Vào năm 2017, người trẻ trên khắp thế giới đã lên tiếng chỉ trích một tỷ phú Úc, người lên tiếng chỉ trích một bộ phận giới trẻ "tiêu 40 USD (927 nghìn đồng) để bơ, uống cà phê" và vẫn mong đợi mua được nhà. Vậy nhưng tại Hàn Quốc, không ít thanh niên đang cố lấy lại lý tưởng cuộc đời mình bằng cách chi tiền cho những thứ xa xỉ - từ việc đi taxi thoải mái đến tự thưởng cho mình những bữa ăn sushi đắt đỏ - đó là công cụ sinh tồn tâm lý được gọi là "shibal biyong".
Nếu dịch sát nghĩa "shibal biyong" có nghĩa là "chi phí cái quái gì", là từ ghép giữa "shibal", từ cảm thán thể hiện sự bất mãn, và "biyong" là chi phí. Nó xuất hiện lần đầu tiên vào năm 2016 và được sử dụng với ý nghĩa "số tiền tôi chỉ chi khi quá căng thẳng". Lúc đó, thuật ngữ này lập tức được đông đảo người trẻ Hàn chú ý và nó thậm chí còn được một vài trang báo gọi là "chủ nghĩa tân học của năm".
Hiểu đơn giản, "shibal biyong" là một khoản tiền được chi ra cho những điều tưởng như không cần thiết nhưng lại có thể giúp con người vượt qua một ngày tồi tệ. Đó có thể là 20 USD (463 nghìn đồng) cho một chuyến đi taxi thay vì đi bộ về nhà sau khi bị cấp trên từ chối cho lên chức. Hoặc nó có thể là khoản tiền an ủi, mang đến cho bạn một bữa ăn sushi ngon lành sau một ngày bị sếp mắng mỏ liên tục. Ngụ ý của "shibal biyong" là con người có thể khiến bản thân trở nên hạnh phúc trong một giây phút ngắn ngủi khi tương lai phía trước trở nên mù mịt. Mua một áo khoác thật đẹp bởi vì bạn sẽ chẳng bao giờ tậu được căn nhà dù có cố gắng đến đâu đi chăng nữa. Tự thưởng cho mình bữa ăn bò bít tết bởi vì đằng nào, bạn cũng chẳng thể dành dụm đủ tiền để dùng sau khi về hưu đâu.
"Tôi đồng cảm nhiều với hiện tượng này. Tôi thất bại trong việc dành dụm tiền bạc nên thay vào đó, tôi sẽ chi cho các khoản du lịch bất chợt giữa tất cả các kỳ nghỉ" - Oh Ji-yeon, tân sinh viên khoa Ngữ Anh học, cho biết.
"Bạn không uống cà phê không có nghĩa là bạn có thể mua được xe hay nhà" - nhà văn Kang Yoon-hee viết trong tác phẩm OhmyNews. Từ khi nhà và xe trở thành những thứ xa xỉ, vượt quá khả năng của hầu hết người trẻ, họ đã chuyển sang chi tiền cho các thứ trong tầm với. Một tách cà phê cùng một lát bánh ngọt chính là tấm vé đưa họ đến một ốc đảo đô thị dù chỉ trong một khoảng thời gian ngắn. Tại các quán cà phê đẹp đẽ và sang trọng, giới trẻ khoác lên người những bộ trang phục hợp thời trang dù không quá đắt đỏ và thế là họ có thể cho ra đời hàng trăm bức ảnh "sống ảo" xịn xò, đủ để đăng lên Facebook hoặc Instagram và nhận được nhiều sự chú ý.
Mạng xã hội cũng là một động lực khác cho lối sống "shibal biyong". Được biết, Hàn Quốc có tỷ lệ người sở hữu điện thoại thông minh và tỷ lệ sử dụng internet cao nhất thế giới. Hầu hết người trẻ đều sử dụng các nền tảng mạng xã hội như Instagram, Facebook, KakaoTalk... nơi mà dễ dàng thấy được sự tôn vinh dành cho "shibal biyong" và lối sống ấy được chấp nhận rộng rãi.
Những quán cà phê hợp thời luôn thu hút giới trẻ Hàn Quốc tìm đến trước khi cho ra đời những bức ảnh "sống ảo".
"Shibal biyong" không tự dưng mà nó. Nó đi cùng với các thuật ngữ khác như "geumsujeo" (thìa vàng) và "hell Joseon" (Hàn Quốc địa ngục), cũng rất phổ biến trong những năm gần đây. Tất cả chúng đều chỉ ra sự tuyệt vọng của một bộ phận người Hàn Quốc cảm thấy cuộc sống quá khó khăn, họ không được hưởng nhiều quyền lợi như những đứa trẻ sinh ra trong gia đình giàu có và cũng chẳng đủ tiền để ra nước ngoài sinh sống.
Theo Thống kê Hàn Quốc, vào năm 2015, có 10 người trẻ thì có 7 người tin rằng bất bình đẳng xã hội là một vấn đề lớn và nó hoàn toàn có lý do. Trong số các quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Hàn Quốc xếp thứ 31/36 về chênh lệch thu nhập.
Năm 2018, tỷ lệ thất nghiệp Hàn Quốc đạt mức cao nhất kể từ năm 1999. Một phần nguyên nhân của vấn đề này được cho là nằm ở giới chaebol, các tập đoàn được sở hữu bởi các gia đình tài phiệt, ở xứ sở kim chi, vẫn độc quyền phần lớn nền kinh tế của đất nước. Điều này khiến người trẻ phải cố gắng nhiều hơn gấp bội mới có thể tìm được việc làm trong các tập đoàn lớn do giới chaebol điều hành. Để được như vậy, họ phải dành cả tuổi thơ và thanh xuân đâm đầu vào học tập, giành một chỗ trong giảng đường đại học. Sau khi tốt nghiệp, người trẻ tiếp tục vật lộn tìm việc, song cơ hội thăng tiến lên chức vị cao lại không có nhiều.
