Nhìn loạt ảnh mặt biến dạng do đeo khẩu trang, phải cắt tóc, mặc bỉm cả ngày... của đội y tá, bác sĩ ở Vũ Hán để thấy ngành này khổ thế nào

Vân Trang - Design: Hoàng Anh, Theo Trí Thức Trẻ 00:06 06/02/2020

Người ta thường nói "nhất Y, nhì Dược" để nói về sự danh giá của những người theo đuổi ngành Y. Tuy nhiên, việc theo đuổi công việc liên quan đến tính mạng con người bao giờ cũng khiến họ phải gánh trên mình những áp lực không tưởng.

Dịch viêm phổi Vũ Hán (Trung Quốc) do virus Corona 2019-nCov gây ra đang khiến cả thế giới phải lo sợ. Bên cạnh bệnh nhân, những người phải chống chọi với dịch bệnh nhiều hơn cả là đội ngũ y bác sĩ đang ngày đêm làm việc. Nhiều người phải sống cách ly, xa gia đình, thậm chí phải hi sinh thời gian nghỉ ngơi, ăn uống. Tuy nhiên, rất nhiều y bác sĩ ở các khu vực khác cũng tình nguyện đến Vũ Hán để cứu giúp người dân vượt qua bệnh tật.

Nhắc đến đội ngũ y bác sĩ là nghĩ đến những người làm công việc vất vả nhất. Nhiều người thường nói "Nhất y, nhì dược..." vì thấy ra trường rồi sẽ chỉ có duy nhất một con đường để theo đuổi nên chắc là ổn định, thấy nghề danh giá nên chắc dễ xin việc. Thế nhưng trên thực tế, áp lực trong việc phải cứu nguy tính mạng bệnh nhân luôn là con dao "kè lên cổ" đội ngũ ngành Y, khiến bản thân họ không được phép sai sót dù chỉ một tích tắc.

Áp lực trong việc phải cứu tính mạng bệnh nhân luôn là con dao "kè lên cổ" đội ngũ ngành Y, khiến bản thân họ không được phép sai sót dù chỉ là một tích tắc.

"Ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương, ế là chuyện bình thường"

Đây là một trong những câu nói huyền thoại của sinh viên Y. Nhiều sinh viên thường đùa với nhau rằng, học ở trường 6 năm, cả lớp đều ế vì lỡ yêu nghề mất rồi, không có thời gian yêu người khác. Bởi từ lâu, Y Dược đã nổi tiếng là ngành học khó nhằn với điểm đầu vào cao chót vót kèm theo thời gian biểu học và thi căng theo từng ngày.

Khối lượng kiến thức mà sinh viên Y Dược phải học quá nhiều so với các ngành học khác, giáo trình học cũng nặng không kém. Mỗi một kỳ, sinh viên phải trải qua 6-7 chuyên khoa lẻ, giáo trình của mỗi khoa này dày 200-300 trang, phải học thuộc lòng và hiểu cặn kẽ từng vấn đề nhỏ nhất. Nhưng học thế chưa đủ, muốn hiểu sâu, muốn giỏi còn phải đọc sách tham khảo, sách nghiên cứu, sách của nước ngoài.

Tuy không phải là bác sĩ, y tá chính thức nhưng sinh viên Y phải tập làm quen với công việc tại bệnh viện, nhà thuốc từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Có những buổi trực xuyên đêm hay có sinh viên đã phải quen với những ngày đón Tết trong viện. Ngày không trực, buổi sáng lên trường học lâm sàng ở bệnh viện, chiều học lý thuyết. Thứ 7, chủ nhật quần quật ôn thi vì lịch kiểm tra, lịch thi tuần nào cũng có! Còn mùa thi thì đáng sợ khỏi nói, phòng trọ nào cũng phải im lìm để các sĩ tử có không gian học tập hoàn hảo nhất.

Không chờ đến khi chính thức trở thành y bác sĩ mới vất vả, sinh viên Y đã phải tập quen với cảnh thức thâu đêm trực viện, đối diện với hiểm nguy của bệnh nhân hàng ngày.

