01
Hồi cấp 3, tôi từng chơi chung một nhóm bạn. Mỗi đứa đều mang một hình ảnh rất rõ ràng trong mắt tôi: đứa thì học giỏi, là trò cưng của thầy cô, là đối tượng "con nhà người ta" trong miệng bố mẹ tôi, đứa thì năng nổ đoàn đội, văn nghệ thi thố gì cũng thấy mặt nó, đứa thì suốt ngày ngồi bàn cuối, lên lớp thì ngáp, kiểm tra thì quay, học lực lẹt đẹt. Lúc ấy, chúng tôi đều nghĩ tương lai của ai đó có thể được tiên đoán phần lớn qua học bạ. Ai cũng ngầm hiểu: đứa nào càng học giỏi thì càng có cơ hội đi xa.
Nhưng giờ thì sao?
Nhóm bạn cũ giờ người làm giáo viên, người làm công chức, có đứa học thạc sĩ xong vẫn lận đận xin việc, có đứa thì làm trái ngành, sống bình bình. Và bất ngờ thay, cái đứa từng bị gọi là "học dốt nhất nhóm" giờ lại là người giàu nhất, tự mở công ty riêng, lái xe xịn, dăm bữa nửa tháng đưa bố mẹ đi du lịch một lần, vừa rồi còn tài trợ học bổng cho một trường cấp 3 vùng sâu.
Tôi không nói vậy để tôn vinh thành công vật chất. Nhưng có một điều rất thật: Không ai trong chúng tôi từng nghĩ nó sẽ là đứa bay xa nhất.
Ảnh minh họa: Davide Bonazzi
02
Hồi cấp 3, nó như một "kẻ ngoài lề".
Nó học dở thật. Nhiều lần bị mời phụ huynh, điểm liệt không phải chuyện lạ. Thầy cô thường nhắc tên nó như một ví dụ cần "chấn chỉnh". Trong nhóm, bọn tôi hay trêu: "Mày chỉ mong đậu tốt nghiệp là mừng rồi". Mà đúng là năm đó, nó rớt đại học thật. Cả nhóm nô nức nhập học trường này trường kia, nó thì lặng lẽ đi học nghề.
Lúc đó, ai cũng thấy tiếc. Thương thì ít mà thấy "biết ngay mà" thì nhiều. Nhưng nhìn lại mới thấy: trong lúc tụi tôi bận học để qua môn, nó đã học cách sửa xe, làm marketing cơ bản, học bán hàng online, học cả chụp ảnh và dựng video. Sau này nó nói: "Tao dốt trong trường, nhưng tao không dốt ngoài đời".
Nhiều người cứ nghĩ học dở là lười biếng. Nhưng thật ra có những kiểu người đơn giản là không hợp với hệ thống trường lớp: họ không giỏi học thuộc, không thích lý thuyết, không giỏi phân tích văn bản nhưng họ có sự nhạy bén khác, thứ trực giác giúp họ biết người ta cần gì, muốn gì, thích gì.
Tôi nhớ một câu đọc được đâu đó: "Những người học giỏi thường giỏi đi theo chỉ dẫn. Còn những kẻ học dốt mà vẫn muốn vươn lên thì phải biết tạo ra lối đi riêng".
Bạn học của tôi - cái đứa từng bị cho là "học dốt" là kiểu như vậy. Nó không có định hướng rõ ràng từ nhà trường hay cha mẹ. Nhưng nó có một thứ mà nhiều người không có, đó chính là khả năng quan sát và ý chí không ngừng.
Khi tụi tôi còn loay hoay với những bản CV, nó đã tự lập công ty nhỏ từ việc bán hàng online. Khi tụi tôi còn sợ thất nghiệp, nó đã tự tạo ra việc làm cho mình. Khi tụi tôi lo tăng ca, nó học cách tuyển người và xây quy trình. Thành công của nó không đến từ học vị, mà đến từ việc không ngừng học lại từ đầu bằng cách của riêng mình.
Ảnh minh họa: Davide Bonazzi
03
Thực ra, nếu nhìn lại thì đứa nào trong nhóm cũng từng cố gắng. Nhưng vẫn có một điểm khác biệt lớn. Trong khi có người cố gắng để được công nhận thì có người cố gắng vì không còn đường lui. Và chính cái áp lực "không còn đường lui" đó mới rèn được sự gan lì.
Trong nhóm tôi, có đứa thi vào trường top, có bằng giỏi, nhưng ra trường mãi mới xin được việc. Có đứa vào ngân hàng làm vài năm rồi nghỉ vì stress. Có đứa vẫn sống ổn định, đều đều, không tệ nhưng cũng không vươn lên. Và tôi thấy ở chúng tôi, sự hài lòng đến sớm quá. Học xong là thở phào, xin được việc là thấy đủ. Ít ai tự hỏi: "Sau đó thì sao?".
Còn cái đứa từng bị xem là "dốt"? Nó cứ đi từng bước nhỏ, mày mò học hỏi, làm sai rồi sửa. Lúc tôi lên thạc sĩ, nó học Excel. Lúc tôi đi họp văn phòng, nó đi gặp nhà đầu tư. Lúc tôi bắt đầu sợ thay đổi, nó bắt đầu mở chi nhánh mới.
Trong một cuốn sách tôi đã quên tên có câu thế này: "Trường học có thể cho bạn điểm số, nhưng cuộc đời mới cho bạn thực tế. Và thực tế thì không quan tâm bạn từng là học sinh giỏi hay đội sổ, nó chỉ quan tâm bạn làm được gì".
Giờ đây, mỗi lần họp nhóm, nhìn lại đứa từng bị chê bai nhiều nhất nay trở thành người trụ cột tài chính của cả gia đình, tôi lại nghĩ: Có lẽ cái gọi là "thành công" không thuộc về ai giỏi hơn, mà thuộc về ai kiên trì hơn.
Không ai muốn mình là "đứa học dốt". Nhưng nếu bạn từng là người bị điểm thấp, bị đánh giá thấp, thì cũng đừng vội tuyệt vọng. Vì sau tất cả, thứ quan trọng nhất không phải là bạn đứng thứ mấy hồi đi học mà là bạn có tiếp tục tiến lên mỗi ngày không.
Tôi nhìn lại nhóm bạn cũ và nhận ra thành công không đo bằng thứ hạng, mà đo bằng ý chí và tinh thần học hỏi sau khi đã rời khỏi ghế nhà trường.
Và đôi khi, đứa từng bị xem thường lại chính là người truyền cảm hứng nhiều nhất.