Theo The Washington Post đưa tin ngày 21/5, Bộ An ninh Nội địa Mỹ (DHS) đã thông báo tạm thời thu hồi quyền sử dụng hệ thống SEVIS của Harvard – cơ sở dữ liệu liên bang bắt buộc để các trường được phép tuyển sinh sinh viên nước ngoài. Không có thông cáo báo chí chính thức nào từ DHS, nhưng nhiều nguồn tin nội bộ cho biết Harvard bị cáo buộc "thiếu minh bạch" trong việc cập nhật hồ sơ sinh viên quốc tế.
Lệnh cấm này đồng nghĩa với việc Harvard tạm thời không thể tiếp nhận sinh viên nước ngoài cho năm học 2025-2026, gây xáo trộn lớn trong cộng đồng giáo dục quốc tế. Theo dữ liệu từ Harvard, sinh viên quốc tế chiếm khoảng 25% tổng số sinh viên của trường, tương đương hơn 6.000 người trong các chương trình đại học và sau đại học. Việc tạm dừng tuyển sinh có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sứ mệnh giáo dục toàn cầu của trường.
Đại học Harvard
Ngay sau đó, Harvard đã nộp đơn kiện lên tòa án liên bang. Ngày 23/5, quyền Chủ tịch Đại học Harvard - ông Alan M. Garber công bố thư ngỏ chính thức trên trang web của trường: "Chúng tôi phản đối mạnh mẽ quyết định bất ngờ và không có cơ sở pháp lý này. [...] Sinh viên quốc tế là một phần không thể tách rời trong sứ mệnh toàn cầu của Harvard".
Ông Garber cũng cam kết sẽ làm mọi cách để "bảo vệ quyền lợi sinh viên quốc tế".
Cũng trong ngày 23/5, tòa án liên bang đã đồng ý ban hành lệnh đình chỉ tạm thời, cho phép Harvard tiếp tục tuyển sinh sinh viên quốc tế trong thời gian chờ phán quyết cuối cùng. Phiên điều trần chính thức được ấn định vào ngày 29/5, mang lại hy vọng cho hàng nghìn học sinh đang chờ cơ hội du học.
Thông tin nhanh chóng lan rộng, khiến hàng nghìn học sinh nộp hồ sơ vào Harvard rơi vào trạng thái bối rối. Các nền tảng như X, Weibo, Instagram và Reddit tràn ngập tâm sự lo lắng, tức giận, thậm chí tuyệt vọng từ du học sinh.
Một học sinh Hàn Quốc chia sẻ với CNN: "Tôi đã chọn Harvard thay vì Đại học Quốc gia Seoul (SNU - đại học top đầu của Hàn Quốc - PV) vì tôi tin vào giấc mơ toàn cầu. Bây giờ, giấc mơ đó sụp đổ".
Một sinh viên Hàn Quốc khác đang theo học chương trình thạc sĩ bình luận trên Twitter: "Tôi luôn coi Harvard là nơi học thuật đặt lên hàng đầu. Nhưng giờ thì thấy tương lai mình có thể bị quyết định bởi yếu tố chính trị".
Nhiều sinh viên quốc tế tỏ ra hoang mang
Trên Weibo, dữ liệu từ Baidu Baijiahao cho thấy từ khóa "Harvard bị cấm tuyển sinh sinh viên quốc tế" lọt top 3 tìm kiếm ngày 22/5, với hàng triệu lượt thảo luận. Một phụ huynh ở Thượng Hải viết: "Con tôi đã nhận thư báo trúng tuyển. Vậy giờ là sao? Ai chịu trách nhiệm cho tâm lý của những đứa trẻ này?".
Trên diễn đàn Reddit, một tài khoản tự xưng là sinh viên đã nộp hồ sơ vào Harvard viết: "Tôi đã từ chối ba trường top khác để chờ Harvard. Giờ thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra".
Nhiều học sinh đang cân nhắc chọn lại trường, hoặc chuyển hướng sang Canada, Úc - nơi chính sách với sinh viên quốc tế được cho là cởi mở hơn.
Trong một diễn biến bất ngờ, ngày 24/5, Đại học Khoa học và Công nghệ Hồng Kông - HKUST (Trung Quốc) tuyên bố sẽ chấp nhận đơn đăng ký từ những sinh viên quốc tế đã được nhận vào Harvard, mà không cần xét tuyển lại.
"Chúng tôi sẵn sàng tiếp nhận các bạn như chính Harvard đã làm, vì tri thức không có biên giới", GS. Guo Yike, hiệu trưởng HKUST nói, trích lời South China Morning Post.
Theo The Straits Times, HKUST đồng thời cam kết hỗ trợ visa, nơi ở và cả học bổng chuyển tiếp. Động thái này không chỉ là cánh tay chìa ra giữa khủng hoảng, mà còn là lời tuyên bố mạnh mẽ về năng lực cạnh tranh học thuật của các trường châu Á trong sân chơi toàn cầu.
Đại học Khoa học và Công nghệ Hồng Kông (HKUST)
Tổng hợp