Học Y là sẵn sàng đánh đổi cả tuổi trẻ bên giường bệnh. Nhưng sau khi nhận được bằng, không phải ai cũng dũng cảm theo đuổi con đường phía trước. Bác sĩ 9X Minh Tuấn từng có dòng chia sẻ đáng chú ý trên mạng xã hội: "Khi tốt nghiệp ra trường, nhiều người bạn của mình đã quyết định không theo nghề nữa. Đứa làm cái này, đứa làm cái kia, miễn là kiếm được tiền. Bởi loay hoay một hồi xin việc chật vật mới tá hỏa ra còn phải học thêm một chặng đường dài trong khi kinh tế gia đình thì đã cạn kiệt. Giờ làm đến bao giờ mới mở được phòng khám tư mà kiếm tiền không suy nghĩ? Làm đến bao giờ mới có nhà lầu, xe hơi, công ăn việc làm ổn định chỉ cứ thế mà thăng tiến? Thôi mệt quá thì mình làm nghề khác luôn cho rồi!".

Câu chuyện về những vị bác sĩ làm xuyên ngày đêm, kiệt sức ngoài phòng khám và nỗi ám ảnh với những bệnh nhân quá khích

Trong trận chiến cam go với bệnh dịch viêm phổi cấp do virus Corona gây ra tại Vũ Hán, chúng ta thấy được tinh thần dũng cảm của đội ngũ y bác sĩ đã sẵn sàng đặt mạng sống vào hiểm nguy để cứu chữa những người nhiễm bệnh. Số người mắc bệnh quá tải, đã có không ít người phải làm việc lên đến 16 - 18 tiếng/ ngày, sẵn sàng đóng bỉm, chịu uống ít nước để tránh đi vệ sinh. Kết thúc mỗi ngày, họ kiệt sức đến mức ngủ trên ghế, trên sàn bệnh viện hay bất cứ nơi nào có thể... Họ sử dụng đồ bảo hộ cả ngày đến mức đã có những vết hằn sâu, vết loét hiện trên gương mặt mệt mỏi. Và mới đây, đã có một nam bác sĩ mãi mãi ra đi tuổi 28 vì đột tử sau khi làm việc quá sức.

Nhìn loạt ảnh mặt biến dạng do đeo khẩu trang, phải cắt tóc, mặc bỉm cả ngày... của đội y tá, bác sĩ ở Vũ Hán để thấy ngành này khổ thế nào - Ảnh 3.

Vết lằn của nữ bác sĩ khi phải mặc đồ bảo hộ cả ngày.

Thiếu ngủ, cắt phăng mái tóc, mặc bỉm cả ngày... là những gì đội ngũ y bác sĩ ở tâm dịch Vũ Hán phải đối mặt.

Đặc thù ngành Y không cho phép đội ngũ y bác sĩ được phép ngưng nghỉ. Với ngành khác, mỗi ngày chỉ làm 8 tiếng thì ngành này 24/24 là chuyện hoàn toàn bình thường. Thậm chí thứ 7, chủ nhật lại phải tăng ca hay đăng ăn dở bữa cơm, đang ngủ giữa đêm nghe có điện thoại cấp cứu lại phải vội phi đến bệnh viện. Chuyện kiệt sức khi làm tưởng chừng là việc khó gặp nhưng có thể lại là đôi ba chuyện tầm phào với các anh em trong nghề bác sĩ.

Trong khi người người nhà nhà đều cố gắng tránh tiếp xúc với dịch bệnh thì y bác sĩ lại là những người phải đối mặt trực tiếp và có nguy cơ truyền nhiễm cao nhất. Ngày ngày, bác sĩ phải chiến đấu giành giật mạng sống của bệnh nhân với "tử thần". Nhưng từng giây, chính họ cũng đang phải cố gắng giành giật sức khỏe cho mình.