Bất bình đẳng xã hội và cảm giác tuyệt vọng đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tinh thần của người Hàn Quốc. Gần một nửa cái chết của những người thuộc độ tuổi 20 ở Hàn Quốc là do tự tử. Đất nước này ghi nhận tỷ lệ tự tử cao nhất trong số các quốc gia thuộc OECD từ năm 2003 đến 2016.
Dựa vào một cuộc khảo sát năm 2017, số tiền tối đa thông thường được một người chi cho "shibal biyong" rơi vào khoảng 90 USD (khoảng 2 triệu đồng). Ngoài ra, số lượng người sử dụng tiền trên thẻ tín dụng để chi trả cũng tăng lên theo từng năm. Tuy nhiên, việc chi tiền như vậy không có nghĩa là người trẻ Hàn không đối mặt với hiện thực. Thực tế hoàn toàn ngược lại: Đối với nhiều người, tiêu dùng ngắn hạn đã trở thành một lựa chọn hợp lý nhằm tối đa hóa lợi ích của tiền bạc.
Một cuộc khảo sát được thực hiện năm 2018 của Viện Chính sách Thanh niên Quốc gia đã chỉ ra rằng 46% thanh niên Hàn Quốc tin rằng việc mua nhà hoặc là tiêu tốn của họ khoảng 20 năm cố gắng lao động không ngừng nghỉ hoặc là chẳng bao giờ có thể đạt được. Giá nhà tại Seoul, nơi có gần một nửa dân số Hàn Quốc sinh sống, giờ đã ngang ngửa với thành phố New York, Mỹ, bất chấp thu nhập của người dân ở 2 quốc gia hoàn toàn khác biệt. Giới trẻ Hàn bắt đầu từ bỏ những lựa chọn đầu tư truyền thống, chẳng hạn như cổ phiếu, trái phiếu... vì họ không thể tiết kiệm đủ tiền hoặc họ cho rằng lợi nhuận sẽ không bao giờ đuổi kịp với chi phí gia tăng.
Ngoài "shibal biyong", một thuật ngữ khác cũng quen thuộc với giới trẻ Hàn Quốc là "tangjinjaem" có nghĩa là niềm vui tối đa: Bằng việc tiêu tiền trên những thứ vô bổ, con người sẽ tìm được những niềm vui không hiện diện trong cuộc sống này.
Giáo sư Alex Taek-Gwang Lee tại Đại học Kyunghee, Seoul, cho biết: "'Shibal biyong' và 'tangjinjaem' là những nỗ lực mang tính biểu tượng để giải quyết các vấn đề xã hội thông qua tiêu dùng cá nhân. Khi tiết kiệm không đảm bảo cho tương lai, thì việc đầu tư cho hiện tại sẽ tạo ra được nhiều động lực hơn".
Trên thực tế, nhiều cuộc tranh cãi lớn đã nổ ra ở xã hội Hàn Quốc về việc cần phải làm gì cho người trẻ. Tỷ lệ thất nghiệp ngày càng cao và không có dấu hiệu giảm xuống. Thời gian qua, Tổng thống Moon Jae-in cũng đưa ra cam kết trong chiến dịch giải quyết các mối quan tâm của giới trẻ.
Thế nhưng, không ít ý kiến cho rằng, việc nhìn nhận thói quen chi tiêu của giới trẻ là thể hiện tình trạng nghèo đói của thanh niên thời hiện đại sẽ khiến giới trẻ trở thành những "sinh vật bất lực chờ đợi người lớn ban phát lòng trắc ẩn". Dựa vào "shibal biyong" và "tangjinjaem" để huy động sự giúp đỡ cho thế hệ trẻ chỉ làm họ trở thành nạn nhân và cướp đi quyền tự quyết của họ.
Theo ý kiến của một người trẻ có tên là Koo Se-woong, "shibal biyong" và "tangjinjaem" chỉ biến mất khi giới trẻ trở nên giàu có hơn hoặc tìm được công việc ổn định. Ở quốc gia với đầy rẫy người dùng điện thoại thông minh và nghiện mạng xã hội, giá trị cuộc sống đã chuyển đổi từ tương lai sang tập trung cho hiện tại. Khi được làm những gì mình cảm thấy hài lòng và thể hiện được bản thân, người trẻ sẽ cảm giác như họ đã tìm được ý nghĩa cuộc sống. Ngay cả khi cách sống này không được người lớn tán thành.
Giới trẻ Hàn Quốc không thể chi tiêu như thời bố mẹ họ. Họ thật sự đang nỗ lực trong công việc để tạo ra ngân sách cho "shibal biyong", cố gắng cân bằng hạnh phúc của ngày hôm nay trước khi bước vào một tương lai tài chính nghiệt ngã. Người trẻ nơi đây biết rằng họ không thể có được điều gì lớn lao, như một căn nhà, dù có từ bỏ "shibal biyong", liều thuốc tinh thần giúp họ sống qua ngày. Chỉ khi các biện pháp được thực hiện để giúp họ tin rằng họ đủ khả năng để đạt được một thứ gì đó thì việc tiết kiệm cho tương lai mới trở nên có ý nghĩa.
Nguồn: Foreign Policy