Theo các nguồn tin thân cận, Thủ tướng Abe không muốn để vấn đề sức khỏe ảnh hưởng đến việc điều hành đất nước. Có khả năng Thủ tướng Abe sẽ giải thích lý do cho quyết định này vào buổi họp báo chiều cùng ngày.
Phóng viên TTXVN tại Tokyo dẫn nguồn tin trên cho biết từ đầu Hè năm 2020 đến nay, do phải điều hành đất nước đối phó với dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, Thủ tướng Abe gần như dành toàn bộ thời gian ở tại Văn phòng Thủ tướng để xử lý công việc. Trong khoảng thời gian từ 16-18/8, Thủ tướng Abe đã quyết định nghỉ phép tại nhà riêng nhưng ngay lập tức ngày 17/8 ông đã phải tới bệnh viện thuộc Đại học Keio để kiểm tra sức khỏe trong hơn 7 tiếng. Tới ngày 24/8, Thủ tướng Abe tiếp tục vào viện để tái khám. Phát biểu với các phóng viên sau khi rời viện, ông khẳng định sẽ chú ý tới vấn đề sức khỏe và quay trở lại công việc. Cùng ngày hôm đó, Thủ tướng Abe đánh dấu ngày cầm quyền thứ 2.799 liên tiếp, thời gian cầm quyền không gián đoạn lâu nhất trong lịch sử chính trường Nhật Bản.
Vào năm 2007, ông Abe được bầu làm Thủ tướng Nhật Bản khi mới 52 tuổi, độ tuổi trẻ nhất trong các đời thủ tướng tại quốc gia Đông Á này kể từ sau chiến tranh. Tuy nhiên, chỉ sau 366 ngày nắm quyền, Thủ tướng Abe đã phải từ chức vì bệnh viêm loét đại tràng. Đến năm 2012, ông trở lại nắm quyền lần hai và liên tục giữ cương vị người đứng đầu Chính phủ Nhật Bản từ đó đến nay.
Giới truyền thông Nhật Bản gần đây bắt đầu lên tiếng quan ngại về tình hình sức khỏe của thủ tướng. Vào đầu tháng 7, một tạp chí đưa tin Thủ tướng Abe đã ho ra máu trong lúc ở phòng làm việc, nhưng giới chức Nhật Bản từ chối xác nhận thông tin này.
Ngày 24/8 vừa qua, Thủ tướng Shinzo Abe đánh dấu ngày cầm quyền thứ 2.799 liên tiếp, qua đó trở thành thủ tướng có thời gian cầm quyền không gián đoạn lâu nhất trong lịch sử Nhật Bản.
Quãng thời gian này cũng tương đương với thời gian lãnh đạo Chính phủ Nhật Bản của cựu Thủ tướng Eisaku Sato từ tháng 11/1964 đến tháng 7/1972. Nếu tính cả khoảng thời gian lãnh đạo từ năm 2006-2007 thì tổng số ngày cầm quyền của Thủ tướng Abe là hơn 3.000 ngày, nhiều hơn con số 2.886 ngày mà cựu Thủ tướng Taro Katsura từng lãnh đạo đất nước này những năm 1900.
Ngoài Thủ tướng Abe thì chỉ có 10 người khác từng giữ vị trí Thủ tướng Nhật Bản trong hơn 1.000 ngày liên tiếp, trong đó có cựu Thủ tướng Nobusuke Kishi, ông của Thủ tướng Abe, cầm quyền trong 1.241 ngày.
Thời gian gần đây, tỷ lệ ủng hộ nội các của Thủ tướng Abe ở mức khá thấp. Theo kết quả một cuộc khảo sát do hãng tin Kyodo tiến hành công bố vào ngày 23/8, tỷ lệ tín nhiệm dành cho Nội các của Thủ tướng Abe chỉ ở mức 36%, mức thấp thứ hai kể từ khi ông quay trở lại nắm quyền vào cuối năm 2012.
Những thành quả phục hồi kinh tế đạt được nhờ chính sách mà chính phủ của ông đề ra, hay còn được biết đến là Abenomics, đã bị lu mờ khi đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 bùng phát ở Nhật Bản, khiến nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa và nhiều người mất việc làm.
Quý II năm nay, GDP của Nhật Bản chỉ đạt 485.000 tỷ yen (4.600 tỷ USD), thấp hơn cả mức 504.000 tỷ yen trong quý I/2013, quý đầu tiên mà ông Abe trở lại cầm quyền. Ông Abe lâu nay vẫn hy vọng có thể hoàn thành mục tiêu sửa đổi hiến pháp trước khi nhiệm kỳ lãnh đạo Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyết kết thúc vào tháng 9 năm sau.
Theo Bloomberg, các ứng cử viên tiềm năng thay thế ông Abe gồm có cựu Bộ trưởng Quốc phòng Shigeru Ishiba, 63 tuổi; Bộ trưởng Quốc phòng Taro Kono, 57 tuổi; cựu Ngoại trưởng Fumio Kishida, 63 tuổi; Chánh văn phòng Nội các Yoshihide Suga, 71 tuổi và Bộ trưởng Tài chính Taro Aso, 79 tuổi.