Nhìn loạt ảnh mặt biến dạng do đeo khẩu trang, phải cắt tóc, mặc bỉm cả ngày... của đội y tá, bác sĩ ở Vũ Hán để thấy ngành này khổ thế nào - Ảnh 5.

Đặc thù ngành Y không cho phép đội ngũ y bác sĩ được phép ngưng nghỉ.

Đối diện với những mối nguy hại cho bản thân, thiếu ngủ, đầu óc lúc nào cũng căng thẳng cứ bám lấy mỗi bước hành nghề của những người theo ngành Y. Ấy vậy mà nhiều bệnh nhân cũng như người nhà sẵn sàng tỏ thái độ quá khích, dọa đánh, dọa kiện hay giết bỏ chính người đang cố gắng chữa trị cho mình.

Một bác sĩ ở tâm dịch Vũ Hán bất lực chia sẻ: "Tất cả đều lo sợ. Một số bệnh nhân trở nên tuyệt vọng khi phải chờ hàng tiếng đồng hồ trong giá lạnh. Tôi thậm chí nghe ai đó nói loáng thoáng rằng anh ta đã chờ lâu đến mức nếu có dao anh ta chỉ muốn đâm tôi một nhát. Nhưng giết vài người bác sĩ như chúng tôi cũng đâu có thể làm mọi thứ nhanh hơn, phải không?".

Nhìn loạt ảnh mặt biến dạng do đeo khẩu trang, phải cắt tóc, mặc bỉm cả ngày... của đội y tá, bác sĩ ở Vũ Hán để thấy ngành này khổ thế nào - Ảnh 6.

Có những giọt nước mắt đã rơi, có cả những mệt nhoài mà không phải ai cũng hiểu được...

Sự đánh đổi nào cũng có giá trị!

Ẩn sau câu chuyện đánh đổi cho nghề là cuộc đua nghiêm túc của những bạn trẻ không chỉ có đầu óc vượt trội mà mang trong mình cả sức mạnh và tinh thần thép. Có ai đó đã phải bỏ cuộc giữa chừng trên quãng đường 6 năm đại học nhưng đó là sự bỏ cuộc xứng đáng. Vì áp lực học hành chỉ là một phần nhỏ so với những ca trực sau này bác sĩ phải thực hiện. Những vất vả chỉ càng nói thêm rằng, nếu ai đó muốn nghiêm túc theo đuổi ngành Y thì phải cần thật nhiều sự cố gắng.

Nói đi cũng phải nói lại, bất cứ ngành nghề nào cũng có mặt trái và niềm vui của riêng nó. Học Y mệt là thế nhưng được trải nghiệm những kỷ niệm chỉ có bên giường bệnh, cảm thấy tự hào khi cả đội ngũ cứu sống được ai đó. Họ để những nỗi áp lực không tên len lỏi vào từng tế bào của mình, biến thành một hoạt chất thúc đẩy bản thân phấn đấu và vươn lên không ngừng.

Những năm gần đây, ngành Y ở nước ta ngày càng phát triển và dần trở thành điểm học được nhiều sĩ tử lựa chọn. Những trường đại học đào tạo hàng đầu có thể kể đến như: ĐH Y Hà Nội, ĐH Dược Hà Nội, Học viện Quân y, ĐH Y Dược Thái Bình... đối với phía Bắc và các trường ĐH Y Dược TP. HCM, ĐH Y Dược Huế, Khoa Y - ĐH Quốc gia TP. HCM đối với khu vực miền Nam và miền Trung. Với các trường chất lượng thì điểm đầu vào càng cao và áp lực học hành đi kèm càng lớn. Tuy nhiên, điều đó lại trở thành điểm nổi bật của các trường Y và khiến nó ngày càng trở nên giá trị.

Nhìn loạt ảnh mặt biến dạng do đeo khẩu trang, phải cắt tóc, mặc bỉm cả ngày... của đội y tá, bác sĩ ở Vũ Hán để thấy ngành này khổ thế nào - Ảnh 7.