Gần đây, một đoạn video lan truyền trên mạng đã chạm đến nỗi đau của rất nhiều bà mẹ. Trong video, một người mẹ đang mệt mỏi, nằm trên ghế sofa. Cô khát khô cả cổ nên nhờ con gái 6 tuổi rót giúp một cốc nước.
Không ngờ cô bé chẳng buồn ngẩng đầu lên, lạnh lùng đáp trả hai lần: "Con là người hầu của mẹ à? Con là người hầu của mẹ à?".
Theo logic của đứa trẻ này, chỉ có người hầu, bố mẹ hoặc chồng mẹ mới có trách nhiệm rót nước. Còn con – chỉ là con mẹ, không có lý do hay nghĩa vụ gì để làm điều đó.
Ảnh minh hoạ
Người mẹ 34 tuổi sau đó chia sẻ: Vì muốn chăm sóc con, cô đã từ bỏ công việc, ở nhà làm mẹ toàn thời gian suốt 6 năm. Sáu năm ấy, cô dốc hết lòng vì con, vì gia đình. Nhưng đổi lại, con gái mới 6 tuổi đã thốt ra câu nói như cứa vào tim mẹ.
Nỗi đau không chỉ nằm ở câu nói, mà còn là sự phủ nhận toàn bộ những hy sinh âm thầm, là cảm giác bất lực trước một đứa trẻ vô ơn đến mức… không rót nổi một ly nước cho mẹ.
Hãy thử xem trong nhà bạn có những điều này không:
1. Cha mẹ nói một đằng, làm một nẻo – không làm gương cho con
Có phụ huynh bình luận dưới video: "Chỉ cần nhìn đứa nhỏ là biết ba nó sống thế nào".
Hành vi của trẻ thường là tấm gương phản chiếu quan hệ trong gia đình. Nếu người cha quen sống kiểu "chỉ tay năm ngón", phó mặc hết cho vợ, thì con rất dễ học theo mô hình hành xử đó. Dần dà, trẻ sẽ mặc định rằng: Chăm sóc mẹ là việc của ba. Việc nhà là trách nhiệm của mẹ. Từ đó hình thành định kiến giới tính, trốn tránh trách nhiệm, thờ ơ với nhu cầu của người khác.
2. Công tắc "biết quan tâm" của trẻ không được bật
Những tình huống tương tự video trên không hề hiếm.
Tại Vô Tích (Giang Tô, Trung Quốc), một bà mẹ bị dương tính, mệt đến ngất lịm ngay bên bàn ăn. Vậy mà ba đứa con vẫn thản nhiên ngồi ăn tiếp, không một ai đứng dậy hỏi han hay kiểm tra mẹ. Ở Quảng Đông, một bà mẹ mệt lả vì lái xe cả ngày, khi đứng dậy thì ngã vật xuống. Đứa con trai thấy vậy, gọi mấy tiếng không ai trả lời, liền quay về tiếp tục xem tivi, như chẳng có chuyện gì xảy ra.
Khả năng cảm nhận cảm xúc của trẻ giống như một chiếc ăng-ten – nếu không được lắp đặt và tinh chỉnh đúng cách, sẽ chẳng thể bắt được "tín hiệu" cảm xúc từ người khác.
Các nghiên cứu tâm lý cho thấy: Những đứa trẻ thờ ơ trước nỗi đau của người khác thường lớn lên trong môi trường thiếu thốn cảm xúc.
Ví dụ:
– Cha mẹ hay nói: "Con không cần quan tâm chuyện đó" => Điều này đóng lại "ăng-ten cảm xúc" của trẻ. Lâu dần, trẻ học cách phớt lờ cảm xúc của người khác, vì chưa từng được dạy cách quan tâm hay thấu hiểu.
– Gia đình hiếm khi chia sẻ cảm xúc => Không ai nói "mẹ đang buồn", "ba cần giúp đỡ"... Trẻ sẽ nghĩ: cảm xúc là thứ không đáng quan tâm, từ đó không biết cách đồng cảm.
– Khi trẻ té, cha mẹ lập tức đánh lạc hướng: "Không đau đâu, nhìn kìa, có đồ chơi nè!".
=> Mặc dù ý tốt, nhưng vô tình dập tắt khả năng nhận biết và biểu đạt cảm xúc của trẻ. Trẻ học cách chối bỏ cả cảm xúc của mình, dẫn đến không thể hiểu được cảm xúc của người khác.
