ăn gần đó lấy dao đâm trúng tim anh B. khiến nạn nhân tử vong. Tại cơ quan điều tra, Điền thừa nhận hành vi của mình và cho rằng lúc đó do mới uống rượu nên không làm chủ được hành vi.
Liên quan đến vụ án, trao đổi với chúng tôi trên góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn Văn Ngọc, Công ty luật hợp danh Thái Bình Dương - Đoàn Luật sư Nghệ An cho biết: "Hành vi của bị can đã xâm phạm đến quyền được sống của người khác, một trong những quyền cơ bản nhất của con người.
Đấu tranh phòng chống tội phạm là trách nhiệm của toàn dân. Công dân nói chung đều có quyền bắt giữ người có hành vi phạm tội quả tang và thông báo hoặc áp giải ngay đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật. Trong phạm vi quyền hạn của mình, lẽ ra nghi phạm sau khi khống chế được người có dấu hiệu của hành vi bắt cóc trẻ em thì nên dẫn giải đến Cơ quan cảnh sát điều tra Công an nơi gần nhất để Công an tiến hành điều tra, làm rõ theo đúng trình tự thủ tục.
Đám tang của anh B.
Với hành vi dùng dao đâm chết người trong vụ án này có dấu hiệu của tội "Giết người" theo quy định tại Khoản 1, Điều 123 BLHS 2015 với tình tiết định khung tăng nặng đó là "Có tính chất côn đồ". Nghi phạm có thể đối diện khung hình phạt tù từ 12 đến 20 năm, chung thân hoặc tử hình tùy thuộc vào tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi và các tình tiết khác trong vụ án.
Pháp luật buộc công dân phải nhận thức khi sử dụng hung khí tác động vào những vùng trọng yếu trên cơ thể người khác là nguy hiểm đến tính mạng. Pháp luật nghiêm cấm công dân sử dụng vũ lực để giải quyết các mâu thuẫn, trừ trường hợp tình thế cấp thiết hay phòng vệ chính đáng".
Luật sư cũng cho biết, riêng về tình tiết đã sử dụng rượu bia, pháp luật quy định người sử dụng rượu bia, chất kích thích vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự đối với hành vi mình gây ra. Hơn nữa, phía nạn nhân đã hoàn toàn bị khống chế trước đó, cũng không có bất kỳ hành vi chống trả hoặc xâm hại. Các thanh niên hoàn toàn kiểm soát được tình hình và có rất nhiều phương án xử lý khác.
Luật sư Nguyễn Văn Ngọc
Cũng theo luật sư Ngọc, dù không trực tiếp đâm anh B. nhưng vai trò của những cá nhân tham gia khống chế và đánh nạn nhân cũng phải được xem xét. "Trường hợp, các cá nhân này khống chế để Điền dùng dao đâm nạn nhân thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Giết người" với vai trò đồng phạm giúp sức. Còn trường hợp, khống chế để hành hung trấn áp, không nhằm mục đích tước đoạt tính mạng của nạn nhân, những người tham gia này có thể bị truy cứu trách nhiệm về tội "Cố ý gây thương tích" hoặc "Gây tổn hại cho sức khỏe của người khác dẫn đến hậu quả chết người."
Ngoài trách nhiệm hình sự, phía người thực hiện hành vi phạm tội cũng sẽ phải chịu trách nhiệm dân sự đối với các khoản bồi thường cho nạn nhân và phía gia đình nạn nhân theo quy định pháp luật. Vì nạn nhân là lao động chính, vì vậy nghi phạm và các đồng phạm sẽ phải có nghĩa vụ bồi thường cho gia đình nạn nhân các khoản gồm tiền ma chay, tiền bồi thường tổn thất tinh thần và cấp dưỡng cho những người mà nạn nhân có nghĩa vụ cấp dưỡng trước khi chết theo quy định pháp luật.".
Cụ bà bán vé số đã không tri hô nhưng đã hỏi "chú làm gì đó, bỏ nó ra" khiến nhóm thanh niên nghĩ anh B. có hành vi bắt cóc trẻ em.
Đối với trường hợp cụ bà bán vé số hiểu nhầm nạn nhân là đối tượng bắt cóc trẻ em, luật sư Ngọc cho biết: "Câu hỏi của người phụ nữ khiến nhóm Điền hoài nghi anh B. bắt cóc trẻ em, từ đó dẫn đến vụ án mạng nói trên nhưng chưa phải là yếu tố để xử lý hình sự. Thời điểm xảy ra vụ việc, người này thấy cháu bé khóc, giằng co không chịu lên xe máy nên việc tri hô bắt cóc cũng vì mục đích bảo vệ cháu bé.
Việc nhầm lẫn này chưa đủ yếu tố xử lý về mặt hình sự. Nguyên nhân chính xảy ra vụ việc không phải từ người bán vé số mà từ phía nhóm thanh niên, họ hoàn toàn đủ nhận thức và hiểu biết để chủ động xử lý vấn đề".