Nhìn tưởng Bắc Cực, nhưng đây lại là hồ nước rộng và sâu nhất thế giới, ẩn chứa 5 bí ẩn nhân loại chưa có câu trả lời

Gia Hiển, Theo Helino 00:06 08/08/2019

Dù còn nhiều bí ẩn, nhưng hồ Baikal vẫn thu hút đông đảo du khách từ khắp nơi trên thế giới đến khám phá mỗi năm, được mệnh danh là “thiên đường hạ giới”.

Một điều thường thấy là con người luôn tò mò về những điều chưa biết, đặc biệt là những bí ẩn về lịch sử, địa lý, khoa học của nhân loại. Chính vì thế những địa điểm như hồ Baikal - hồ nước ngọt sâu và rộng nhất thế giới, càng thu hút nhiều du khách đến khám phá hơn.

Mới đây, nhiếp ảnh gia Кристина Макеева đã đăng tải trên tạp chí Boredpanda bộ ảnh chụp hồ Baikal trong mùa xuân khi băng tan, kèm theo đó là 5 bí ẩn chưa có lời giải về nơi này.

Nhìn tưởng Bắc Cực, nhưng đây lại là hồ nước rộng và sâu nhất thế giới, ẩn chứa 5 bí ẩn nhân loại chưa có câu trả lời - Ảnh 1.

Hồ Baikal nằm ở phía nam Siberi, giữa tỉnh Irkutsk và nước Cộng hoà Buryatia. Baikal là hồ nước ngọt có lượng nước lớn nhất và sâu nhất trong các hồ trên thế giới.

1. Tại sao hồ có tên “Baikal”?

Trước thế kỷ XVII, người Nga gọi tên hồ là “Lamu”. Theo ngôn ngữ Evenk thì có nghĩa là “Biển”. Sau này hồ mới được người Buryati gọi là “Baigal”, và để cho từ “Baigal” thuận tai hơn với cách nói của người Nga, chữ “g” được đổi thành chữ “k”.

Cho dù như vậy, cái tên “Baikal” vẫn chưa có lời lý giải xác đáng. Giả thuyết thứ nhất dựa theo cách tách nghĩa tên hồ thành “Bai” và từ “Gal”. Theo như ngôn ngữ của người Buryati thì “Bai” là “đứng” và “Gal” là “ngọn lửa”. Theo như truyền thuyết của người Buryati, vị trí của hồ Baikal ngày nay trước đây là ngọn núi mà trên đó luôn có lửa cháy. Giả thuyết thứ hai dựa trên cách gọi của tiếng Yakut, “Bai” mang ý nghĩa là “Giàu” và “Kyuol” là “Hồ”. Giả thuyết tiếp theo dựa theo ý nghĩa và âm tiết của tiếng Arab, từ Bakhr - al - Baka mang ý nghĩa là “Biển nước làm nảy sinh vô vàn giọt nước mắt” hoặc có thể là “Biển nước kinh khủng”. Người Buryati còn có nhiều giả thuyết khác về tên gọi của hồ, nhưng nhiều nhà ngôn ngữ học lại nghiêng về giả thuyết thứ 2.

2. Hồ Baikal bao nhiêu tuổi?

Hầu hết những nghiên cứu đều đưa ra kết quả hồ Baikal có tuổi đời khoảng từ 25 – 30 triệu năm. Nếu như giả định này là đúng thì hồ Baikal là hồ lâu đời nhất trong các hồ cổ xưa trên thế giới. Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng hoài nghi với con số này vì đa phần các hồ nước ngọt không tồn tại được quá 10 - 14 nghìn năm, bởi sau thời gian này nước sẽ bị bùn hóa và biến thành đầm lầy.

Nhìn tưởng Bắc Cực, nhưng đây lại là hồ nước rộng và sâu nhất thế giới, ẩn chứa 5 bí ẩn nhân loại chưa có câu trả lời - Ảnh 5.

3. Vì sao mặt hồ khi đóng băng lại xuất hiện những vòng tròn?

Các vòng tròn đặc biệt này được phát hiện lần đầu năm 1999. Kể từ đó, các nhà khoa học Mỹ và Nga đã lên kế hoạch cụ thể để theo dõi bề mặt hồ Baikal từ trên vũ trụ, điều kì lạ là không phải năm nào mặt hồ khi đóng băng cũng có những vòng tròn. Theo như quan sát, những nhà khoa học chỉ thấy chúng vào năm 2003 - 2005 - 2008 - 2009.

Ban đầu, mọi người đồn rằng những vòng tròn này là ký hiệu giao tiếp của người ngoài hành tinh. Nhưng các nhà khoa học đã sớm tìm ra câu trả lời từ năm 2010. Theo nghiên cứu, những vòng tròn này được tạo nên do hiệu ứng của khí thải methane từ trầm tích dưới đáy hồ, vì hồ Baikal nằm trên vùng đứt gãy Baikal. Vào mùa hè, hiện tượng này không có bởi khí thải sẽ tự động thoát vào trong không gian. Vào mùa đông lượng khí này được trộn lẫn vào trong băng và sau đó bị đẩy lên trên bề mặt, thành những vòng tròn khổng lồ.

4. Hồ phát sáng

Chuyên gia nghiên cứu thuộc Viện vật lý kỹ thuật trực thuộc Đại học tổng hợp Yakut - Victor Dobrynin là người phát hiện ra hiện tượng nước hồ Baikal phát sáng đầu tiên vào năm 1982. Từ đó đến nay, các nhà khoa học đã đi sâu vào nghiên cứu hiện tượng này. Các mẫu nước ở độ sâu khác nhau và ở những nơi khác nhau của hồ cho thấy cường độ phát quang của nước hồ giảm theo chiều sâu và phạm vi của sự biến đổi từ bề mặt xuống đáy đạt 100 photon trở lên.

Số liệu nghiên cứu thống kê cũng cho thấy mức độ phát quang của nước thay đổi theo thời gian trong năm, từ tháng 11 đến giữa tháng 1 phát quang giảm và sau đó tăng dần lên. Các phân tích này rất có giá trị cho các nhà khoa học, nó giúp cho việc dự báo những biến đổi về sinh thái. Tuy nhiên, nghiên cứu vẫn chỉ là nghiên cứu, tại sao nước hồ Baikal lại phát quang vẫn còn là bí ẩn.

5. Những bức tường thành quanh hồ

Xung quanh hồ Baikal có rất nhiều bức tường thành được người cổ đại dựng từ thời cổ xưa. Với những bức tường gần ở khu vực hồ thì có thể được giải thích là để bảo vệ các vùng đất thiêng, nhưng còn với những bức tường dài hàng chục kilomet vào tận rừng sâu thì để làm gì? Câu trả lời vẫn còn bỏ ngỏ.

Nhìn tưởng Bắc Cực, nhưng đây lại là hồ nước rộng và sâu nhất thế giới, ẩn chứa 5 bí ẩn nhân loại chưa có câu trả lời - Ảnh 10.
Nhìn tưởng Bắc Cực, nhưng đây lại là hồ nước rộng và sâu nhất thế giới, ẩn chứa 5 bí ẩn nhân loại chưa có câu trả lời - Ảnh 11.