Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga là cánh tay phải của ông Shinzo Abe. Trong cuộc bỏ phiếu chuẩn bị diễn ra vào chiều nay, ông Suga được dự báo giành ít nhất 52 trong tổng số 141 phiếu bầu, vốn được phân bổ cho các nhánh đảng khu vực và 70% trong số 394 phiếu bầu được phân bổ cho các nhà lập pháp của đảng.
Điều đó giúp mang lại cho ông Suga hơn 60% trong tổng số 535 phiếu ủng hộ, giúp ông áp đảo hoàn toàn trong cuộc đua vị trí lãnh đạo đảng trước các đối thủ, bao gồm Bộ trưởng Quốc phòng Shigeru Ishiba và cựu Bộ trưởng Ngoại giao Fumio Kishida. Việc trở thành lãnh đạo đảng cầm quyền sẽ giúp ông Suga trở thành Thủ tướng Nhật Bản, kế nhiệm ông Shinzo Abe mới từ chức vì lý do sức khỏe.
Các nhà lập pháp đảng Dân chủ Tự do cầm quyền từ cả 2 viện của Quốc hội sẽ bỏ phiếu lúc 14h chiều theo giờ địa phương tại một khách sạn ở Tokyo. Đảng LDP đã nắm quyền lãnh đạo Nhật Bản gần như liên tục từ năm 1955. Dự kiến, họ sẽ sử dụng thế đa số trong Quốc hội để bầu ông Suga trở thành Thủ tướng Nhật Bản vào ngày 16/9 thay thế ông Abe.
Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Taro Aso cũng dự báo Nhật Bản sẽ tiến hành tổng tuyển cử sớm để hợp pháp hóa chính quyền mới. Dù bản thân ông Suga nhiều lần nói rằng công chúng Nhật Bản không muốn bầu cử trong thời điểm dịch bệnh lây lan nhưng sự ủng hộ mạnh từ nội các khiến nhiều khả năng bầu cử sớm sẽ nhanh chóng được tổ chức.
Ông Suga đã cam kết duy trì chính sách tiền tệ đặc trưng đang được biết đến với cái tên "Abenomics", một di sản của nhà lãnh đạo Shinzo Abe. Ông Suga cũng tuyên bố sẽ mạnh tay hơn nếu cần trong các vấn đề về chính sách tiền tệ nhằm bảo vệ việc làm và các doanh nghiệp trong cuộc khủng hoảng Covid-19 hiện nay.
Thực tế, bất cứ dấu hiệu nào cho thấy việc Nhật Bản rời bỏ con đường của "Abenomics" đều có thể khiến đồng yên tăng giá, chứng khoán lao dốc và tác động mạnh tới triển vọng quốc gia của Nhật Bản, vốn đã rất loay hoay trong cơn bão chiến tranh thương mại và dịch bệnh.
Trong khi đó, Văn phòng Thủ tướng Nhật Bản ngày 12/9 cho biết ông Shinzo Abe đã dành khoảng 4 tiếng đồng hồ tại Bệnh viện Keio để thực hiện liệu pháp điều trị bệnh viêm đại tràng mãn tính. Đây là lần thứ 3 ông phải vào viện trong vài tuần gần đây và là lần đầu tiên kể từ sau khi tuyên bố từ chức Thủ tướng Nhật Bản.
Việc ông Abe từ chức được xem là một cú sốc cho Nhật Bản và cả thế giới. Tuy nhiên, lý do của nó liên quan mật thiết với công việc của người chèo lái nền kinh tế Nhật Bản. Ông Abe từng có 147 ngày làm việc liên tiếp từ tháng Giêng tới khi phải nhập viện. Cuộc khủng hoảng Covid-19 và các nỗ lực cứu Thế vận hội Tokyo 2020 cùng hàng loạt vấn đề của nền kinh tế đã gây những áp lực khổng lồ lên vị Thủ tướng 65 tuổi.
Sự việc ông Abe từ chức tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh báo về karoshi - văn hóa làm việc tới chết mà Chính phủ của ông Abe đang cố gắng xóa bỏ. Thay đổi văn hóa karoshi từng được xem như con đường tiến tới sự tái sinh của Nhật Bản nhưng việc ông Abe bị nó quật ngã cho thấy một sự thực cay đắng.