Nhìn cách bạn xách túi, đeo balo đã biết lương tháng chưa nổi 25 triệu

Quê Hương, Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị 06:08 08/12/2021

Câu nói của nhà tuyển dụng gây tranh cãi gay gắt: Nhìn cách bạn đeo balo đã biết khả năng thích nghi kém, lương tháng còn chưa nổi 25 triệu.

Gần đây trên mạng xã hội Trung Quốc đang lan truyền một câu nói gây tranh cãi gay gắt.

Làm thế nào để biết được mức lương của một ứng viên dưới 25 triệu? Một nhà giám đốc tiếp thị đã từng "hùng hồn" viết một đoạn văn chia sẻ kinh nghiệm của mình:

"Nếu một ứng viên đến phỏng vấn, trò chuyện cả nửa tiếng đồng hồ rồi mà vẫn đeo balo trên lưng, chứng tỏ cô gái ấy không có cảm giác an toàn, khả năng hòa nhập và thích ứng kém. Những người như vậy ở Nam Kinh chắc chắn lương chưa nổi 25 triệu.

Nữ giới có mức lương trên 25 triệu thường có khả năng thích ứng cao, khi ngồi xuống sẽ lập tức cởi balo, muốn uống trà thì uống, muốn đi vệ sinh cứ việc đi. Một số người không đồng tình sẽ nói đó là thói quen đeo balo của tôi. Tôi muốn hỏi rằng, khi về đến nhà các bạn sẽ vẫn đeo balo sao?

Có phải là, vừa về đến nhà bạn sẽ ngay lập tức cởi giày, muốn đi WC thì đi, muốn ngồi xem phim thì ngồi, nhưng sẽ không ôm khư khư cái balo của mình, đúng chứ?"

Nhìn cách bạn xách túi, đeo balo đã biết lương tháng chưa nổi 25 triệu - Ảnh 1.

Hình minh họa

Đọc xong câu trả lời chắc nịch và đầy tự tin ấy khiến tôi phải ngay lập tức nhớ lại thói quen đeo balo thường ngày của mình.

Chưa cần nhìn vào năng lực, chỉ cần thông qua thói quen đeo balo liền phán đoán chắc chắn một người "không có cảm giác an toàn, không giỏi giao tiếp..." liệu như vậy có gọi là quá qua loa đại khái không?

Là một nhà tuyển dụng, chỉ qua cái nhìn phiến diện của bản thân liền đưa ra kết luận một cách tùy tiện, liệu có phải là quá vô trách nhiệm không?

Trong cuộc sống, chúng ta thường hay gặp một loại người, luôn thích gán cho người khác một cái "mác" tiêu chuẩn:

Nhìn cách bạn đeo balo liền biết rằng, lương mỗi tháng của bạn chưa nổi 25 triệu.

Thấy một cô gái ngồi trong chiếc BMW liền đoán ngay cô ta là kẻ "đào mỏ".

Bạn ăn món bít tết và đăng tận 9 bức ảnh về nó, liền cho rằng bạn "chưa trải sự đời".

Tuy chỉ là vài lời nói bâng quơ, nhưng với người khác đó lại là một cú đánh gây sát thương mạnh mẽ.

Tiểu thuyết gia người Anh Virginia Woolf trong cuốn "Đến ngọn hải đăng" đã từng viết:

"Quan điểm của một người với người khác, có một nửa là vô lý. Loại quan điểm này hoàn toàn xuất phát từ động cơ cá nhân của chính người đó."

Ác tâm lớn nhất của một người chính là áp đặt sự hiểu biết của bản thân lên người khác, và bình luận một cách tùy tiện trước những thứ chưa được lộ diện.

Nhìn cách bạn xách túi, đeo balo đã biết lương tháng chưa nổi 25 triệu - Ảnh 2.

Hình minh họa

Trong tâm lý học có một hiện tượng được gọi là "hiệu ứng hào quang". Chúng ta thường dễ dàng sử dụng kiến thức và kinh nghiệm vốn có của mình, dùng một phần để nhìn toàn phần, dùng cái phiến diện để nhìn cái toàn diện. Nó giống như khi mặt trăng bị vầng sáng che khuất sẽ xuất hiện một vòng hào quang mơ hồ không rõ ràng vậy.

Cũng giống như một câu nói trong tiểu thuyết "Hoàng Tử Bé": "Những điều quan trọng nhất không thể nhìn thấy bằng đôi mắt".

Đừng luôn tỏ ra vẻ tôi đã hiểu, tôi biết tất cả mọi thứ. Trong những góc khuất bạn không thấy được, đại đa số đều là những thứ bạn chưa hề biết.

Đừng vội phán xét trước khi chưa biết toàn bộ sự thật của vấn đề. Hãy học cách im lặng, đôi khi cũng là một cách tu dưỡng bản thân.