Tôi từng có thói quen chi tiêu bốc đồng. Mỗi lần quẹt thẻ tín dụng và nhận lại một món đồ mới, tinh thần tôi phấn chấn hơn hẳn. Nhưng tới cuối tháng, nhìn sao kê thẻ tín dụng và số tiền cần trả, tôi lại rùng mình sợ hãi, đôi khi còn cảm thấy tuyệt vọng.
Đó là lúc tôi nhận ra mình không thể chiều chuộng bản thân mãi chỉ vì những niềm vui nhất thời. Tôi nghĩ rằng mong muốn tiết kiệm tiền của phần lớn mọi người đều bắt nguồn từ cảm giác tuyệt vọng với những hóa đơn phải trả do thói quen chi tiêu bốc đồng.
Nhờ đó, chúng ta mới có động lực kiểm soát chi tiêu. Phương pháp của mỗi người có lẽ sẽ khác nhau, nhưng dưới đây là 4 việc tôi đã luôn áp dụng, để tiết kiệm không còn là gánh nặng hay áp lực.
1 - Luôn dùng tiền mặt trong chi tiêu hàng ngày
Tôi đặt ngân sách chi tiêu cho bản thân theo từng tuần, sau đó, tôi sẽ rút số tiền tương ứng với ngân sách ra thành tiền mặt, và trang trải mọi chi tiêu thường ngày bằng tiền mặt. Sử dụng tiền mặt giúp tôi kiểm soát chi tiêu dễ dàng hơn, và quan trọng nhất là chỉ khi thanh toán bằng tiền mặt, tôi mới cảm nhận được rõ rằng mình đang tiêu tiền.
Ví như khi mua một chai nước lọc hay mớ rau, nếu thanh toán bằng hình thức chuyển khoản hoặc quẹt thẻ, kỳ thực, số tiền không nhiều nên thành ra cảm giác mình đang không tiêu tiền vậy. Việc tưởng chừng vô thưởng vô phạt ấy chính là rào cản trong việc quản lý chi tiêu, tiết kiệm.
2 - Không săn đồ giảm giá một cách bừa phứa
Khoảng 8 năm trước đây, khi việc mua sắm trên các sàn TMĐT còn chưa thực sự phổ biến, tôi đã là một “tay cừ khôi” trong việc săn sale mỗi đợt lễ lớn. Giờ nghĩ lại mới thấy, lúc ấy tôi mua sắm vì tâm lý sợ bỏ lỡ mất món hời, chứ không phải vì bản thân thực sự cần những món đồ ấy.
Có lẽ, đó chính là cạm bẫy lớn nhất mà chúng ta cần nhận ra để tránh rơi vào khi nhìn thấy những quảng cáo “giảm giá”. Đương nhiên, việc săn sale không xấu, cũng là một cách tiết kiệm tiền hiệu quả, miễn là đừng săn sale một cách mù quáng. Thứ mà bạn nghĩ là món hời ấy có thể chính là “thủ phạm” hủy hoại ví tiền. Mua một mớ đồ giá rẻ nhưng không thực sự cần thiết không chỉ gây tốn tiền, mà còn tốn cả không gian sống, thực chẳng đáng!
3 - Đặt những mục tiêu nhỏ trên hành trình tiết kiệm
Đặt mục tiêu quá lớn, quá dài hạn có thể khiến chúng ta dễ rơi vào trạng thái nản lòng. Tôi cảm nhận rất rõ được việc này. Thời gian đầu mới học cách quản lý chi tiêu và tiết kiệm, tôi luôn nghĩ tới những con số rất lớn, ví dụ như phải tiết kiệm được nửa tháng lương, một năm phải dư được tiền trăm triệu.
Chưa kể, việc đặt mục tiêu trong dài hạn còn dễ làm nảy sinh tư duy trì hoãn, rằng “tháng này không tiết kiệm thì tháng sau sẽ bù”.
Vô hình trung, việc đặt mục tiêu lớn và dài hạn lại trở thành việc không bao giờ xảy ra. Sau này, tôi đặt mục tiêu tiết kiệm theo từng tuần, và mọi thứ từ đó mới dần cải thiện.
4 - Tự thưởng cho bản thân
Tôi coi việc tiết kiệm là mục tiêu lớn và quan trọng, mà đã gọi là mục tiêu lớn, nếu hoàn thành được, tôi nghĩ rằng bản thân mình cũng xứng đáng được thưởng. Đó là lý do nếu tôi tuân thủ được việc tiết kiệm trong 3 tháng liên tiếp, tôi sẽ tự thưởng cho bản thân 1 ngày chi tiêu mà không cần nghĩ.
Đương nhiên, “ngày tự thưởng” này cũng cần có giới hạn, tự thưởng không có nghĩa là rút hết tiền tiết kiệm và chi tiêu vô tội vạ, mà chỉ đơn giản là trong ngân sách chi tiêu của tuần đó, tôi sẽ chi nhiều tiền hơn một chút cho việc ăn uống, hoặc mua sắm vài món đồ như quần áo, hoặc son môi.
Nhờ “tự giao kèo với bản thân” như vậy, mà động lực tiết kiệm của tôi mãnh liệt hơn hẳn. Suy cho cùng, tiết kiệm là việc cả đời, nên nếu quá khắt khe, chúng ta sẽ dễ nản lòng.