3. Trong nhà, cha mẹ đơn phương "cho đi không ngừng nghỉ"
Có lần, một cậu bé 7 tuổi hàng xóm thấy mẹ bị đứt tay khi cắt rau. Cậu không hỏi han gì mà nói luôn: "Vậy mẹ mau nấu cơm đi!". Hóa ra, từ nhỏ đến lớn, cậu chưa từng tự lấy cơm, chưa từng rót nước cho ai.
Nghiên cứu cho thấy: Trẻ bị nuông chiều quá mức sẽ có vùng não liên quan đến "nhận biết sự cho đi" hoạt động kém hơn bình thường. Giống như ai đó ngày nào cũng được ăn tiệc miễn phí – lâu dần sẽ chẳng thốt nổi câu "cảm ơn".
"Con là người hầu à?" – câu nói bật ra như phản xạ có điều kiện sau thời gian dài chỉ biết nhận mà không học cách cho đi.
4. Khi cha mẹ làm "siêu nhân", trẻ sẽ không biết quan tâm
Khi cha mẹ "ôm" hết mọi việc trong nhà, trẻ sẽ dần hình thành tâm lý: "Không liên quan đến con". Vì yêu con, nhiều bậc cha mẹ chọn làm hết mọi việc. Nhưng đó chính là cách tước đi cơ hội để con học được trách nhiệm. Trẻ mặc định: "Đó là việc của mẹ (ba)", từ đó trở nên phụ thuộc, lười quan tâm người khác.
6 tuổi là giai đoạn vàng để nuôi dưỡng tinh thần trách nhiệm. Nếu lúc này trẻ chưa học cách tự rót nước, gấp quần áo, dọn dẹp phòng... thì khi bước vào tuổi dậy thì, việc trông mong con biết lo cho người khác càng khó khăn hơn.
Bước 1: Xây dựng kết nối cảm xúc – để con cảm nhận được tình yêu
Khi trẻ bày tỏ cảm xúc, cha mẹ hãy lắng nghe nghiêm túc, đừng vội ngắt lời hay phủ định.
Ví dụ: con kể hôm nay bị bạn bắt nạt ở trường, thay vì nói "Không sao đâu", hãy hỏi:
– "Con cảm thấy thế nào?".
– "Con muốn mẹ làm gì giúp con không?".
Cha mẹ cũng nên thường xuyên thể hiện tình yêu và lòng biết ơn.
Ví dụ: "Cảm ơn con đã rót nước giúp mẹ. Mẹ thực sự cần điều đó" => Những câu như vậy giúp trẻ cảm nhận được giá trị của mình và học cách biết ơn.
Bước 2: Làm gương – để con học cách quan tâm
Trẻ học qua hành vi của cha mẹ. Khi cha mẹ biết quan tâm, giúp đỡ người khác, trẻ sẽ bắt chước theo. Khi cha mẹ mệt, đừng giấu. Có thể nói: "Mẹ hơi mệt, con ngồi cạnh mẹ một chút được không?" – để con học cách nhận biết và phản hồi với cảm xúc của người khác.
Khi thấy người khác gặp khó khăn, hãy cùng con thảo luận: Nếu là con, con sẽ thấy thế nào? Mình có thể làm gì để giúp bạn ấy?.
Ngoài ra, đừng chiều con vô điều kiện. Dạy con biết chờ đợi, chia sẻ, ví dụ: "Hôm nay chỉ ăn 1 viên kẹo, mai mới ăn thêm".
Bước 3: Tạo cơ hội cho con thực hành sự quan tâm
Cho con tham gia việc nhà từ nhỏ, dù là rót nước, dọn phòng, nhặt rau sẽ giúp con học trách nhiệm và hiểu nỗi vất vả của cha mẹ. Khi bạn bè hoặc người thân ốm, cha mẹ có thể gợi ý con vẽ một bức tranh, viết một tấm thiệp chúc khỏe – những hành động cụ thể giúp trẻ học cách thể hiện sự quan tâm.
Sự lạnh lùng của con trẻ chính là tấm gương phản chiếu những khoảng trống trong giáo dục gia đình. Muốn thay đổi, cha mẹ phải học cách "biết yếu đuối đúng lúc" – cho con thấy mình cũng cần được quan tâm.
Hãy nhớ: Chỉ khi trẻ cảm thấy mình "được cần đến", chúng mới học được cách yêu thương.
Lần tới, nếu bạn mệt và muốn con rót nước, hãy thử nói thế này: "Con yêu, cổ họng mẹ như có lửa đốt, mẹ cần một anh hùng nhỏ giúp mẹ rót ly nước!".
Bạn sẽ thấy, mặt trời bé nhỏ trong tim con bắt đầu tỏa sáng...