Nhìn lại hình ảnh người phụ nữ gắn liền với ký ức phim Việt (Phần 2)

Minh Quân, Theo Trí Thức Trẻ 10:05 20/10/2017
Chia sẻ

Dẫu cho còn non trẻ, nền điện ảnh Việt Nam chưa từng quên tôn vinh hình ảnh người phụ nữ Việt Nam. Nhân ngày 20-10, hãy cùng nhìn lại một số bộ phim mà trong đó người phụ nữ Việt Nam được khắc họa chân thực và đầy sức sống.

Với nền văn hoá của Việt Nam, thân phận người phụ nữ đã trở thành một đề tài quen thuộc trong chiều dài lịch sử của thi, ca, nhạc, hoạ. Không ít những giai thoại, câu ca nổi tiếng về số phận long đong, chấp chới của người phụ nữ trong xã hội Việt đã trở thành kinh điển với tháng năm như nàng Tô Thị trong hòn vọng phu, nỗi oan Thị Kính, chị em nhà Kiều,...

Tới lượt bộ môn nghệ thuật thứ 7 xuất hiện trong đời sống văn hoá Việt, dáng hình người phụ nữ lại tiếp tục được đem vào trong giọng kể của ống kính điện ảnh, thể hiện cả những nét truân chuyên cũng như khí phách anh hùng của phái đẹp Việt. Nhân dịp ngày 20/10, ngày của phái đẹp trên khắp đất nước, tiếp tục nhìn lại những người phụ nữ đã gắn liền với ký ức điện ảnh Việt Nam.

5. Chị Dậu

Trước Làng Vũ Đại ngày ấy, đạo diễn Phạm Văn Khoa đã gây tiếng vang với một bộ phim khác cùng chuyển thể từ truyện ngắn của Ngô Tất Tố và lấy bối cảnh làng quê Việt Nam thời thực dân nửa phong kiến. Đó là Chị Dậu. Cũng như các tác phẩm khác của đạo diễn Phạm Văn Khoa, bộ phim sử dụng chất liệu của dòng văn học hiện thực phê phán để đem lại cảm xúc mạnh cho người xem, khơi gợi sự cảm thông, lòng nhân ái và cả sự căm giận, buộc con người phải trăn trở, hành động để thay đổi.

Nhìn lại hình ảnh người phụ nữ gắn liền với ký ức phim Việt (Phần 2) - Ảnh 1.

Trong đó, cuộc sống và suy nghĩ đầy nghị lực của nhân vật chị Dậu chính là đòn bẩy lớn nhất thúc đẩy cảm xúc trong khán giả. Dưới ách cai trị thực dân, chị Dậu phải gánh vác gia đình thay cho người chồng đau ốm, bị ép uổng đến mức phải bán chó, bán con mà vẫn không trả hết được thuế, phải đi làm vú em.

Nữ diễn viên Lê Vân đã hoàn thành xuất sắc vai diễn của mình, chứng tỏ mình là người sinh ra để hoá thân vào nhân vật trong truyện ngắn của Ngô Tất Tố sau 6 năm chờ đợi của đạo diễn Phạm Văn Khoa để tìm được gương mặt thích hợp.

6. Bao giờ cho đến tháng 10

Bao giờ cho đến tháng 10 tiếp tục ghi dấu ấn trong lịch sử điện ảnh với nghệ sĩ Lê Vân là nữ chính. Bộ phim được đạo diễn Đặng Nhật Minh lấy cảm hứng từ một đám tang có thật ở Quế Võ, Hà Bắc mà ông đang ngồi trong quán trú mưa chứng kiến.

Một đoàn người đi lầm lũi trong mưa... theo sau chiếc kiệu có bốn người khiêng là một phụ nữ trẻ quấn khăn trắng, dắt một đứa con trai nhỏ. Người thiếu phụ ấy chính là chị Duyên, nhân vật chính trong Bao giờ cho đến tháng 10.

Nhìn lại hình ảnh người phụ nữ gắn liền với ký ức phim Việt (Phần 2) - Ảnh 2.

Bộ phim mang nét văn hoá tâm linh người Việt lên màn ảnh bằng ngôn ngữ dung dị, nhuần nhị đậm chất huyền bí Á Đông. Cảnh đáng nhớ nhất trong phim chính là ở chợ phiên âm phủ ngày rằm tháng 7, khi chị Duyên được gặp lại người chồng đã hy sinh trong chiến trận. Cuộc đối thoại trữ tình nhưng cũng đầy ám ảnh đó đã in mãi trong lòng người xem về hình tượng người phụ nữ làm hậu phương trong gia đình thời chiến, một mực thuỷ chung, trong sáng đợi ngày chồng trở về.

