Phát biểu với báo giới, Chủ tịch Hiệp hội Thiên văn học Argentina Leonadro Pellizza cho biết nhật thực bắt đầu vào lúc 16h26 (giờ địa phương). Phía Tây Argentina là khu vực lý tưởng để chiêm ngưỡng hiện tượng thiên văn kỳ thú trong năm nay. Mặt Trăng đã di chuyển che khuất hoàn toàn Mặt Trời vào lúc 17h40 và khiến nhiều vùng của Argentina như Atacama và Cuyo chìm trong bóng tối. Hiện tượng nhật thực di chuyển từ phía Tây sang phía Đông. Do đó, tỉnh San Juan là địa phương quan sát được đầu tiên tại quốc gia Nam Mỹ này, tiếp đến các tỉnh La Rioja, San Luis, Cordoba và Santa Fe.
Các nhà khoa học cho biết khoảng cách địa điểm ngắm được nhật thực toàn phần tại Argentina chỉ kéo dài 200 km, còn các khu vực xung quanh chỉ quan sát được nhật thực một phần. Nhiều tổ chức thiên văn, trong đó có Hội đồng quốc gia nghiên cứu khoa học và kỹ thuật (CONICET) đã chuẩn bị kính thiên văn và máy quay để truyền tải hình ảnh nhật thực trên màn hình lớn phục vụ những người yêu thiên văn học đến tỉnh San Juan.
Argentina và Chile để có cơ hội chiêm ngưỡng hiện tượng nhật thực toàn phần. Ảnh: EPA/TTXVN
Trong khi đó tại Chile, hàng nghìn người được tận hưởng khoảnh khắc kỳ diệu trên tại vùng Coquimbo và La Serena, cách thủ đô Santiago 800km. Tổng thống Chile Sebastián Piñera cũng đã đến Đài thiên văn La Silla để xem nhật thực. Nhà thiên văn học Matias Jones cho biết rất hiếm khi có thể thấy được nhật thực toàn phần tại đài thiên văn. Lần gần đây nhất có thể quan sát hiện tượng này tại Đài thiên văn Mauna Kea ở Hawaii vào năm 1991.
Năm 2017, hiện tượng nhật thực hình khuyên cũng diễn ra tại Argentina. Những người yêu thiên văn sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng hiện tượng thiên văn kỳ thú trên vào ngày 14/12 năm tới tại vùng La Patagonia, Argentina.