7. Chị Tư Hậu

Chị Tư Hậu là bộ phim sản xuất năm 1962 của đạo diễn Phạm Kỳ Nam. Phim nói về cuộc đời một người phụ nữ miền Nam Việt Nam tên là Tư Hậu trong kháng chiến chống Pháp. Phim chuyển thể từ kịch bản là tác phẩm văn học của nhà văn Bùi Đức Ái viết năm 1958 với tựa đề "Một chuyện chép ở bệnh viện". Trong một trận càn quét của giặc Pháp, chị Tư Hậu bị cưỡng hiếp. Nỗi đau khiến chị suýt tự tử nếu không có tiếng khóc xé lòng của đứa con nhỏ khát sữa.

Nhìn lại hình ảnh người phụ nữ gắn liền với ký ức phim Việt (Phần 2) - Ảnh 3.

Từ đó, cuộc đời của chị chồng lấp, xen kẽ những đau khổ, bất hạnh khi chồng hy sinh, con bị giặc bắt và sự trưởng thành, cứng rắn để trở thành một nữ chiến sĩ can trường, bản lĩnh. Cuộc đời sương gió nhuốm màu buồn của chị Tư Hậu được diễn tả xuất sắc bằng vẻ đẹp mỏng manh, vừa man mác buồn vừa phẳng lặng hồ thu của nữ diễn viên điện ảnh Trà Giang.

8. Cô gái trên sông

Cô gái trên sông tiếp tục là một tác phẩm giàu tình cảm khác về đề tài thân phận phụ nữ của đạo diễn Đặng Nhật Minh. Bộ phim được ông coi như là tác phẩm để trả món nợ ân tình với xứ Huế, quê hương ông. Cô gái trong phim do NSND Minh Châu thể hiện chính là cô gái trong bài thơ "Tiếng hát sông Hương" của Tố Hữu. Phim kể về một người chiến sĩ cách mạng được cô gái giang hồ trên sông Hương cứu thoát khỏi cuộc săn lùng của lính nguỵ.

Nhìn lại hình ảnh người phụ nữ gắn liền với ký ức phim Việt (Phần 2) - Ảnh 4.

Cảm động trước lý tưởng cao đẹp mà anh theo đuổi, cô gái đem lòng yêu người chiến sĩ. Sau ngày Huế giải phóng, cô gái lên đường hy vọng sẽ tìm lại được người lính năm nào. Thế nhưng, niềm hy vọng của trái tim cô gái mạnh mẽ lập tức bị vùi dập bởi người lính tránh né tình cảm của cô.

Diễn xuất của NSND Minh Châu đã thể hiện cho chúng ta thấy được hình ảnh của một bông hồng gai bị tổn thương, bên cạnh vết thương toác miệng của lòng kiêu hãnh là tiếng thở dài thườn thượt của trái tim yếu mềm.

9. Người đàn bà mộng du

Người đàn bà mộng du được chuyển thể từ truyện ngắn nổi tiếng Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành của nhà văn Nguyễn Minh Châu. Bộ phim kể về câu chuyện của Quỳ (Hồng Ánh thể hiện) - một nữ quân nhân mang vẻ đẹp nhẹ nhàng, đằm thắm, một mình làm chủ trái tim của tất cả những người lính trong một cánh quân lớn trên rừng Trường Sơn.

Nhìn lại hình ảnh người phụ nữ gắn liền với ký ức phim Việt (Phần 2) - Ảnh 5.

Những người đàn ông lần lượt đi qua đời Quỳ và hy sinh, để rồi những hình bóng ấy ám ảnh suốt cuộc đời, khiến chị trở thành một kẻ quen sống với người chết, quen với những giấc mơ, những hoài niệm chiến tranh. Quỳ trở thành người đàn bà mộng du, không chỉ đêm đêm cầm đèn đi soi từng chiếc giường bệnh trong quân y viện mà còn lang thang trong suốt cuộc đời mình, không thể dừng lại ở các ga xép hạnh phúc, cho dù chiến tranh đã đi qua.

Tạm kết

Qua thời gian, hình ảnh của phái đẹp của Việt Nam cũng ít nhiều thay đổi. Khói bụi chiến tranh phai mờ dần, nhường chỗ cho một hiện tại yên bình và tươi sáng hơn. Người phụ nữ Việt không còn bị đóng đinh trong sự truân chuyên thời binh lửa nữa mà dần đón nhận những vẻ đẹp tân thời, tự do và năng động hơn. Tuy nhiên, những gì thuộc về quá khứ vẫn rất đáng chân trọng và việc ôn lại những thước phim cũ chính là cách để tôn vinh vai trò của phụ nữ Việt Nam trong lịch sử dân tộc.

Trên đây chỉ là 9 trong số rất nhiều bộ phim khai thác hình tượng người phụ nữ Việt Nam. Và với sự tiến bộ của xã hội cũng như ngành điện ảnh, chúng tôi tin chắc rằng trong tương lai gần, sẽ có thêm càng nhiều những bộ phim khắc họa được hình ảnh người phụ nữ Việt Nam hiện đại để người xem có thể thưởng thức, và thêm phần tự hào cũng như yêu quý phụ nữ Việt, đơn cử như Cô Ba Sài Gòn sắp ra mắt vào tháng sau.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày